/ Đời sống - Xã hội
/ Vĩnh Phúc: Giám sát chuyên đề chính sách pháp luật về cải cách hành chính

Vĩnh Phúc: Giám sát chuyên đề chính sách pháp luật về cải cách hành chính

16/05/2024 15:31 |

(LSVN) - Sáng 16/5, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành giám sát chuyên đề tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Tam Dương. Ông Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Quang Nguyên phát biểu tại buổi giám sát

Để thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về cải cách hành chính, giai đoạn từ 15/7/2021 đến 31/3/2024, UBND huyện Tam Dương đã ban hành 124 văn bản chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn, triển khai, thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng tuyên truyền, tập huấn cải cách hành chính; tích cực triển khai sáng kiến, đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính. Đến nay, công tác cải cách hành chính trên địa bàn được triển khai toàn diện, từng bước đi vào chiều sâu. Những kết quả đạt được đã thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố và duy trì ổn định chính trị tại địa phương.

Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được triển khai theo đúng quy định; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi, thi hành pháp luật tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh. Từ ngày 15/7/2021 đến ngày 31/3/2024: HĐND, UBND huyện Tam Dương đã ban hành 15 Văn bản quy phạm pháp luật, gồm 01 Nghị quyết HĐND và 14 Quyết định UBND. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức 91 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp với sự tham gia của 12.285 lượt người; cấp phát 13.000 bản tài liệu về phổ biến giáo dục pháp luật. Hầu hết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đều được rà soát, kiến nghị sửa đổi, ban hành mới theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho người dân. Huyện đã công bố, công khai thủ tục hành chính, danh mục thủ tục hành chính theo quy định với 307 thủ tục cấp huyện và 141 thủ tục cấp xã, thị trấn. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đúng quy định. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện đạt 98,4%, trong đó, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước hạn đạt 98,1%.

Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được triển khai thực hiện nghiêm túc; công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được đẩy mạnh, việc ứng dụng các phần mềm nền tảng trong giải quyết công việc đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như nâng cao tỷ lệ hài lòng trong việc cung cấp dịch vụ công cho tổ chức và cá nhân trong giao dịch hành chính. Hiện toàn bộ hệ thống văn bản đi, văn bản đến (trừ văn bản mật) đều được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của huyện đạt 99,9%. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của huyện và UBND các xã, thị trấn đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ; 100% cán bộ công chức cấp huyện và 99% cán bộ công chức cấp xã đã được trang bị máy tính để làm việc.

Ngoài ra, nhiều ứng dụng, cơ sở dữ liệu thường xuyên được khai thác, sử dụng như các cơ sở dữ liệu: Danh mục thuộc nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; công báo điện tử; tài liệu lưu trữ lịch sử; hệ thống phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh; đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hộ tịch điện tử; về dân số và hộ gia đình…

Tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị UBND huyện Tam Dương bổ sung kết quả triển khai kích hoạt tài khoản định danh điện tử, công tác an toàn thông tin; làm rõ hơn về việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác cải cách hành chính; cụ thể số liệu về số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, đánh giá tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính bỏ ngoài phần mềm; kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và giải pháp thực hiện trong thời gian tới…

Đánh giá cao nỗ lực trong thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn huyện những năm qua, ông Phạm Quang Nguyên cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đề nghị huyện Tam Dương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cấp xã trong cải cách hành chính, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và Nhân dân; quan tâm bồi dưỡng và tập huấn về cải cách hành chính; tiếp tục rà soát sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. 

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Quang Nguyên đề nghị huyện Tam Dương cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; phát triển ứng dụng đồng bộ, hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh, của bộ. Tiếp tục rà soát và kiểm soát các thủ tục hành chính để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đơn giản hóa và sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính, các văn bản chồng chéo, bất cập liên quan đến việc thực hiện cải cách hành chính. Chủ động nắm bắt tình hình dư luận, tư tưởng đội ngũ cán bộ, công chức; tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại địa phương.

Thương Nguyễn 

 

Nguyễn Thương