/ Đời sống - Xã hội
/ Việt nam: Tìm cách phát triển nhanh vaccine Covid-19, còn 50 bệnh nhân mắc Covid-19

Việt nam: Tìm cách phát triển nhanh vaccine Covid-19, còn 50 bệnh nhân mắc Covid-19

01/01/0001 00:00 |

(LSO) -Chiều 4/5, hai bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam có 221 trong số 271 bệnh nhân đã hồi phục. Cùng với đó, Vaccine Covid-19 của Việt Nam cũng đã bước đầu thử nghiệm trên chuột, tuy nhiên để thương mại hóa còn nhiều bước và cần phối hợp các bên, thực hiện song song.

Tiêm thử nghiệm vaccine trên chuột tại Vabiotech. Ảnh: Vnexpress

Ngày 4/5, thông tin từ Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, bệnh nhân Covid-19 thứ 170 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, vừa được công bố khỏi bệnh vào chiều nay. Đây là bệnh nhân mắc Covid-19 duy nhất điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn đến thời điểm này.

Nam bệnh nhân 27 tuổi (quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 28/3. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần với SARS-CoV-2. Trong đó, các lần xét nghiệm gần đây vào ngày 25, 27/4 và 2/5 đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Cùng ngày, bệnh nhân số 166 - bệnh nhân cuối cùng mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình - cũng được công bố khỏi bệnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết bệnh nhân số 166 (25 tuổi, quê huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, làm việc tại Thái Lan) sau khi nhập cảnh đã được cách ly tập trung tại một đơn vị quân đội trên địa bàn.

Ngày 26/3, bệnh nhân được chuyển tới điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Tại đây, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, hạ nhiệt, bù nước điện giải, tăng cường miễn dịch, nâng cao thể trạng.

Kết quả 4 lần xét nghiệm gần đây nhất của bệnh nhân số 166 đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, vào các ngày 21, 23, 25/4 và 2/5. Thời điểm xuất viện, bệnh nhân có thể trạng bình thường, không ho, không sốt, không khó thở.

Sau khi được công bố khỏi bệnh, cả 2 bệnh nhân sẽ tiếp tục tự cách ly tại gia đình trong 14 ngày.

Tính tới chiều 4/5, cả nước đã có 221/271 bệnh nhân Covid-19 hồi phục. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dự kiến 5 bệnh nhân Covid-19 tiếp tục được công bố khỏi bệnh vào ngày 5/5. Trong đó, 2 bệnh nhân tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã xuất viện cũng được công bố khỏi bệnh.

Chiều 5/4, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cuộc họp với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… cùng bàn giải pháp phát triển vaccine Covid-19. Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc mong muốn các nhà khoa học, công nghệ cùng bàn giải pháp để Việt Nam chủ động trong việc phát triển vaccine Covid-19.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, dù Việt Nam đã khẳng định trình độ trong sản xuất nhiều loại vaccine phục vụ cho tiêm chủng mở rộng, sởi, rubella… nhưng với Covid-19 bài toán thách thức hơn nhiều. "Đây là lúc cần hợp sức các bên", Thứ trưởng khẳng định.

Đồng tình quan điểm này, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 Vabiotech (Bộ Y tế) khẳng định, với vacine Covid-19 mới và khó. Mới vì chưa từng có vaccine corona nào được thương mại hóa nên chưa có công nghệ. Khó vì Covid-19 còn nhiều yếu tố miễn dịch chưa có câu trả lời, trong khi bản chất của vaccine là miễn dịch.

Thêm nữa, với vacvine cho đại dịch cần nhanh, nhiều và rẻ nên đây là một thách thức với các nhà sản xuất. "Vì vậy việc phối hợp là cần thiết, không phải một đơn vị có thể sản xuất được", ông Đạt nói.

Thế giới đang bước vào cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 với sự tham gia của gần 100 nhà sản xuất. TS Đạt cho rằng, Việt Nam cần có nhiều nhà công nghệ cùng tham gia để lựa chọn công nghệ tối ưu.

Hiện nhóm nghiên cứu của Vabiotech hợp tác với các nhà khoa học Anh đã thành công bước đầu trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của nCoV. Đây là thành phần quan trọng của vaccine, khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại nCoV, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Nhóm nghiên cứu đã tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại nCoV.

Thông thường, để tạo ra được một loại vaccine mới cần trải qua nhiều giai đoạn nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả hoạt động của vaccine.

Theo TS Đạt, để một vaccine có thể thương mại hóa, sau khi nghiên cứu thành công còn nhiều bước cần thực hiện. Trong đó các thí nghiệm trên động vật, trên người, đánh giá an toàn… là cần thiết và bắt buộc phải làm. Đòi hỏi các đơn vị có chức năng tham gia thực hiện.

Ví dụ xây dựng được mô hình đánh giá thí nghiệm trên động vật (khỉ đang là lựa chọn tối ưu), trên người, hồ sơ cấp phép… "Phải có cơ quan có chức năng tham gia và chuẩn bị trước chứ không phải đợi đến khi có vaccine mới bắt đầu thực hiện các công việc này", TS Đạt nói và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ từ khâu nghiên cứu cơ bản, các đánh giá trong phòng thí nghiệm và trên động vật, nâng quy trình tốt nhất để sản xuất với số lượng lớn nhằm phát triển vaccine Covid-19 đáp ứng yêu cầu thực tế.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Bộ sẽ mời các chuyên gia tư vấn, lựa chọn hướng khả thi nhất để phát triển nhanh vaccine Covid-19.

LÂM HOÀNG

/tinh-bao-my-trung-quoc-che-day-thong-tin-covid-19-de-dau-co-vat-tu-y-te.html
/co-bang-chung-lon-virus-corona-tu-phong-thi-nghiem-vu-han-my-noi-trieu-tien-no-sung-ve-phia-han-quoc-do-so-y.html