/ Luật sư - Bạn đọc
/ Nguyên Hiệu trưởng và Kế toán ở Đắk Lắk tham ô gần 2 tỉ đồng: Cần xử lý nghiêm minh để làm trong sạch môi trường sư phạm

Nguyên Hiệu trưởng và Kế toán ở Đắk Lắk tham ô gần 2 tỉ đồng: Cần xử lý nghiêm minh để làm trong sạch môi trường sư phạm

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hiệu trưởng và kế toán của trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Đắk Lắk đã giả mạo hồ sơ giấy tờ để chiếm đoạt tiền của nhà trường do họ đang quản lý thì đây là hành vi tham ô tài sản. Với số tiền chiếm đoạt gần 2.000.000.000 đồng thì những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trường CĐSP Đắk Lắk.

Liên quan đến vụ việc ngày 30/8, bà H'Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Công an tỉnh về việc xử lý sai phạm tại Trường CĐSP Đắk Lắk.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chuyển 23 bộ hồ sơ, chứng từ và việc mua bán 13 hóa đơn có dấu hiệu bất hợp pháp của trường CĐSP Đắk Lắk sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh để làm rõ, xem xét và xử lý theo quy định. Giao Sở Nội vụ căn cứ vào kiến nghị của Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm các sai phạm theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng ngày, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã chuyển 23 bộ hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh.

Trước đó, theo kết luận thanh tra và báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk nhận định ông Trần Văn Khương, phụ trách kế toán và ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Đắk Lắk đã lập khống 23 bộ hồ sơ, chứng từ để thanh toán các nội dung chi không có thực. Đây là hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán. Ngoài ra còn có việc mua bán 13 hóa đơn bất hợp pháp.

Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, theo kết luận thanh tra thì vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Bởi vậy, cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý về hành vi tham ô tài sản, mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng là có căn cứ.

Theo quy định của pháp luật thì người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản nhà nước do mình quản lý thì đó là hành vi tham ô tài sản.

Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng357 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

"Như vậy, theo quy định của pháp luật thì đây là tội phạm về chức vụ, người thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ quyền hạn, được giao quản lý tài sản nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này", Luật sư Cường nhận định.

Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hiệu trưởng và kế toán của trường này đã giả mạo hồ sơ giấy tờ để chiếm đoạt tiền của nhà trường do họ đang quản lý thì đây là hành vi tham ô tài sản. Với số tiền chiếm đoạt gần 2.000.000.000 đồng thì những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu trên.

Ngoài ra, đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn thì đây là hành vi độc lập và có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 01 năm đến 05 năm theo Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

"Đây là sự việc rất đáng tiếc xảy ra tại cơ sở giáo dục và đào tạo ngành sư phạm. Sự việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của các thầy cô giáo, uy tín của ngành giáo dục. Bởi vậy cơ quan điều tra cần thận trọng xem xét đánh giá hành vi vi phạm, làm rõ phương thức thủ đoạn vi phạm, hậu quả xảy ra để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết luận của cơ quan thanh tra là đúng, có hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ, mua bán trái phép hóa đơn để chiếm đoạt tài sản thì những người vi phạm sẽ phải đối mặt với tội "Tham ô tài sản" và tội "Mua bán hóa đơn", Luật sư Cường phân tích rõ. 

Trong khi rất nhiều giáo viên gặp nhiều khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thì có những người ở vị trí quản lý, có trách nhiệm lại không biết chăm lo cho đời sống của cán bộ, công nhân viên, không biết xây dựng động lực để cho cơ quan phát triển, chỉ lo lắng vun vén cho lợi ích của bản thân, điều này khiến cho một số cơ quan tổ chức trở nên mất đoàn kết và có thể vi phạm pháp luật. Mỗi khi thay đổi cán bộ hoặc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thì những vụ việc khuất tất, tiêu cực như thế này mới bị phát hiện, phanh phui và bị xử lý trước pháp luật.

Với cương vị là hiệu trưởng nhà trường và kế toán thì có lẽ cuộc sống của những người này sẽ không khó khăn đến mức phải thực hiện hành vi phạm tội để mưu sinh, cải thiện đời sống mà đó chính là lòng tham, sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức khiến những người có chức vụ trong cơ sở giáo dục đào tạo này sa ngã. Đây là một sự việc hết sức đau lòng xảy ra đối với ngành giáo dục và cũng là bài học cho những ai vì lòng tham, suy thoái đạo đức mà bất chấp pháp luật làm liều để rồi phải gánh chịu những hậu quả rất nghiêm trọng, rất đáng chê trách.

Việc này cũng là bài học về công tác cán bộ, khi lựa chọn những cán bộ không đủ đức, không đủ tài, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác để rút khống của công thì sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà nước, của đảng trước nhân dân. Vì vậy, việc đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong ngành giáo dục cần phải được quan tâm hơn nữa. Ngoài ra việc bồi dưỡng đạo đức, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, nâng cao vai trò ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục cũng cần phải được thực hiện tốt hơn để tránh những vụ việc tương tự xảy ra gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút uy tín của ngành giáo dục.

DUY ANH

TP. Hồ Chí Minh thực hiện sớm việc chuẩn hóa và thăng hạng giáo viên

Lê Minh Hoàng