/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vụ lộ clip dâm ô ở Hải Phòng: Dấu hiệu xâm phạm tình dục trẻ em

Vụ lộ clip dâm ô ở Hải Phòng: Dấu hiệu xâm phạm tình dục trẻ em

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng vụ việc này có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi của người phụ nữ và hành vi phát tán những clip này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ hàng loạt clip người phụ nữ bán khỏa thân để trẻ đụng chạm vùng nhạy cảm bị lan truyền trên mạng xã hội đang được dư luận chú ý, cho rằng người phụ nữ có dấu hiệu dâm ô trẻ em. Theo đó, trao đổi với báo chí, người phụ nữ này cho biết, do camera an ninh tại nhà bị lấy cắp nên lộ ra những hình ảnh riêng tư.

Vậy, pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý hành vi hack camera, rồi đăng tải lên mạng xã hội những hình ảnh nhạy cảm? Hành vi của người phụ nữ trong những clip đó có bị xử lý không?

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng vụ việc này có dấu hiệu tội phạm bởi vậy cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi của người phụ nữ này và hành vi phát tán những clip này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Hành vi truy cập trái phép vào phương tiện điện tử của người khác để đánh cắp thông tin là hành vi vi phạm pháp luật

Trước tiên phải khẳng định rằng hành vi truy cập trái phép vào phương tiện điện tử của người khác để đánh cắp thông tin là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức xử phạt có thể lên đến 12 năm tù, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 289. Tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác"
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ Sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, với hành vi truy cập trái phép vào đầu thu camera an ninh, chiếm quyền kiểm soát, đánh cắp thông tin dữ liệu camera an ninh thì đối tượng vi phạm trong trường hợp này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và sẽ bị đối mặt với mức hình phạt là bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp hành vi, được xác định là có tổ chức hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng trở lên cho nạn nhân thì đối tượng vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 03 năm đến 07 năm tù.

Ngoài ra, hành vi đưa truyền dữ liệu trái phép trên mạng internet cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Trong vụ việc này người truy cập trái phép vào phương tiện điện tử của người khác để đánh cắp dữ liệu và người đăng tải các clip này lên mạng xã hội có thể là hai người khác nhau, cũng có thể là một người. Tuy nhiên hành vi đánh cắp tượng và hành vi đăng tải lên mạng xã hội là hai hành vi khác nhau dù là một người hay hai người thì những hành vi này cũng sẽ bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Những hình ảnh này, clip này mà gửi đến cơ quan chức năng để tố cáo người phụ nữ trong clip thì lại là hành vi hợp pháp và được khuyến khích để bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, người có hình ảnh, clip này (có thể không phải là người đánh cắp dữ liệu) lại phát tán lên mạng xã hội thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Điều 8 và Điều 18 của Luật An ninh mạng. Những hình ảnh, clip này là có tính chất khiêu dâm, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người trong clip bởi vậy riêng hành vi này cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
g) Dẫn đến biểu tình.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Vì vậy, với hành vi vi phạm quy định pháp luật này thì đối tượng có phải đối mặt với mức hình phạt lên đến 07 năm tù.

Bởi vậy, cơ quan an ninh mạng và cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ đối tượng nào đã truy cập trái phép vào phương tiện điện tử của người phụ nữ này để đánh cắp tượng, đối tượng nào đã đăng tải trái phép các clip này lên mạng xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự hoặc chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Cụ thể mức phạt như sau:

Điều 84. Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”.

Đây là hành vi hết sức nghiêm trọng, xâm phạm đến an ninh mạng, an toàn thông tin và gây hoang mang trong dư luận. Hành vi này có thể phát sinh nhiều hệ lụy, tiêu cực xấu cho xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân công dân bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật, đồng thời cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để công dân hiểu biết và chấp hành Luật An ninh mạng, tôn trọng bí mật đời tư cá nhân và không thực hiện các hành vi pháp luật trên không gian mạng.

Đối với người phụ nữ trong clip, hành vi cũng có dấu hiệu của tội danh xâm phạm tình dục trẻ em

Luật sư Cường cho rằng, đối với người phụ nữ trong clip đã có những hành vi khiêu dâm, dâm ô đối với trẻ em (người dưới 16 tuổi) thì hành vi này cũng có dấu hiệu tội phạm, kể cả trường hợp đứa trẻ là con của người phụ nữ này. Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, thể hiện lối sống bệnh hoạn, lệch lạc mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em, có thể tạo ra những đứa trẻ lệch lạc, bệnh hoạn và tiềm ẩn những hiểm họa cho xã hội.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.

