/ Tin tức
/ Xuất hiện tội phạm mua bán ma túy bằng Bitcoin

Xuất hiện tội phạm mua bán ma túy bằng Bitcoin

03/07/2023 14:58 |

(LSVN) - Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 06 tháng đầu năm 2023 tổ chức sáng nay (03/7) của VKSND TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa.

Theo đó, thông tin tại Hội nghị, báo cáo của VKSND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 06 tháng đầu năm 2023, tình hình tội phạm tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên loại tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ma túy được che giấu dưới hình thức hàng hóa là "quà biếu" chuyển phát nhanh, hàng "xách tay".

Điển hình là vụ vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam phát hiện vào ngày 16/3/2023 tại ga đến quốc tế thuộc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, thu giữ 154 hộp kem đánh răng hiệu Signal Expert White, qua giám định bên trong các hộp kem đánh răng là ma túy.

Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra 02 cấp đã khởi tố 60 bị can về các tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy", "Mua bán trái phép chất ma túy", "Che giấu tội phạm" và "Không tố giác tội phạm".

Đồng thời, thời gian gần đây cũng bắt đầu xuất hiện các đối tượng sử dụng tiền mã hóa (Bitcoin) để thanh toán giao dịch mua bán trái phép chất ma túy.

Tội phạm xâm phạm sở hữu tiếp tục chiếm tỉ lệ cao (49,7%) trong tổng số tội phạm mới xảy ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Tội phạm về trật tự an toàn xã hội tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp với tính chất côn đồ, manh động, nguy hiểm cao, đã xảy ra các vụ giết người một cách man rợ (điển hình là vụ Lê Văn Vàng dùng dao chém mẹ ruột của mình, cắt đầu vứt vào sọt rác).

Xuất hiện các ổ nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động tín dụng đen, hoạt động trên phạm vi địa bàn rộng hoặc sử dụng thủ đoạn núp bóng doanh nghiệp để che giấu hoạt động tội phạm; tiếp cận người vay bằng nhiều hình thức (phát tờ rơi, quảng cáo trên các trang mạng xã hội, cho vay qua ứng dụng trực tuyến), sau đó thực hiện hành vi đòi nợ bằng nhiều hình thức trái pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân (điển hình vụ Công ty F88 ở TP. Hồ Chí Minh). Đến nay đã khởi tố 10 bị can về tội "cưỡng đoạt tài sản", Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành phố đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Liên quan đến tội phạm về tham nhũng, chức vụ nổi lên các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố, gây bức xúc trong dư luận xã hội, hiện đã khởi tố 169 bị can về các tội "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ", "Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật".

Cơ quan điều tra hai cấp đã phát hiện và khởi tố mới 4.794 vụ/5.184 bị can (tăng 1.127 vụ, 1.834 bị can, tương ứng tăng 30,7% về số vụ). Trong đó, tội phạm về trật tự xã hội tăng 566 vụ; tội phạm về sở hữu, kinh tế, môi trường tăng 148 vụ, tội phạm về ma túy tăng 386 vụ, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 27 vụ.

Về vấn nạn xuất hiện các loại ma túy mới, trước đó Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã đưa ra các cảnh báo về việc gia tăng tình trạng ma túy “núp bóng” dưới các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm...) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng và ma túy do tội phạm thực hiện hành vi “pha trộn”, “tẩm ướp”, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, người dân nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa “pha trộn”, “tẩm ướp” này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. 

Cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo loại ma túy được sản xuất dưới các dạng viên, dạng lỏng, dạng bột, dạng tem giấy… mà còn được trộn vào nhiều loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo, đồ uống. 

Trước tình hình tội phạm ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này. Công an các địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố và tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chính sách pháp luật của Nhà nước, tác hại của ma túy.

Trong đó, có nêu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy như: Giao dịch, mua bán của đối tượng chủ yếu diễn ra trên không gian mạng; sử dụng tài khoản mạng xã hội (zalo, viber, telegram, instagram...) để thỏa thuận số lượng, giá cả, sau đó thuê các đơn vị, cá nhân vận chuyển mà không trực tiếp giao dịch với nhau.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng chỉ ra cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng “pha trộn”. Thường xuyên cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến tội phạm ma túy “núp bóng" dưới các loại thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; phối hợp với nhà trường, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, quản lý, giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật về ma túy. Đặt biệt, để phòng tránh thực trạng này, cần thiết phải có sự chung tay vào cuộc của lực lượng chức năng, sự ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo người dân.

TRẦN MINH

Bệnh viện có thể lựa chọn giá cao nhất trong đấu thầu thiết bị y tế

Nguyễn Hoàng Lâm