/ Dọc đường tố tụng
/ Vụ án 'trốn thuế' ở Phú Yên: Đã nộp tiền thuế và tiền phạt vẫn bị bắt tạm giam?

Vụ án 'trốn thuế' ở Phú Yên: Đã nộp tiền thuế và tiền phạt vẫn bị bắt tạm giam?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bà Ngô Thị Điều (ngụ TP. Quy Nhơn) ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá trị thực tế chuyển nhượng để nộp thuế. Sau đó, bà Điều tự nguyện nộp bổ sung tiền thuế còn thiếu và tiền phạt. 40 ngày sau, Cơ quan CSĐT tỉnh Phú Yên vẫn khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bà Điều.

Ảnh minh họa.

Theo điều tra, ngày 20/7/2007, UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị (KĐT) Nam Tuy Hòa, có tổng diện tích hơn 394ha. Đến tháng 5/2016, dự án này được giao cho Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, trên diện tích hơn 38ha, trong đó có 262 lô đất nhà ở liền kề, 196 lô biệt thự và 10 lô đất thương mại – dịch vụ…

Vào cuối năm 2016, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng định giá, tổ chức bán đấu giá sỉ 262 lô đất, nhà ở liền kề. Mỗi lô đất có diện tích hơn 128m2, với mức giá khởi điểm bình quân 614 triệu đồng. Ngày 06/6/2017, UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 262 lô đất liền kề ở KĐT Nam Tuy Hòa với số tiền gần 162,5 tỉ đồng đối với bà Ngô Thị Điều (SN 1984, trú ở 170 Lê Hồng Phong, phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Trong đó, bà Điều được ưu đãi 05% (hơn 08 tỉ đồng), chỉ còn 154,5 tỉ đồng.

Từ tháng 8/2017 đến tháng 9/2020, sau khi được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) TP. Tuy Hòa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đối với 262 thửa đất nêu trên, bà Điều đã chuyển nhượng 259 thửa đất.

Trong thông báo về việc bắt bị can để tạm giam ngày 28/9/2021, Cơ quan CSĐT cho rằng: “Ngô Thị Điều đã có hành vi kê giá trên các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế để cơ quan thuế xác định sai số tiền thuế phải nộp, mục đích là giảm tiền thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và lệ phí trước bạ nhà đất trong quá trình chuyển nhượng 259 thửa đất tại khu đô thị phía Nam TP. Tuy Hòa gây thất thu cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế hơn 2.422.160.291 đồng”.

Theo nhận định của Luật sư Ngô Kim Lan (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): “Chị Điều mua sỉ 262 lô đất của dự án tại khu đô thị phía Nam TP. Tuy Hòa là do thông tin về dự án này được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cuối năm 2016 đến đầu 2017 chị Điều mới tham gia đấu thầu.

Ngoài các nội dung chi tiết về việc đấu giá theo quy định của luật pháp hiện hành, thì UBND tỉnh Phú Yên còn thông báo rõ nội dung về việc chiết khấu 05% cho người trúng thầu đấu giá với điều kiện sẽ thanh toán 100% số tiền đã trúng thầu khu đất số 1 gồm 262 lô nói trên để thu hút đầu tư nhanh chóng nhất có thể. Thực tế, tỉnh Phú Yên đã một vài lần tổ chức bán đấu giá nhưng không thành công. Lý do việc đấu giá không thành công là do thị trường bất động sản nói chung và Phú Yên nói riêng vào thời điểm đó rất trầm lắng, việc bán đất nền chưa có hạ tầng là rất khó khăn. Khu đất làm dự án là khu bãi đất trũng ven sông đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp nhưng kém hiệu quả. Lúc thực hiện đấu giá, dự án đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng và chưa có mặt bằng cũng như hạ tầng để bàn giao ngay cho người trúng đấu giá (thực tế là sau khi đấu giá xong phải sau 06 tháng Phú Yên mới có mặt bằng để bàn giao cho chị Điều). Do đã làm một vài dự án nhà ở tại Bình Định nên chị Điều đã tham gia đấu giá khu đất này. Quá trình đấu giá được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật. Việc xây dựng phương án đấu giá được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nên có thể nói quá trình đấu giá là công khai, minh bạch và chặt chẽ.