Theo quy định của Công ước về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan thì Pháp luật ghi nhận bảo đảm và bảo vệ quyền trẻ em. Trong đó có quyền sống trong môi trường an toàn, nghiêm cấm mọi hành vi bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em. Hành vi đụng chạm, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ em hoặc để trẻ em sợ mó đụng chạm hôn hít vào bộ phận sinh dục của mình là hành vi vi phạm pháp luật…

Với những clip đã được phát tán công khai thì có thể khởi tố người phụ nữ này về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi, bởi rất nhiều hình ảnh cho thấy người phụ nữ này đã sờ mó vào bộ phận sinh dục của người dưới 16 tuổi và để người dưới 16 tuổi sờ mó vào bộ phận sinh dục của mình rất nhiều lần, hiện tượng người phụ nữ này công khai khỏa thân trước mặt trẻ em là một hành động phản cảm và tác động xấu đến việc hình thành nhân cách của trẻ.

Một số clip còn cho thấy người phụ nữ này còn có hành vi “quan hệ tình dục khác” với người dưới 16 tuổi có những hình ảnh thể hiện có cháu bé tầm hơn 10 tuổi cúi mặt vào cơ quan sinh dục của người phụ nữ này… Bởi vậy, nếu hình ảnh clip là chân thực, không bị cắt ghép, chỉnh sửa thì còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phụ nữ này về Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trường hợp nạn nhân chưa đủ 13 tuổi thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Cụ thể có xử lý hình sự được không, xử lý về tội danh nào thì cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu, chứng cứ, dấu vết, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại để xác minh làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Trước tình trạng hành vi xâm hại tình dục diễn ra nhiều, khó kiểm soát, gây bức xúc trong dư luận thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn xét xử xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Trong đó, quy định: Xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ…).

Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của người dưới 16 tuổi).

Bởi vậy, nếu trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người phụ nữ này đã có hành vi “Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác..”. Những hành vi này có tính chất tình dục nhưng không nhằm mục đích thực hiện hành vi quan hệ tình dục thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Những hình ảnh, thông tin cho thấy người phụ nữ này có lối sống lệch lạc, thậm chí có thể gọi là bệnh hoạn, buông thả, có tính chất bầy đàn, xa rời với lối sống của xã hội văn minh. Việc thực hiện các hành vi có tính chất tình dục trước mặt trẻ em, để trẻ em sờ mó đụng chạm, hôn hít… vào bộ phận sinh dục của người lớn sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của những đứa trẻ xung quanh. Nếu những hành vi sờ mó, đụng chạm vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ này là do dụ dỗ hoặc ép buộc thì người phụ nữ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi, bất kể đứa trẻ đó có là con của người phụ nữ nữ này hay là người khác, vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi như sau:

Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên ;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trong khi cơ quan chức năng xác minh xem xét làm rõ thì các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em cần có những biện pháp hỗ trợ và can thiệp kịp thời để bảo vệ những đứa trẻ khỏi người phụ nữ có lối sống lệch lạc, bệnh hoạn như vậy. Cần thiết có thể nhờ đến các chuyên gia tâm lý, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các cháu để tránh trường hợp các cháu lâm vào tình trạng tâm lý bất ổn, bị tổn thương.

Có lẽ vụ việc này sẽ là bài học cho công tác đảm bảo an ninh an toàn mạng và bài học cho những hành vi bất chấp pháp luật, xâm phạm đến quyền bí mật đời tư cá nhân. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì đây cũng sẽ là bài học cho những người có lối sống lệch chuẩn, xa rời với lối sống của xã hội văn minh.

Tất cả những hành vi “lệch chuẩn” đều có thể là những hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra hành vi lệch chuẩn, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục cũng sẽ bị xã hội cười chê, lên án.

THANH THANH

/vu-nguoi-phu-nu-lo-hang-loat-clip-ban-khoa-than-tai-nha-rieng-ke-hack-camera-va-nguoi-bi-xam-nhap-deu-pham-toi.html