/ Góc nhìn
/ Xây dựng nhà nước pháp quyền: Tạo thói quen sử dụng cơ chế đại diện, ủy quyền

Xây dựng nhà nước pháp quyền: Tạo thói quen sử dụng cơ chế đại diện, ủy quyền

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc mở rộng dịch vụ công, khuyến khích, tạo thói quen cho người dân sử dụng cơ chế đại diện, ủy quyền cho những người có kiến thức pháp luật, thông thạo các quy định để thay mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan. Đây cũng là biện pháp quan trọng góp phần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng xã hội pháp quyền văn minh, thịnh vượng.

Ảnh minh họa.

Ở đa số các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước phát triển việc ủy quyền cho Luật sư, người đại diện để thực hiện các hợp đồng, giao dịch hoặc các quyền nhân thân là khá phổ biến. Người dân nhiều nước gần như “khoán trắng” cho Luật sư thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính mà ít khi phải đến cơ quan nhà nước để làm các giấy tờ, thủ tục. Trong khi đó, ở nước ta chưa có thói quen sử dụng cơ chế đại diện, ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Việc này mang lại những lợi ích cho cả đôi bên, cơ quan nhà nước đỡ vất vả khi thực hiện thủ tục hành chính, do nhận được hồ sơ chặt chẽ, đầy đủ và người dân cũng đỡ tốn công sức đi lại, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ nhiều lần do chưa nắm rõ quy định pháp luật. Có thể khẳng định rằng, việc ủy quyền cho Luật sư, người đại diện thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có nhiều ưu điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, việc ủy quyền cho Luật sư, người đại diện để giải quyết các giao dịch, thủ tục hành chính sẽ có nhiều thuận lợi, vì những người này am hiểu pháp luật, thông thạo các quy trình, quy định liên quan nên giao cho họ thực hiện sẽ đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng pháp luật. Điều này hạn chế tranh chấp, khiếu nại về sau vì nhiều trường hợp khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự thiếu các giấy tờ, hồ sơ hoặc chưa đảm bảo tính pháp lý có thể ảnh hưởng quyền lợi, gây thiệt hại cho người dân sau này như bị hủy bỏ, thu hồi các giấy tờ liên quan.

Thứ hai, thông qua cho Luật sư, người đại diện, mặc dù tốn ít chi phí nhưng bù lại người dân đỡ tốn công đi lại, bổ sung, hoàn thành thủ tục. Bởi đôi khi tự mình thực hiện có thể mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc hơn so với việc bỏ tiền thuê Luật sư, người đại diện thay mặt giải quyết thủ tục cho mình. Đặc biệt đối với những người không có thời gian hoặc ở xa, đi lại khó khăn thì việc ủy quyền thực hiện các giao dịch dân sự là nhu cầu cần thiết.

Thứ ba, việc ủy quyền cho Luật sư, người đại diện thực hiện các giao dịch dân sự sẽ góp phần đảm bảo việc giải quyết các thủ tục hành chính công khai, minh bạch, nhất là nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng khi giải quyết các thủ hành chính cho người dân. Bởi những người được ủy quyền đã nắm rõ các quy định, thủ tục thì cán bộ, công chức hoặc cơ quan có thẩm quyền khó có thể gây khó dễ cho họ được, từ đó hạn chế tối đa tiêu cực.

Ngoài ra, khi Luật sư, người đại diện đi làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự thì với kiến thức pháp luật sâu rộng họ sẽ phát hiện ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập của các quy định, thủ tục… Từ đó, họ sẽ có đóng góp, tham gia ý kiến với cơ quan chức năng có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định chưa hợp lý, bất cập để hệ thống pháp luật, các quy định ngày càng hoàn thiện hơn.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc mở rộng dịch vụ công, khuyến khích, tạo thói quen cho người dân sử dụng cơ chế đại diện, ủy quyền cho những người có kiến thức pháp luật, thông thạo các quy định để thay mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan. Đây cũng là biện pháp quan trọng góp phần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng xã hội pháp quyền văn minh, thịnh vượng.

                                                                 Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

                                         Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Hạn chế tối đa việc giao cho bộ, ngành hướng dẫn luật

Lê Minh Hoàng