/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký tiến hành tố tụng vụ án hình sự

Bàn về việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký tiến hành tố tụng vụ án hình sự

25/07/2023 06:36 |

(LSVN) - Thẩm phán, Hội thẩm (Hội đồng xét xử) và Thư ký là những thành phần tiến hành tố tụng không thể thiếu trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, việc những thành phần trên tham gia giải quyết vụ án hình sự không thể lúc nào cũng thuận lợi, trên thực tế phát sinh nhiều tình huống, nhiều trường hợp khác nhau mà họ không thể tiếp tục tiến hành tố tụng. Lúc này, pháp luật đã dự liệu các cách thức giải quyết khác nhau, trong đó có việc thay đổi những thành phần này. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Ảnh minh họa.

Theo Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm: 

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Trong các trường hợp trên, trường hợp 1 và 2 là những trường hợp đã rất cụ thể, rõ ràng, dễ xác định. Riêng đối với trường hợp 3 thì không thể có một quy chuẩn, bộ tiêu chí nhất định để đánh giá mà phải căn cứ vào đánh giá chủ quan trong từng vụ án cụ thể. 

Ngoài các trường hợp này, Điều 53, 54 BLTTHS đã lần lượt quy định thêm các trường hợp khác phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký, đó là:

- Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm: Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

- Thay đổi Thư ký: Đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

Việc quy định các trường hợp này phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng là phù hợp, cần thiết, bảo đảm chất lượng xét xử và sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, thực tế xét xử còn phát sinh nhiều trường hợp nằm ngoài các trường hợp nêu trên mà Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Thư ký không thể tham gia xét xử như vấn đề nhiệm kỳ, bổ nhiệm lại Thẩm phán, điều kiện khách quan như thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, thậm chí có trường hợp Hội thẩm công tác đột xuất mà không còn cách nào khác là không thể tham gia xét xử… Những trường hợp này không thể căn cứ vào các trường hợp tại Điều 49, 53, 54 để ra quyết định thay đổi. Nếu không thay đổi Thẩm phán vụ án sẽ không giải quyết được hoặc kéo dài gây tồn đọng án, ảnh hưởng đến những người tham gia tố tụng.

Hiện nay, đối với những trường hợp này, Tòa án đang vận dụng quy định về “từ chối tiến hành tố tụng” của Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký để giải quyết. Có nghĩa rằng, mặc dù không có căn cứ luật định để từ chối tiến hành tố tụng, nhưng nếu không thể tiếp tục tiến hành tố tụng, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký sẽ đưa ra lời “từ chối tiến hành tố tụng” dưới dạng văn bản. Căn cứ vào văn bản đó, vận dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 53, điểm a khoản 1 Điều 54, Chánh án ban hành Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký để bảo đảm chất lượng, thời hạn, tiến độ giải quyết án.

Tuy nhiên, đường lối xử lý trên chỉ là vận dụng, và đôi khi việc này mang lại nhiều hạn chế, đó là việc các cơ quan tư pháp khác như Tòa án cấp trên, Viện Kiểm sát không đồng tình, cho rằng không có căn cứ thực hiện.

Do đó, để thống nhất áp dụng, có cơ sở xử lý đối với những trường hợp trên, cần bổ sung căn cứ để từ chối và thay đổi những thành phần này, đó là “Trong những trường hợp khác mà Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký không thể tiếp tục tiến hành tố tụng”. Việc quy định trường hợp này sẽ bao quát tất cả các trường hợp phát sinh, đối với từng vụ án do Chánh án xem xét quyết định.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân

Bùi Thị Thanh Loan