/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ án tranh chấp đất tại Nam Sách, Hải Dương: Cần thượng tôn pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân

Vụ án tranh chấp đất tại Nam Sách, Hải Dương: Cần thượng tôn pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ông Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1954, 40 năm tuổi Đảng, là thương binh nặng 61% đang được hưởng chế độ thương binh nặng của Nhà nước. Đã từng tham gia chiến đấu trên các mặt trận phía Nam và biên giới phía Bắc chống quân bành trướng, hiện thường trú ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương hết sức bất bình, bức xúc gửi đơn lên các cơ quan Đảng, chính quyền, các cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu làm sáng tỏ những vi phạm của các cấp tòa án ở tỉnh Hải Dương trong quá trình giải quyết vụ án, cố tình làm sai lệch hồ sơ, bỏ qua các chứng cứ quan trọng dẫn đến những phán quyết sai trái, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông trong vụ án “tranh chấp QSDĐ và hủy Giấy CNQSDĐ” giữa gia đình ông và ông Lưu Đức Toản.

Nguồn gốc đất tranh chấp

Mảnh đất số 171, tờ bản đồ số 15, có diện tích 230m2 hiện nay mang tên ông Lưu Đức Toản và mảnh đất số 170, tờ bản đồ số 15, diện tích 436m2 mang tên ông Nguyễn Văn Đức đều có nguồn gốc là đất của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Dưỡng và cụ Nguyễn Thị Vé là bố mẹ đẻ của ông Nguyễn Văn Đức. Khi thực hiện Chỉ thị 299, cả hai thửa đất này đều thuộc thửa 230, tờ bản đồ số 06, diện tích 766m2, chủ hộ đứng tên sử dụng là ông Nguyễn Văn Đức.

Năm 1993, ông Nguyễn Văn Đức đã làm thủ tục tách thửa 230 thành 2 thửa, trong đó thửa 170, diện tích 436m2 đứng tên chủ sử dụng là Nguyễn Văn Đức và thửa 171, diện tích 230m2 đứng tên Nguyễn Thị Vé (là mẹ đẻ của ông Nguyễn Văn Đức). Năm 2002, cụ Nguyễn Thị Vé được cấp Giấy CNQSDĐ thửa 171. Tuy nhiên, trên thực tế ông Đức vẫn là người quản lý sử dụng cả hai mảnh đất trên.

Thương binh Nguyễn Văn Đức.

Đầu năm 2018, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức xây nhà trên thửa đất 170 và một phần trên thửa 171 thì bỗng nhiên bị ông Lưu Đức Toàn kiện cáo, cho rằng ông Đức “lấn chiếm” đất và đòi trả lại đất. Ông Đức khẳng định, việc kiện cáo đòi lại đất, nói gia đình ông lấn chiếm của ông Lưu Đức Toản là quá vu vơ, quá vô lí. Bởi cả hai thửa đất số 170, 171 đều là đất hương hỏa do bố mẹ ông để lại cho ông là con trai duy nhất.

Như đã nói ở trên, năm 1993, ông chủ động tách thửa 230 thành 2 thửa, còn trên thực tế nhiều năm nay gia đình ông vẫn liên tục quản lý, sử dụng cả hai thửa đất này, và thực tế này cũng được các cấp Tòa tỉnh Hải Dương thừa nhận.

Con nuôi và âm mưu cướp đất

Theo “Đơn tường trình” gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, ông Đức khẳng định: “Ông Lưu Đức Toản, quê ở Ninh Giang, không phải con nuôi cũng không phải là con đẻ của bố mẹ ông. Trong sổ hộ khẩu của gia đình ông và của xã Hồng Phong cũng không có tên ông Toản”. Tuy nhiên, ông Đức cho biết: "Khoảng năm 1960 hay 1961 gì đó, bố mẹ ông có nhận chú Toản về nuôi một thời gian 4 hay 5 năm. Trước năm 1969, chú Toản bỏ về quê huyện Ninh Giang sinh sống cho đến nay". Năm 1971, cụ Nguyễn Văn Dưỡng, bố ông Đức mất, cụ Vé mẹ ông Đức có cho người về đón ông Toản lên chịu tang, và sau đó, ông Toản tiếp tục về Ninh Giang sinh sống. Tuy nhiên, vì sẵn có lòng tham với danh nghĩa là “con nuôi” của vợ chồng cụ Vé, những năm 2005, 2006 cụ Vé bị tai biến 3 lần và ốm rất nặng phải nằm liệt giường, đến ngày 21/10/2006 thì cụ qua đời. Ông Toản đã lợi dụng hoàn cảnh đó “đi đêm” với một số cán bộ xã, tạo ra hồ sơ có chữ ký giả của cụ Vé “chuyển nhượng QSD thửa đất 171 cho ông Lưu Đức Toản”. Với hồ sơ có chữ ký giả đó của cụ Vé, ngày 26/01/2006, UBND huyện Nam Sách đã cấp Giấy CNQSDĐ mang tên ông Lưu Đức Toản.

