/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Các giải pháp nâng cao chất lượng Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế

Các giải pháp nâng cao chất lượng Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Do đặc thù về ngôn ngữ, chuyên môn giảng dạy và yêu cầu về chất lượng giảng dạy nên giảng viên tham gia Chương trình đều là các Luật sư, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Kể từ khi triển khai đến nay, Chương trình đã có sự tham gia giảng dạy của một số trọng tài viên, giảng viên, chuyên gia pháp luật nước ngoài đến từ Tòa án Trọng tài quốc tế ICC, Hội đồng Trọng tài quốc tế (KCAB); Đại học SMU, Singapore; Công ty Luật Baker&McKenzie (Chi nhánh Việt Nam); Công ty Luật TNHH Rajah&Tann LCT (TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam). Tuy nhiên, cần thiết phải phát triển thêm số lượng giảng viên nước ngoài để học viên có cơ hội học tập và các kiến thức, kỹ năng thực hành nghề Luật sư đa dạng hơn và nâng cao được trình độ ngoại ngữ.

Ảnh minh họa.

Đánh giá chung về những kết quả đạt được của việc xây dựng và triển khai Chương trình

Thực hiện Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”, Bộ Tư pháp đã giao Học viện Tư pháp xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Về cơ bản, việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế đã đạt được những kết quả như sau:

Về việc xây dựng chương trình đào tạo: Qua quá trình nghiên cứu chương trình đào tạo Luật của các nước tiên tiến trên thế giới, căn cứ vào kết quả điều tra về nhu cầu đào tạo và đặc biệt là quá trình tham vấn ý kiến của các tổ chức hành nghề Luật sư, các chuyên gia xây dựng chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, Học viện Tư pháp đã hoàn thành và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 2539/QĐ-BTP ngày 06/12/2016 ban hành Chương trình khung đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Trên cơ sở Chương trình khung, Giám đốc Học viện Tư pháp ban hành Chương trình chi tiết đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế theo Quyết định số 1418/QĐ-HVTP ngày 26/12/2016; Quyết định số 1480/QĐ-HVTP ngày 17/9/2019.

Về việc xây dựng hệ thống tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo: Để có thể triển khai hiệu quả, thống nhất Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, từ 2018 đến tháng 10/2021, Học viện Tư pháp đã biên soạn đề cương môn học cho tất cả 11 môn học (05 môn bắt buộc, 06 môn tự chọn); xuất bản 01 giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án của Luật sư; hoàn thành Tập bài giảng 03 môn học bắt buộc và 02 môn học tự chọn; hoàn thành sưu tầm tài liệu tham khảo, án lệ của tổ chức quốc tế, nước ngoài dịch sang tiếng Việt; xây dựng 01 tuyển tập vụ việc tranh chấp thương mại quốc tế điển hình; xây dựng 64 hồ sơ tình huống thực hành trong 05 môn bắt buộc và 01 môn tự chọn; xây dựng giáo án điện tử cho tổng số tất cả 43 bài của 05 môn học bắt buộc và 02 môn tự chọn (thương mại đầu tư, thanh toán quốc tế); xây dựng đề cương hướng dẫn thực tập, hoạt động ngoại khóa và tổ chức đi thực tế cho 03 khóa đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp đã xây dựng tủ sách chuyên ngành thương mại quốc tế bằng tiếng Anh làm tài liệu tham khảo cho giảng viên và học viên của lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, tổng số sách hiện có là 325 cuốn.

Về các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc xây dựng, triển khai Chương trình: Các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo luật sư hội nhập quốc tế được triển khai song hành cùng quá trình nghiên cứu xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo Luật sư thương mại quốc tế. Điển hình phải kể đến các hoạt động nghiên cứu như: Đề tài “Kinh nghiệm xác định, phương pháp giảng dạy các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản trong hoạt động đào tạo luật tại Anh và Mỹ - Bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng chương trình đào tạo Luật sư thương mại quốc tế tại Việt Nam” (đã hoàn thành năm 2015); Đề tài “Ứng dụng phương pháp Blended Learning và Hệ thống quản lý học trực tuyến (LMS) trong hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp” (đã hoàn thành năm 2020); Đề tài “Kỹ năng marketing cho Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế” (đã hoàn thành năm 2021); tổ chức 12 hội thảo, hội nghị, tọa đàm về cơ chế hợp tác trong hoạt động đào tạo Luật sư thương mại quốc tế, xây dựng chương trình khung đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, tập huấn giảng viên, phương pháp giảng dạy chương trình đào tạo, kỹ năng mềm cho Luật sư, kỹ năng soạn thảo pháp lý, vấn đề thực tập của học viên, vấn đề nâng cao năng lực cho giảng viên các lớp đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Về việc xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy cho chương trình: Học viện đã tổ chức một số buổi làm việc chính thức với một số trường, tổ chức hành nghề Luật sư hàng đầu của Việt Nam và các tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam để thiết lập quan hệ hợp tác trong hoạt động đào tạo Luật sư thương mại quốc tế như: Công ty Luật Baker&MacKenzie Việt Nam, Công ty Luật Allen & Linklaters, Công ty Luật TNHH Vilaf Hồng Đức, Công ty Luật YKVN, Công ty Luật Tilleke & Gibbins, Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập, Công ty Luật LNT & Partners, Công ty Luật InvestConsult…

Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp đã tổ chức thành công 02 tọa đàm “Xây dựng cơ chế hợp tác trong hoạt động đào tạo Luật sư thương mại quốc tế” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngày 15/6/2017, Học viện Tư pháp và Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế Việt Nam đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nghề Luật sư và đặc biệt là triển khai Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.

Học viện Tư pháp luôn nỗ lực tìm kiếm chuyên gia, giảng viên, cộng tác viên tham gia giảng dạy cho Chương trình. Đến nay, có 80 tổ chức hành nghề luật sư trong nước, tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức đào tạo đại học, sau Đại học và các cơ quan, tổ chức khác đã, đang cộng tác với Học viện, số chuyên gia, giảng viên thỉnh giảng, cộng tác viên là 107 người.

Về kết quả tổ chức các khóa đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế: Kể từ năm 2017 đến nay, Học viện Tư pháp đã và đang triển khai 05 khóa đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với số lượng học viên liên tục tăng theo mỗi năm. Tổng số học viên đã tham gia 04 khóa là 158; khóa 5 (2021-2022) dự kiến khai giảng ngày 30/10/2021 tại TP. Hồ Chí Minh có 69 học viên đăng ký tham gia.    

Từ năm 2014 đến 2020, Học viện Tư pháp đã mở 09 lớp bồi dưỡng tiếng Anh pháp lý với 150 học viên tham gia. Các lớp bồi dưỡng tiếng Anh pháp lý đã mang lại hiệu quả cao, giúp học viên tích lũy được vốn từ vựng, kiến thức cơ bản nhất trong lĩnh vực pháp lý. Từ 2018 đến nay, việc tổ chức các lớp tiếng Anh pháp lý tạm dừng để tập trung cho nhiệm vụ triển khai Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.

Về trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho việc triển khai Chương trình: Học viện Tư pháp đã đầu tư xây dựng 02 phòng học chất lượng cao dành riêng cho lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ hoạt động dạy - học theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Các giải pháp nâng cao chất lượng Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế

Để nâng cao hơn nữa chất lượng Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế (Chương trình), cần thiết phải tiến hành đồng thời và kịp thời các giải pháp sau:

Thứ nhất: Sửa đổi Chương trình theo hướng phù hợp hơn với thực tế nhu cầu của người học và thực tiễn lĩnh vực hội nhập quốc tế nói chung, thương mại quốc tế nói riêng ở Việt Nam.

Từ năm 2016 đến nay với nhiều điều ước quốc tế Việt Nam tham gia ký kết, trở thành thành viên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), nhiều văn bản pháp luật mới trong lĩnh vực thương mại quốc tế, hội nhập quốc tế như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Thỏa thuận quốc tế…, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế cho phù hợp. Bên cạnh đó, để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu của học viên, đánh giá, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, tháng 05/2021, Học viện Tư pháp đã thực hiện Khảo sát chỉnh sửa Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế với sự tham gia của 73 giảng viên, Luật sư, các chuyên gia pháp luật và 121 học viên và các cá nhân khác quan tâm đến Chương trình khung đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Các ý kiến của người tham gia khảo sát là cơ sở quan trọng để Học viện Tư pháp sửa đổi Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế trong thời gian tới. Một số điểm nổi bật cần tham vấn phục vụ cho việc sửa đổi Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế như:

- Một số môn học, bài học trong Chương trình chưa sát, chưa cập nhật với sự phát triển của hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế và thực tiễn hoạt động của Luật sư những năm gần đây, điển hình như quản lý ngoại thương, phòng vệ thương mại, đầu tư quốc tế, thương mại tự do hóa, giao dịch kinh doanh dịch vụ, hàng hóa có yếu tố nước ngoài…  

- Phần tự chọn trong Chương trình chưa thật sự bảo đảm tính chuyên sâu hoặc chưa tạo nhiều cơ hội cho học viên lựa chọn học phần theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp, thường chú trọng vào lĩnh vực thương mại tư. Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung thêm các môn học tự chọn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của học viên.

