/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ phi công không liên lạc được không lưu sân bay Cát Bi: Có thể yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại

Vụ phi công không liên lạc được không lưu sân bay Cát Bi: Có thể yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có thì các kiểm soát viên không lưu trong vụ việc này còn có thể bị yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại về tinh thần đối với hành khách hoảng loạn, thiệt hại về chi phí phát sinh do chậm trễ bay hoặc chi phí để khắc phục việc chậm trễ bay hoặc thậm chí là thiệt hại do uy tín của hãng bay bị giảm sút vì chịu ảnh hưởng của vụ việc nêu trên.

Đài kiểm soát không lưu Cát Bi. Ảnh: TNO.

Mới đây, sự việc phi công chuyến bay gọi 10 cuộc trên tần số liên lạc, nhưng vẫn không nhận được liên lạc với Tháp điều khiển tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đang thu hút rất nhiều sự chú ý từ dư luận.

Cụ thể, sự việc xảy ra vào sáng sớm ngày 18/3/2022 với chuyến bay VJ671 từ Hải Phòng đi Buôn Ma Thuột.

Theo đó, máy bay dự kiến cất cánh lúc 06 giờ 15 sáng cùng ngày. Tuy nhiên, từ 05 giờ 30 đến 05 giờ 58, phi công chuyến bay này đã gọi Tháp điều khiển không lưu sân bay Cát Bi hơn 10 lần trên tần số liên lạc và 03 lần trên tần số khẩn nguy để phối hợp thông tin chuyến bay, nhưng không nhận được thông tin từ kiểm soát viên không lưu trả lời.

Ngay sau đó, phi công đã phải liên lạc với Cơ quan chỉ huy ACC tại Hà Nội để thông báo việc không liên lạc được với Tháp điều khiển sân bay Cát Bi. Nhận được thông tin, ACC Hà Nội đã liên lạc với Tháp điều khiển sân bay Cát Bi, đến khoảng 06 giờ, kiểm soát viên không lưu tại Cát Bi đã liên lạc với phi công chuyến bay để khởi hành.

Sau khi kiểm tra dữ liệu camera tại phòng điều hành không lưu, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, tình huống trên xảy ra khi nhân viên quản lý bay không đeo tai nghe (headset) nên không nghe được cuộc gọi của phi công.

Vị này cũng cho biết phi công đã liên lạc với kiểm soát viên không lưu khá sớm. Đồng thời xác định, đây không phải sự cố uy hiếp an toàn bay. Chuyến bay sau đó đã cất cánh đúng giờ, đảm bảo an toàn.

Có dấu hiệu không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đối với vị trí công việc

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Công ty Luật TNHH ThinkSmart, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong trường hợp trên lỗi ở đây thuộc về phía kiểm soát viên không lưu trực ca tại thời điểm chuyến bay cất cánh.

Theo Luật sư, kiểm sát viên không lưu tại bộ phận kiểm soát mặt đất phải có trách nhiệm kiểm soát hoạt động của tàu bay từ vị trí đỗ đến vị trí chờ trước khi vào đường cất hạ cánh. Kiểm soát khi tàu bay rời khỏi đường cất hạ cánh lăn về vị trí đỗ tại sân bay, đồng thời, điều hành các hoạt động bay tại khu vực kiểm soát mặt đất.

Do đó, hành vi của kiểm soát viên không lưu trong vụ việc nêu trên có dấu hiệu không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đối với vị trí công việc bao gồm nhưng không giới hạn: Đeo tai nghe (headset) và trả lời thông tin từ phi công chuẩn bị cất/hạ cánh tại sân bay.

Theo đó, đối với hành vi nêu trên, kiểm soát viên không lưu có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 16, Nghị quyết 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ điều hành bay theo giấy phép chứng chỉ chuyên môn.

Mặt khác, trong trường hợp không đúng nhiệm vụ điều hành bay theo giấy phép chứng chỉ chuyên môn gây uy hiếp an ninh hàng không, an toàn hàng không thì mức xử phạt có thể lên tới từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm e, khoản 5, Điều 16, Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Đồng thời, bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 đến 03 tháng theo quy định tại điểm I, khoản 8, Điều 3, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng.

Trong trường hợp hành vi vi phạm nêu trên ở mức độ nghiêm trọng có khả năng dẫn đến gây thiệt hại về cho tính mạng, sức khỏe, tài sản ở mức độ nhất định có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có thì các kiểm soát viên không lưu trong vụ việc này còn có thể bị yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại về tinh thần đối với hành khách hoảng loạn, thiệt hại về chi phí phát sinh do chậm trễ bay hoặc chi phí để khắc phục việc chậm trễ bay hoặc thậm chí là thiệt hại do uy tín của hãng bay bị giảm sút vì chịu ảnh hưởng của vụ việc nêu trên.

Tuy nhiên, để có thể yêu cầu các kiểm soát viên không lưu thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nêu trên, các cá nhân yêu cầu cần chứng minh được sự tồn tại của các vấn đề sau theo quy định tại khoản 1, Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể hiểu bao gồm: i) Hành vi trái pháp luật của kiểm soát viên không lưu trong vụ việc; ii) Thiệt hại thực tế của các cá nhân yêu cầu bồi thường (Có thể định lượng thành con số yêu cầu); iii) Mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi vi phạm của kiểm soát viên không lưu và thiệt hại đã xảy ra.

Có thể bị xử lý hình sự?

Luật sư cho biết trong vụ việc trên, sau thời gian bỏ tai nghe và không phẩn hồi thông tin từ phi công, kiểm soát viên không lưu đã kịp thời liên lạc lại với phi công để khởi hành chuyến bay và chưa gây ra tai nạn hay hậu quả đáng tiếc tương tự.

Tuy nhiên, đặt giả thiết trong trường hợp hành vi của kiểm soát viên không lưu trong vụ việc nêu trên không nhanh chóng được khắc phục và là nguyên nhân dẫn đến tai nạn máy bay hay hậu quả tổn hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản cho chủ thể khác thì có thể đối mặt với rủi ro pháp lý là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm điều khiển tàu bay.

Theo đó, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 277, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

“1. Người nào chỉ huy, điều khiển tàu bay mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường không, có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt theo quy định nêu trên còn dựa vào sự phân tích, đánh giá về mực độ nguy hiểm của hành vi đối với xã hội và mức độ nghiêm trọng hậu quả đã xảy ra nếu có.

Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi đối với loại tội phạm này là chủ thể đặc biệt, có điều kiện đó là là người chỉ huy, điều khiển tàu bay bao gồm nhưng không giới hạn như phi công, kiểm soát viên không lưu.

Bên cạnh đó, hành vi khách quan được mô tả đối với tội danh này là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông hàng không được đặt ra cho các chue thể đặc biệt nêu trên như hành vi điều khiển tàu bay bay chệch đường hàng không hoặc hành vi ngủ quên, nhầm lẫn của kiểm soát viên không lưu.. Đối với các hành vi đã được miêu tả nêu trên, Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho rằng cần có chế tài xử phát nghiêm khắc cũng như có những biện pháp liên lạc khác phòng trường hợp kiểm soát viên không lưu không đeo tai nghe (headset) khi làm việc .

VŨ QUÝ

Kỷ luật đảng: Bước đầu của quy trình xử lý vi phạm đối với cán bộ?

Admin