/ Pháp luật - Đời sống
/ Xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu

Xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 nhưng cũng cần phải bảo đảm đúng pháp luật.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: VGP. 

Sáng ngày 26/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ 13 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến về các nội dung như Đề án "Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Toà án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp"; báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến tại Toà án, do Ban Cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao trình. 

Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương tại phiên họp thứ 13, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu kết luận về vấn đề này. 

Cụ thể, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, vì dân, đặc biệt là cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhưng phải thực hiện đúng Hiến pháp và yêu cầu của công việc, của người thực thi, bảo đảm tính khả thi phải cao, sát thực tiễn. Các ý kiến thảo luận phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Chúng ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới theo nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hệ thống các vấn đề nói trên cần quán triệt trong các cơ quan Nhà nước, trước hết là hệ thống tư pháp.

Chủ tịch nước thay mặt Ban Chỉ đạo hoan nghênh Tòa án nhân dân tối cao đã chuẩn bị công phu, tập hợp được nhiều ý kiến, mặc dù còn có những ý kiến khác nhau nhưng các thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, sâu nghiệp vụ, nhiều chiều, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta. Ban Nội chính trung ương, Ban thư ký đã có nhiều cuộc họp phân tích đánh giá, Tòa án nhân dân tối cao nhiều lần tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều cuộc họp lắng nghe.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trách nhiệm đề án thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chủ tịch nước cho rằng, cái mới bao giờ cũng là cái khó, phải cố gắng làm, thực hiện đường lối của Đảng nhưng phải bảo đảm chắc chắn và phù hợp. Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu hoàn thiện đề án và lắng nghe các ý kiến quý báu của thành viên, bảo đảm sát thực tiễn, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu, dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân. Đặc biệt, chúng ta đang thực hiện cam kết với quốc tế, đồng thời không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, yêu cầu của phiên tòa phải bảo đảm đúng pháp luật. Đây là vấn đề mới cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất, trước hết phương án áp dụng trong án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Yêu cầu đặt ra là bảo đảm thuận lợi nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật (hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm), chặt chẽ của quá trình tranh tụng và những vấn đề đặt ra. Chủ tịch nước đề nghị hoàn thiện đề án theo tinh thần nói trên, bảo đảm không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thẩm quyền xác định khái niệm trực tuyến, các ý kiến đóng góp đưa ra nhiều phương án, trong đó có việc Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể, các cơ quan Viện kiểm sát, Công an họp bàn, thống nhất phương án báo cáo Thường vụ Quốc hội có ý kiến chính thức.

Về đề án "Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp", Chủ tịch nước khẳng định chúng ta đã dùng khái niệm hội thẩm nhân dân từ mấy chục năm qua và đã làm tốt, số lượng sai sót trong các vụ án ít, mặc dù trong quá trình lựa chọn vị trí hội thẩm nhân dân, tổ chức hoạt động của hội thẩm… còn một số vấn đề cần quan tâm. Đây là vấn đề khó và nhạy cảm, vừa qua làm tốt cần khắc phục tồn tại để làm tốt hơn nữa.

Do đó, để nâng cao chất lượng và số lượng hội thẩm nhằm bảo đảm quyền lợi chính trị và nâng cao tinh thần trách nhiệm của hội thẩm. Việc này đã làm từ Mặt trận Tổ quốc phối hợp Tòa án nhân dân giới thiệu hội đồng nhân dân các cấp bầu hội thẩm nhân dân. Chủ tịch nước khẳng định chất lượng hội thẩm rất quan trọng đối với công tác xét xử. Do đó, cần hoàn chỉnh đề án trên tinh thần tiếp thu ý kiến phát biểu tại phiên họp và đưa vào chương trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó có vấn đề cải cách tư pháp để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Việc nâng cao chất lượng hội thẩm vẫn tiếp tục được đặt ra và có thể triển khai để có đội ngũ hội thẩm tốt phục vụ sự nghiệp cải cách tư pháp.

Ngoài ra, Chủ tịch nước đề nghị Ban thư ký tập hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp, thảo luận để có thông báo kết luận, trước hết để sớm thông qua đề án xét xử trực tuyến mà tòa án chủ trì phối hợp các cơ quan tố tụng, tạo điều kiện cho việc xét xử trực tuyến chính thức.

Xét xử trực tuyến - Luật sư phải làm gì?