- Đặc biệt, Chương trình cần thiết phải bổ sung thêm các nội dung giảng dạy để học viên có được nền tảng kiến thức, kỹ năng cần thiết, thuận lợi hơn để tham gia kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức để có thể được cấp thẻ Luật sư.

Thứ hai: Tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho Chương trình.

Do đặc thù về ngôn ngữ, chuyên môn giảng dạy và yêu cầu về chất lượng giảng dạy nên giảng viên tham gia Chương trình đều là các Luật sư, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Kể từ khi triển khai đến nay, Chương trình đã có sự tham gia giảng dạy của một số trọng tài viên, giảng viên, chuyên gia pháp luật nước ngoài đến từ Tòa án Trọng tài quốc tế ICC, Hội đồng Trọng tài quốc tế (KCAB); Đại học SMU, Singapore; Công ty Luật Baker&McKenzie (Chi nhánh Việt Nam); Công ty Luật TNHH Rajah&Tann LCT (TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam). Tuy nhiên, cần thiết phải phát triển thêm số lượng giảng viên nước ngoài để học viên có cơ hội học tập và các kiến thức, kỹ năng thực hành nghề Luật sư đa dạng hơn và nâng cao được trình độ ngoại ngữ.

Về đội ngũ giảng viên trong nước, Chương trình đã có sự tham gia giảng dạy của một số giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp và giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia của các cơ quan: Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội; Khoa Luật - Học viện An ninh Nhân dân; Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; các Luật sư từ hãng Luật Mayer Brown, YKVN, Baker MacKenzi VN, VILAF, APAC, EPLegal, Dimac, RHTlaw Viet Nam, ATS, Luật Việt, LNT&Partners, Asia Legal, VCI LEGAL… Các Luật sư, chuyên gia nêu trên đều có nhiều uy tín và kinh nghiệm nghề nghiệp trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh doanh và giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Khi tham gia giảng dạy cho Chương trình, các giảng viên đều nhiệt tình, có trách nhiệm cao trong việc chuẩn bị giáo án, bài giảng và tài liệu hướng dẫn học viên nghiên cứu, thực hành. Tuy nhiên, để bảo đảm duy trì, phát triển về chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên trong nước cần thiết phải tiến hành việc rà soát, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn giảng viên, đặc biệt là phương pháp sư phạm và việc tuân thủ các quy chế, quy định của Học viện Tư pháp trong quá trình giảng dạy.

Thứ ba: Đẩy nhanh việc biên soạn giáo trình, tài liệu, sưu tầm hồ sơ các vụ việc cho công tác đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế theo hướng cải tiến, bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đạt được các mục tiêu đào tạo. Hiện nay, Chương trình còn cần thiết phải tiến hành nâng cấp các tập bài giảng thành các giáo trình để chuẩn hóa và hỗ trợ kịp thời cho hoạt động dạy và học. Bên cạnh đó, cần thiết phải rà soát các hồ sơ tình huống, tài liệu tham khảo để chọn lọc những tài liệu, tình huống thực sự cần thiết để giảm bớt gánh nặng cho học viên. Tiến hành xây dựng các tình huống giả định ngắn ngọn, có nội dung thiết thực và sinh động phục vụ cho việc thực hành của học viên.

Thứ tư: Tăng cường thêm các phương pháp giảng dạy tiên tiến tích hợp với việc sử dụng công nghệ và linh hoạt ứng biến trước bối cảnh của dịch bệnh. Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế hiện đang áp dụng nhất quán các phương pháp giảng dạy tiên tiến được áp dụng như: Phương pháp hỗn hợp (blended learning); giảng dạy theo tình huống, hồ sơ thực tế (case study); phương pháp đóng vai (role play); diễn án (moot court); phương pháp học trải nghiệm (experiental learning); các phương pháp giảng dạy, học tập tích cực khác. Tuy nhiên, trước bối cảnh phát triển công nghệ 4.0 hiện nay, đặc biệt là do tác động của đại dịch Covid-19, cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với việc nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến để triển khai việc giảng dạy một cách hiệu quả, linh hoạt. Các phương án, phương pháp đào tạo cần phải bảo đảm sự chuyển đổi kịp thời nếu việc giảng dạy cần thiết phải chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc giảng dạy theo hình thức giảng dạy kết hợp (blended learning) mà vẫn hiệu quả.

NGUYỄN THỊ MINH HUỆ

Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp

Trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành

Lê Minh Hoàng