/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vi phạm trong việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù xử lý như thế nào?

Vi phạm trong việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù xử lý như thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, hành vi vi phạm trong việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla.

Thời gian gần đây, vấn đề xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân, đặc biệt là vụ việc liên quan đến phạm nhân Phan Sào Nam đang được dư luận rất quan tâm. Tại kỳ họp thứ 6 (từ ngày 06 đến ngày 08/9/2021), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhận định, việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù với phạm nhân Phan Sào Nam là không đủ điều kiện, vi phạm quy định pháp luật.

Vậy, vi phạm trong việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù bị xử lý như thế nào?

Về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla nhận định, trước hết cần xem xét về điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Theo quy định tại Điều 6, Điều 8 của Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, thì điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có mức án 5 năm bao gồm: (i) Phạm nhân đã chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù và phải có ít nhất 6 tháng hoặc 2 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên; (ii) Nếu thuộc trường hợp đặc biệt được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì phạm nhân phải “lập công” hoặc phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo, hay đã quá già yếu.

Thứ hai, nguyên tắc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cũng được quy định rõ tại Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, theo đó thì việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cần tuân thủ quy định của pháp luật; bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, khách quan, công bằng và có tác dụng khuyến khích phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ; Phải căn cứ vào kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù, tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi và các đặc điểm nhân thân khác của phạm nhân.

Ngoài ra, những phạm nhân phạm tội lần đầu, cải tạo tốt, lập công chuộc tội được xét, đề nghị và quyết định mức giảm cao hơn những phạm nhân khác. Những phạm nhân bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân, phạm nhân có nhiều tiền án, nhân thân xấu, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm thì phải có nhiều thời gian thử thách hơn và phải xem xét rất chặt chẽ với mức giảm thấp hơn so với phạm nhân khác.

Cơ quan có thẩm quyền đề nghị việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là các cơ quan thi hành án hình sự như Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; Giám thị trại giam; trại tạm giam thuộc Bộ Công an; Bộ Quốc phòng khi đã được Hội đồng thẩm định của Cơ quan thi hành án Công an cấp tỉnh, cấp quân khu; Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng duyệt. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền tiến hành thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Như vậy, đối với trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đề xuất, ban hành quyết định xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân chưa đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6, Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC thì có thể bị xem xét là hành vi xâm phạm sự “đúng đắn” của hoạt động tố tụng và thi hành án. Theo đó, Điều 371 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Ra quyết định trái pháp luật" đã quy định rõ.

Điều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật

1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

….

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

Do đó, hành vi ra quyết định trái pháp luật, được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động thi hành án và ban hành quyết định mà biết rõ là quyết định đó không đúng với quy định pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.

Chính vì vậy, cần phải xử lý nghiêm minh những trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân khi không đủ điều kiện gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

LINH NHI 

Kỷ luật lãnh đạo TAND Quảng Ninh vì giảm thời hạn tù cho Phan Sào Nam

Lê Minh Hoàng