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc thực hiện xét xử trực tuyến có nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí, nhân lực, thời gian, đảm bảo an ninh phiên tòa, giảm thiểu bớt những thủ tục không cần thiết, nhưng vẫn có tiến hành đầy đủ thủ tục tố tụng, đảm bảo quyền nhờ Luật sư bào chữa và quyền tự bào chữa, quyền con người của bị cáo.

Để làm được điều này, chính đội ngũ Luật sư cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nắm bắt tiến độ ban hành, áp dụng quy chế và công cụ phương tiện kỹ thuật cần thiết nhằm có thể chủ động tham gia phiên tòa trực tuyến tốt nhất để đảm bảo thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ và khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý.

Về cơ bản, trình tự thủ tục phiên tòa khó mà có thể thay đổi vì cho dù xét xử trực tuyến hay tổ chức phiên tòa trực tiếp thì Hội đồng xét xử vẫn cần phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hiện hành. Bởi vậy, cho dù tham gia phiên tòa trực tuyến thì các Luật sư vẫn có đầy đủ quyền để sử dụng toàn bộ kỹ năng, trình độ của mình phù hợp với các quy định của pháp luật để bảo vệ thân chủ.

Tuy nhiên, không phải là không có những khó khăn khi các Luật sư tham gia phiên tòa trực tuyến, chẳng hạn, các Luật sư phải đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, việc kết nối với phiên tòa có thể gặp những sự cố đường truyền gây ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ/bào chữa cho thân chủ, việc đánh giá chứng cứ (đặc biệt chứng cứ là vật chứng) có thể sẽ khó khăn. Ngoài ra, không gian giữa Luật sư và thân chủ khác nhau nên khó khăn trong quá trình trao đổi thông tin hoặc vấn đề về bảo mật thông tin phiên tòa cũng là một thách thức lớn.

Nói chung, cho dù vẫn còn một số hạn chế nhỏ, nhưng về cơ bản phương thức xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu trong thời đại số với những ưu điểm nổi bật, đặc biệt khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, Luật sư cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng bao gồm hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị kỹ thuật cần thiết, cập nhật thông tin quy chế và tiến hành đào tạo/tự đào tạo… để đáp ứng chất lượng bào chữa/bảo vệ cho thân chủ trong phiên tòa.

Luật sư Hoàng Kiên, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ nhận định, việc tổ chức xét xử trực tuyến sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn cho Luật sư khi tham gia bào chữa, bảo vệ cho thân chủ của mình. Để đảm bảo thể hiện tốt vai trò của mình trong phiên xét xử, có một số vấn đề Luật sư cần chuẩn bị và lưu ý.

Luật sư cần lập tức cập nhật, học tập các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, Internet, kết nối đường truyền… Trong đó việc sử dụng các phần mềm trực tuyến rất quan trọng. Ngoài ra, Luật sư cần đảm bảo đường truyền mạng ổn định cao, tránh việc trong quá trình dự phiên xét xử đường truyền không ổn định dẫn đến việc lắng nghe ý của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên… bị hạn chế hoặc việc trình bày của Luật sư bị gián đoạn làm cho Hội đồng xét xử không nghe được.

Bên cạnh đó, có thể nói phiên xét xử trực tuyến là lợi thế cho Luật sư trong việc trình bày luận cứ hoặc tranh luận vì tại thời điểm trình bày của mình, Luật sư có thể trình chiếu lên màn hình tài liệu, chứng cứ kèm theo cho tất cả mọi người trong Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và toàn thể những người được quyền truy cập, tham gia phiên tòa nhìn thấy, nâng cao hơn nữa tính thuyết phục trong lời trình bày, nội dung tranh luận của mình. Điều này đòi hỏi Luật sư phải thuần thục sử dụng máy vi tính, thao tác tìm hồ sơ, tài liệu mình đã chuẩn bị, lấy ra và trình bày lên màn hình.

Hơn hết, việc tổ chức xét xử trực tuyến tại các cấp Tòa án cũng sẽ là một thách thức lớn đối với giới Luật sư trong quá trình hành nghề của mình. Tuy nhiên, đó lại là lợi thế rất lớn nếu Luật sư ngay lập tức học tập, luyện tập những kỹ năng vận hành, ứng dụng, xử lý tình huống của các phần mềm.

YÊN NHI 

TAND cấp cao tại TP. HCM lên 3 kịch bản phòng chống Covid-19

Lê Minh Hoàng