/ Luật sư - Bạn đọc
/ Công trình 61 Trần Phú, Hà Nội: Cần đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh khi thực hiện

Công trình 61 Trần Phú, Hà Nội: Cần đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh khi thực hiện

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Công trình tại số 61 Trần Phú được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, có nhiều giá trị và ý nghĩa về kiến trúc, văn hóa và lịch sử nên việc phá dỡ công trình này đã khiến nhiều người tiếc nuối.

Tòa nhà cổ ở 61 Trần Phú đang bị phá dỡ để thi công công trình. Ảnh: TTO.

Vụ việc phá dỡ công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) để xây dựng công trình đa chức năng POSTEF với 11 tầng nổi và 06 tầng hầm đang thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận.

Ngày 06/4/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình, Quận ủy Đống Đa chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Kết quả thực hiện phải báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 15/4/2022.

Lắng nghe ý kiến

Đại biểu Quốc hội khóa XV Phạm Văn Hòa cho biết, không chỉ Hà Nội mà tất cả những công trình trong quy hoạch ở các địa phương đều phải theo quy hoạch chung. Bản thân công trình này không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá" được ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, ngày 04/4/2022 UBND quận Ba Đình đã có Văn bản số 517 đề nghị Công ty CP Thiết bị Bưu điện bảo vệ nguyên trạng Bức phù điêu đắp nổi xây dựng trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực của công trình 61 Trần Phú - minh chứng lịch sử tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 19/5/1967. Đồng thời, báo cáo UBND thành phố, Sở VH&TT, UBND quận Ba Đình về phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục Bức phù điêu tại vị trí ban đầu trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, việc xây dựng công trình văn hóa, công trình kiến trúc đô thị hoặc các công trình công cộng trên địa bàn đều phải theo công tác quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trước khi các công trình được phê duyệt, quy hoạch thì cũng cần phải lấy ý kiến của HĐND Thành phố, HĐND các quận, phường, ý kiến của người dân nhằm xem xét, đánh giá.

Phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình, và căn cứ theo Mục III.3.h, Điều 1, Quyết định này có nêu: “Khu Nhà máy thiết bị Bưu điện (lô G1): Di chuyển Nhà máy ra khỏi khu trung tâm xây dựng thành Khu tổ hợp thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp. Khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và chỗ đỗ xe”.

Theo quy hoạch thì khu vực này sẽ được xây dựng số tầng tối đa cho phép đến 11 tầng và mật độ xây dựng là 50%.

Về việc bảo tồn kiến trúc, công trình tại số 61 Trần Phú không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa" được ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội (Khoá XIV, Kỳ họp thứ 8 ngày 03/12/2013).

Luật sư cho biết, việc UBND TP. Hà Nội cho phép phá dỡ công trình và xây dựng công trình mới là phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, công trình tại số 61 Trần Phú được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, có nhiều giá trị và ý nghĩa về kiến trúc, văn hóa và lịch sử nên việc phá dỡ công trình này đã khiến nhiều người tiếc nuối.

"Trước những ý kiến của dư luận và báo chí, thì các cơ quan chức năng cũng nên lắng nghe và có sự xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tất cả các khía cạnh từ vấn đề pháp lý, quy hoạch, đến những giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử của công trình để có hướng giải quyết phù hợp nhất, để có thể vừa phát triển, vừa bảo tồn được những di sản văn hóa, lịch sử quý giá của Thủ đô nói riêng và của đất nước nói chung", Luật sư Hùng chia sẻ.

Khu đất số 61 phố Trần Phú rộng hơn 9.000m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP Thiết bị Bưu điện (POSTEF). Đây vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn.

Ban đầu, POSTEF dự định xây dựng khu đất này trở thành Trung tâm công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó POSTEF quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng POSTEF. Công ty thuê đất của nhà nước có thời hạn 50 năm, ngày hết hạn 24/6/2067 với tổng diện tích đất 7.523 m2.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.574,5 tỉ đồng và được triển khai từ năm 2012. Liên danh với POSTEF thực hiện Dự án còn có Công ty CP Liên Việt Holdings. Theo Quyết định 3841 của UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Khu đất nghiên cứu là hơn 9.078m2, diện tích lập dự án là 7.532m2: Gồm 11 tầng nổi và 06 tầng hầm khoảng hơn 43.023m2, chiều cao khoảng 42,9m. Tổng vốn đầu tư hơn 1.574 tỉ đồng.

TRẦN QUÝ

Chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về phát hành, bán trái phiếu trái quy định

Lê Minh Hoàng