Theo ông Nguyễn Văn Đức và Luật sư Nhân Mạnh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, việc cụ Vé chuyển nhượng QSDĐ cho ông Toản là vi phạm pháp luật. Bởi trong thời gian cụ Vé đang bị tai biến và ốm rất nặng nên không đủ sức khỏe và minh mẫn để làm  hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng QSDĐ cho ông Toản. Đồng thời, Biên bản xác minh hiện trạng nhà đất ngày 28/11/2005, trong phần công nhận ranh giới của chủ hộ lại không có chữ ký của ông Đức và những hộ giáp ranh với thửa đất của cụ Vé. Cụ thể, thửa giáp ranh với gia đình ông Đức là thửa ông Nguyễn Xuân Khin và Nguyễn Văn Điệp. Tuy nhiên, thời điểm làm sổ đỏ cho ông Toản thì không có chữ ký của các hộ trên (cụ Nguyễn Thị Vé, mẹ đẻ ông Đức mất tháng 10/2006, còn ông Điệp mất 2015, và ông Khin mất năm 2014). Hơn nữa, nếu cụ Vé bán đất cho ông Toản thì giá bao nhiêu? Ai thu tiền? Tại sao cụ Vé làm một việc quan trọng như thế mà ông Đức là con đẻ của cụ lại không hề biết? Đó là điều hết sức vô lí?

Bởi thế, tại các phiên tòa sơ thẩm và hiện nay TAND Cấp cao tại Hà Nội đang thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Đức, bị đơn trong vụ án đã có Đơn lần 2, đề nghị Tòa án cấp cao tại Hà Nội, hoãn xét xử để tiến hành giám định chữ ký của cụ Nguyễn Thị Vé ký trong “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” cho ông Lưu Đức Toản và trong Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất năm 1996. Dư luận cho rằng, nếu có dấu hiệu giả mạo chữ ký để hợp thức hóa thủ tục mua bán, chuyển nhượng đất trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản thì kẻ giả mạo sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Về cái gọi là “lối đi chung”

Trong đơn khởi kiện ông Đức xây nhà lấn chiếm đất, của ông Lưu Đức Toản đã thừa nhận không biết ranh giới, mốc giới mảnh đất của mình mua là ở đâu (một điều không thể tin được), vậy mà ông Toản dám nại ra giữa mảnh đất 170 và 171 trước đây đã có “một lối đi chung”, nhưng đã bị ông Đức xây nhà lấn chiếm?

Theo nhận định của Bản án số 45/2019/DS-ST ngày 25/11/2019 của TAND tỉnh Hải Dương thì: “Xác minh tại UBND xã Hồng Phong không giải trình được vì sao có lối đi chung. Ông Nguyễn Văn Đức khẳng định không hề có văn bản nào thể hiện ông đã hiến đất để làm lối đi chung. Và cũng không có tài liệu nào chứng minh chính quyền đã thu hồi đất của ông để làm lối đi chung. Thực tế thì năm 1993 đến nay, lối đi chung chỉ có gia đình ông Đức quản lý và sử dụng, các hộ giáp ranh là ông Khá, ông Điệp không hề sử dụng lối đi này mà có lối đi riêng. Mảnh đất đứng tên ông Toản cũng có lối đi riêng. Đặc biệt, rất nhiều người cao tuổi sinh sống cùng thôn lâu năm, với vợ chồng ông Đức như cụ Nguyễn Hữu Ngôn, cụ Nguyễn Thanh Non và các cụ Nguyễn Thị Hoa, Phan Lạc Nghiệp, Trần Nhận, Đỗ Xuân Lương, Phan Thị Síu đều xác nhận nhiều năm nay không hề có lối đi chung giữa 2 thửa đất 170 và 171 do gia đình ông Đức quản lý và sử dụng.

Do đó, quan điểm của Tòa sơ thẩm và một số cán bộ xã Hồng Phong cho rằng do kết quả đo đạc có sai sót khi làm bản đồ 299 nên mới hình thành “lối đi chung” giữa 2 thửa đất 170, 171 dẫn đến cái gọi là ông Đức xây nhà đã lấn chiếm đất của lối đi chung là hoàn toàn phi thực tế, không thể chấp nhận được.

Từ những chứng cứ và sai sót nghiêm trọng nói trên trong quá trình điều tra tố tụng và phán xét của các phiên Tòa sơ thẩm, với tinh thần thật sự khách quan, thượng tôn pháp luật gia đình ông Nguyễn Văn Đức và dư luận đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội cho điều tra, xem xét lại toàn bộ vụ việc. Đặc biệt cần giám định làm sáng tỏ tình tiết có hay không giả mạo chữ ký của cụ Nguyễn Thị Vé để ông Lưu Đức Toản được cấp GCNQSDĐ để vụ án được xét xử công minh, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức.

Nhóm PV

/vu-tranh-chap-hop-dong-thi-cong-xay-dung-quyen-loi-cua-nguyen-don-bi-anh-huong-sau-phan-quyet-cua-toa-an.html