/ Trợ giúp pháp lý
/ Tăng mức phạt đối với hành vi xây dựng nhà ở không có giấy phép

Tăng mức phạt đối với hành vi xây dựng nhà ở không có giấy phép

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đây là mức phạt quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại khoản 7, Điều 16, Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

- Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Trước đây, tại khoản 5, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Theo đó, các mức phạt trên được áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Có thể thấy so với Nghị định 139/2017/NĐ-CP, Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã tăng mạnh các mức xử phạt đối với hành vi xây dựng công trình mà không có giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, tại Điều 81, Nghị định 16/2022/NĐ-CP cũng quy định các trường hợp nêu trên nếu đủ điều kiện cấp phép xây dựng mà đang thi công thì sẽ bị xử lý như sau:

- Người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.

- Trong thời hạn 90 ngày đối với dự án đầu tư xây dựng, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng.

- Hết thời hạn trên, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh đã được thẩm định thì người có thẩm quyền xử phạt ra văn bản thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Nghị định 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/01/2022.

VŨ QUÝ

Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động và quản lý hội

Lê Minh Hoàng