/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Bị khởi tố với nhiều tội danh ông Lê Tùng Vân đối diện với mức án nào?

Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Bị khởi tố với nhiều tội danh ông Lê Tùng Vân đối diện với mức án nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trường hợp bị kết án về nhiều tội danh thì Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt cao nhất chỉ là tù có thời hạn thì tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù. Ngoài hình phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn thì những người phạm các tội danh này còn phải bồi thường thiệt hại, phải trả lại tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân trong hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện đã diễn ra trước đó.

Khởi tố người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai với 3 tội danh

Ngày 05/01, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã khởi tố 3 tội danh đối với ông Lê Tùng Vân (SN 1932, trú tại quận 6, TP. Hồ Chí Minh), người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai có địa chỉ tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Cụ thể, 3 tội danh mà ông Lê Tùng Vân bị khởi tố gồm: tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân" và tội "Loạn luân".

Trước đó, sau nhiều lùm xùm liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai, tháng 11/2021, Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã vào cuộc điều tra tại cơ sở thờ tự, nuôi dưỡng trẻ em bất hợp pháp này.

Từ kết quả điều tra, Công an huyện Đức Hòa đã củng cố chứng cứ và ngày 04/01/2022, Công an huyện Đức Hòa phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh Long An, Viện Kiểm sát tống đạt quyết định khởi tố và khám xét khu vực Tịnh thất Bồng Lai, đưa một số người liên quan về trụ sở lấy lời khai.

Theo đại diện Công an tỉnh Long An, các tội danh trên đang được củng cố hồ sơ xử lý. Bước đầu xác định kết quả giám định ADN của ông Vân trùng với ADN của một số trẻ được nuôi dưỡng trong tịnh thất, nơi có mẹ của các bé ở cùng. Đây là chứng cứ về hành vi loạn luân và Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Vân.

Ngoài ra, những người liên quan trong Tịnh thất Bồng Lai cũng đang được củng cố hồ sơ xử lý.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Lê Tùng Vân.

Hình phạt cao nhất là tù chung thân

Chia sẻ với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan trong vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi công dân. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Cụ thể tại khoản 5, Điều 5 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 nghiêm cấm hành vi: "Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi".

Người lợi dụng tôn giáo để trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi mạo danh cơ sở tôn giáo tín ngưỡng để đưa ra thông tin gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức chế tài cao nhất của tội danh này có thể đợi 20 năm tù hoặc tù chung thân. 

Theo Luật sư Cường, những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng là: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Phạm tội nhiều lần. 

Ngoài ra, trong quá trình điều tra nếu bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc thuộc trường hợp là "Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên"; thì cũng sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Đối với những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của các tổ chức cá nhân, đưa những thông tin, luận điệu xuyên tạc sai sự thật làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân, cơ quan điều tra cũng khởi tố những ông Lê Tùng Vân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân" là có cơ sở. Với tội danh này thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có thể lên đến 07 năm tù.

Ngoài ra, trên cơ sở xác định có hành vi quan hệ loạn luân (quan hệ tình dục giữa cha với con, anh chị em với nhau) nên cơ quan điều tra đã khởi tố ông Vân về tội "Loạn luân" để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, trường hợp bị kết án về nhiều tội danh thì Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt cao nhất chỉ là tù có thời hạn thì tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù.

Ngoài hình phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn thì những người phạm các tội danh này còn phải bồi thường thiệt hại, phải trả lại tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân trong hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện đã diễn ra trước đó.

Làm rõ trách nhiệm quản lý tôn giáo ở địa phương

Những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân nhẹ dạ cả tin đã góp tiền cho những đối tượng này sẽ được xác định là người bị hại, có quyền yêu cầu những người đã lợi dụng tôn giáo, giả mạo trẻ mồ côi để trục lợi phải trả lại toàn bộ số tiền, tài sản đã nhận được của họ.

"Cơ quan tố tụng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn, quản lý tôn giáo ở địa phương, làm rõ nguyên nhân tại sao hoạt động tôn giáo trái phép này diễn ra nhiều năm không bị ngăn chặn, xử lý. Những cán bộ sai phạm trong công tác quản lý, tùy vào tính chất mức độ sẽ bị lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Luật sư Cường nói.

Luật sư cho rằng, vụ việc này là một bài học trong công tác quản lý hoạt động tôn giáo, trong việc thực hiện các hoạt động cứu trợ xã hội, kêu gọi từ thiện. Đồng thời là bài học cho những người dân nhẹ dạ cả tin khi tham gia các hoạt động thiện nguyện. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động từ thiện là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin của con người vào lòng tốt và sự tử tế, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, chế tài xử lý đối với các đối tượng này sẽ rất nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

TIẾN HƯNG

Khởi tố người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai với 3 tội danh

Lê Minh Hoàng