/ Luật sư trực ban
/ Vụ bệnh viện cách ly người nghi mắc Covid-19 suốt 16 tiếng trên xe cấp cứu: Thực hiện cách ly sai quy trình, ai chịu trách nhiệm?

Vụ bệnh viện cách ly người nghi mắc Covid-19 suốt 16 tiếng trên xe cấp cứu: Thực hiện cách ly sai quy trình, ai chịu trách nhiệm?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Vụ việc Bệnh Viện Đa Khoa Bảo Sơn cách ly người nghi mắc Covid-19 suốt 16 tiếng đồng hồ trên xe cấp cứu đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận? Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu xác minh thông tin phản ánh về sự việc Bệnh Viện Đa Khoa Bảo Sơn đã cách ly người nghi mắc Covid-19 suốt 16 tiếng trên xe cấp cứu. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt ra câu hỏi, để xảy ra sự việc trên, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Chị P.T.T.A. phải nằm trên xe cứu thương suốt 16 tiếng khi test nhanh dương tính với Covid-19. Ảnh: LĐO.

Những ngày vừa qua, vụ việc Bệnh Viện Đa Khoa Bảo Sơn cách ly người nghi mắc Covid-19 suốt 16 tiếng đồng hồ trên xe cấp cứu đang thu hút rất nhiều sự chú ý từ dư luận.

Liên quan đến vụ việc trên, ngay khi tiếp nhận được thông tin, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn gửi tới Sở Y tế Hà Nội yêu cầu xác minh thông tin phản ánh về sự việc này. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế TP. Hà Nội kiểm tra quy trình sàng lọc, xét nghiệm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Cục cũng đề nghị Sở Y tế thành phố xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Mặc dù, Bộ Y tế đã có những động thái vô cùng sát sao và dứt khoát trong sự việc lần này. Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra về việc để xảy ra sự việc trên, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Thực hiện cách ly sai quy trình, ai chịu trách nhiệm?

Về vấn đề này Luật sư Đặng Hồng Dương, Công ty Luật TNHH Sao Sáng cho biết, tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch đã quy định rõ về thẩm quyền, hình thức quyết định và thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

Cụ thể, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở y tế đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều 1 Nghị định 101/2010/NĐ-CP.

Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 101/2010/NĐ-CP.

Người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 101/2010/NĐ-CP  này.

Cụ thể, Điều 1, Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định về “Áp dụng biện pháp cách ly y tế” như sau:

1. Biện pháp cách ly y tế tại nhà được áp dụng đối với các trường hợp:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch, trừ đối tượng là người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh dịch thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là một số bệnh thuộc nhóm B);

b) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B;

c) Người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.

2. Biện pháp cách ly tại cơ sở y tế áp dụng đối với các trường hợp:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch;

b) Người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.

3. Biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu áp dụng đối với các trường hợp:

a) Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A;

b) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.

4. Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam thuộc quy định tại khoản 3 Điều này vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.

Theo đó, Luật sư cho rằng, người đứng đầu Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm khi thực hiện sai quy trình cách ly người bệnh.

Việc xử phạt thực hiện cách ly sai quy trình sẽ căn cứ vào khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành vi hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định các ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; c) Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

Xử lý thế nào nếu để xảy ra trường hợp làm lây lan dịch bệnh?

Liên quan đến vấn đề trên, thông tin từ báo chí cho biết, trước đó, chị P.T.T.A. (Sinh năm 1999, trú tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, người bị nhốt trong xe cấp cứu bệnh viện) phát hiện mình có dấu hiệu cảm cúm nên đã đến khám tại Bệnh Viện Đa Khoa Bảo Sơn.

Sau 2 lần test nhanh dương tính với Covid-19, bệnh viện đã cách ly chị A. trên xe cấp cứu suốt cả đêm 28/11. Tuy nhiên, đến chiều ngày hôm sau (29/11), sau khi có phản ánh thì bệnh viện mới cử người đưa bệnh nhân lên phòng cách ly.

Chị T.A cho biết, suốt cả đêm bị cách ly trong xe cấp cứu, thời tiết đêm rất lạnh nên chị đã phải chịu lạnh cả đêm. Đến ngày hôm sau, mặt trời lên rọi vào xe cấp cứu lại khiến cho không khí trong xe ngột ngạt, nóng bức, nếu mở cửa kính xe thì sẽ có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho những người đi qua khu vực xe cấp cứu.

Chưa kể đến những ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần của chị T.A cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ sau sự việc.

Về vấn đề này, theo Luật sư Hồng Dương, nếu để xảy ra tình trạng người nghi nhiễm thật sự bị mắc Covid-19 và làm lây dịch bệnh thì hành vi này có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, căn cứ điểm 1.10, khoản 1, Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 30/3/2020: Người nào có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trường hợp người nghi nhiễm bị cách ly tại xe cấp cứu dẫn đến tử vong, xử lý ra sao?

Trong trường hợp người nghi nhiễm cách ly tại xe dẫn đến tử vong, theo Luật sư, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiêm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

VŨ QUÝ

Xét xử trực tuyến hướng tới xây dựng 'Tòa án điện tử' trong thời đại công nghệ 4.0

Admin