Về thủ tục, chị Điều chấp hành đúng quy định của TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và Nhà nước về đấu giá. Do là người đáp ứng được các yêu cầu của việc đấu giá nên chị Điều đã được Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư phía Bắc của khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa ký quyết định công nhận là người trúng đấu giá khu đất số 1 gồm 262 lô đất với giá 162,4 tỉ đồng. Do được chiết khấu 05% nên chị Điều chỉ phải nộp vào ngân sách nhà nước 154,4 tỉ đồng. Để có được số tiền này, ngoài một số rất nhỏ là tiền tích lũy của gia đình, phần còn lại vợ chồng chị đã phải vay ngân hàng. Trên thực tế việc phải trả lãi vay số tiền hơn trăm tỉ trong thời gian 06 tháng để Phú Yên làm xong hạ tầng và cấp sổ đỏ cho các lô đất lúc đó cũng tương đương số tiền được chiết khấu. Nhưng do tìm hiểu nguyên nhân tỉnh Phú Yên muốn bán sỉ các lô đất này là để trả nợ ngân sách Nhà nước đã vay trước đây (năm 2013 tỉnh vay ngân sách để xây dựng cầu Hùng Vương, nên vào thời điểm 2016 - 2017 Kho bạc Nhà nước đã hối thúc nhiều lần) nên chị Điều đã nỗ lực hết mình để thanh toán 100% tiền đã đấu thầu; vừa là ủng hộ tỉnh có điều kiện trả ngân sách Nhà nước, đồng thời chị cũng được giảm 05% theo thông báo của Hội đồng bán đấu giá tỉnh Phú Yên. Chị cũng tâm niệm cần hoàn thiện sớm các thủ tục và nghĩa vụ về tài chính còn có mục đích để triển khai các thủ tục sau đó đối với khu đất này, nhằm sớm thực hiện việc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng. Chính vì đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo Quyết định trúng đấu giá, nên chị Điều đã được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Tuy Hòa cấp Giấy CNQSDĐ cho 262 lô đất đã mua đấu giá. Trong thời gian khoảng cuối năm 2017 đến năm 2018, thị trường bất động sản có những chuyển biến tích cực nên giá đất được cải thiện. Chị Điều đã chuyển nhượng được 259 lô đất trong số 262 lô đất đã mua đấu giá tại TP. Tuy Hòa với tổng số tiền hơn 300 tỉ đồng.

Việc nộp thuế là nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân với nhà nước. Cơ quan thuế của các địa phương là cơ quan có trách nhiệm quản lý, đôn đốc và theo dõi các hoạt động liên quan đến thuế của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Chị Điều chuyển nhượng các lô đất đã mua sỉ của TP. Tuy Hòa cho các cá nhân khác - đã nộp thuế trên cơ sở giá ghi trên hợp đồng và đang bị quy kết là “trốn thuế” với căn cứ được nêu trong Thông báo về việc bắt giữ người. Theo tôi, nhận định như vậy của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên là chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. Trong thực tế thì việc kê khai của các đối tượng nộp thuế không phải căn cứ duy nhất để cơ quan thuế tính thuế phải nộp. Đó chỉ là một trong các căn cứ để tính thuế. Cơ quan thuế ngoài chức năng quản lý về thuế thì họ còn có chức năng đôn đốc, theo dõi việc nộp thuế. Cơ quan thuế có quyền kiểm tra việc kê khai của đối tượng nộp thuế đã đúng, đủ, kịp thời chưa. Nếu chưa đúng, đủ, kịp thời… thì cơ quan thuế có quyền ra Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung… đôn đốc việc nộp thuế. Trường hợp chị Điều thì khi chị kê khai để nộp thuế, cơ quan thuế không có bất kỳ văn bản nào yêu cầu chị chỉnh sửa, bổ sung việc nộp thuế. Sau này khi rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc mua – bán các lô đất ở Tuy Hòa, Phú Yên chị Điều đã tự nguyện nộp bổ sung các loại thuế như Thuế thu nhập cá nhân, Lệ phí trước bạ và tiền phạt chậm nộp với tổng số tiền là 5.602.593.939 đồng trước ngày 08/8/2021 (trước ngày bị khởi tố 40 ngày).

Ngoài ra, trong thực tế cũng có trường hợp bên mua trả tiền cho bên bán để yêu cầu người bán cung cấp thêm một số dịch vụ khác - chứ không phải tiền nhận được của bên mua chỉ duy nhất là tiền mua đất. Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào việc xác minh số tiền bên bán nhận của bên mua để quy kết là “trốn thuế” theo tôi là chưa khách quan.

Trong trường hợp của chị Điều, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên cần làm rõ thêm vai trò của Chi Cục Thuế TP. Tuy Hoà - Phú Yên. Xác minh xem cơ quan này đã có các Thông báo thuế với chị Điều cụ thể như thế nào? Và thực tế chị Điều đã nộp thuế ra sao? Còn thiếu bao nhiêu thuế? Tôi thiết nghĩ việc nhận định đối tượng nộp thuế có trốn thuế hay không phải căn cứ vào các kết luận của cơ quan có chuyên môn - cụ thể ở đây là Chi Cục Thuế TP. Tuy Hoà - Phú Yên. Có như vậy mới tránh được việc hình sự hóa quan hệ dân sự, khởi tố bắt giam người oan sai”.

Cũng theo Luật sư Lan: “Giả sử trong trường hợp bà Điều có ý định “trốn thuế”, nhưng trước khi bị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, bà Điều đã nộp bổ sung toàn bộ số tiền thuế chưa nộp. Theo quy định Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” thì bà Điều sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự".

Được biết, bà Điều bị bắt giam trong tình trạng sức khỏe rất xấu. Bà có nhiều căn bệnh như tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiền đình, rối loạn nội tiết… từ rất nhiều năm. Do vậy, Luật sư Ngô Kim Lan cũng đề nghị các cơ quan xem xét việc gia đình đã có đơn bảo lãnh xin cho bà Điều được thay đổi biện pháp ngăn chặn, nhằm chăm sóc và ổn định sức khỏe, tránh các khả năng đáng tiếc sẽ xảy ra.

Tạp chí Luật Sư Việt Nam sẽ tiếp tục đăng tải khi có thông tin mới về vụ án. 

QUANG MINH

Một vụ án 'tranh chấp hợp đồng đặt cọc' qua ba cấp xét xử vẫn chưa xong?

Lê Minh Hoàng