/ Luật sư trực ban
/ Xử lý thế nào với hành vi cung cấp, mua bán dữ liệu cá nhân trái phép?

Xử lý thế nào với hành vi cung cấp, mua bán dữ liệu cá nhân trái phép?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Việc cung cấp, mua bán dữ liệu các nhân trái phép sẽ bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? Bạn đọc H.L.K hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư Tây Ninh cho biết, đối với hành vi cung cấp, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, tiết lộ, thu thập trái phép dữ liệu thông tin cá nhân tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, nguy hiểm hơn nếu đây là hành vi của người có trách nhiệm hoặc trực tiếp quản lý nguồn dữ liệu thông tin các nhân của các tổ chức tài chính, ngân hàng, kinh doanh mạng xã hội, mạng bưu chính viễn thông làm lộ, lọt thông tin khách hàng gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật và thanh danh uy tín, cũng như thiệt hại về vật chất đối với khách hàng mà mình có trách nhiệm quản lý.

Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức xử phạt có thể lên đến 30.000.000 đồng.

Ngoài ra, trong trường hợp cán bộ, nhân viên người lao động vi phạm quy định này thì người vi phạm có thể bị buộc thôi việc.

Về hình sự, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu một trong các tội sau đây:

- “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - theo Điều 174 (Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017). Người có hành vi này, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù lên đến 20 năm hoặc chung thân. Và mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.

- “Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng” - theo Điều 291(Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017) với mức hình phạt về cải tạo không giam giữ, phạt tiền tương đương với Điều 174 (nêu trên). Và mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.

- “Làm giả tài liệu của tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” - theo Điều 341 (Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017) với mức hình phạt về cải tạo không giam giữ, phạt tiền tương đương với Điều 174 (nêu trên). Và mức phạt tù cao nhất lên đến 05 năm…

Ngoài ra, những người cùng phạm tội với tư cách chủ mưu, trực tiếp thực hiện tội phạm, xúi giục, giúp sức cũng… sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 17 (Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017) về “Đồng phạm” và theo điều luật mà người đứng đầu tổ chức thực hiện hành vi tội phạm bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử…

Hiện nay, khi mà mạng xã hội phát triển như vũ bão thì việc chia sẻ, đăng lại thông tin vì động cơ vụ lợi, hoặc chỉ vì nghe theo sự lôi kéo của người khác… không còn là vấn đề hiếm. Nhiều người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, nhưng hình như chưa đủ sức răn đe và giáo dục. Bởi lẽ, nhiều người vẫn nghĩ việc mình làm không ai biết, không xảy ra hậu quả.. hoặc nếu có bị phát hiện cũng không bị xử phạt. Điều này là hoàn toàn sai vì mọi hành vi vi phạm đều có thể bị trừng trị nếu cơ quan chức năng chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội của người vi phạm với thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu.

Mong rằng, mọi người sẽ ý thức rõ trách nhiệm công dân trong việc tuân thủ và chấp hành pháp luật vì sự an toàn và trật tự chung cho tất cả mọi người.

VÕ QUẾ

Ủy quyền bằng giấy viết tay có hợp pháp không?

Lê Minh Hoàng