/ Trao đổi - Ý kiến
/ Các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về lao động giúp việc gia đình

Các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về lao động giúp việc gia đình

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Xã hội càng phát triển, áp lực của công việc ngày càng tăng, dẫn đến quỹ thời gian dành cho gia đình bị thu hẹp. Từ nhu cầu đó, loại hình lao động giúp việc gia đình ngày càng phổ biến, giảm bớt gánh nặng công việc trong gia đình. Nhưng nghề giúp việc gia đình lại ít được quan tâm đúng mức, quyền lợi của những người làm nghề giúp việc gia đình chưa được đảm bảo.

Ảnh minh họa.

Từ khi nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường, điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển nên nhiều gia đình có khả năng thuê người giúp việc gia đình để phụ giúp công việc gia đình và chăm sóc. Lần đầu tiên trong Bộ luật Lao động năm 1994 đã chính thức thừa nhận lao động giúp việc gia đình (ghi nhận tại Điều 2, Điều 28, Điều 139). Đến năm 1998, giúp việc gia đình chính thức được thừa nhận là một nghề với mã số 9131, được xếp vào nhóm lao động giản đơn, sau đó, vào năm 2007, giúp việc gia đình được công nhận trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Việc thừa nhận lao động giúp việc gia đình là một nghề trong các văn bản này, đã tạo nền tảng quan trọng để Bộ luật Lao động năm 2012 quy định cụ thể về lao động giúp việc gia đình từ Điều 179 đến Điều 183.

Định nghĩa về lao động giúp việc gia đình được quy định tại Điều 161 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau: “Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại”.

Đánh giá các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về lao động giúp việc gia đình

Quy định pháp luật về hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình

Thứ nhất, quy định về giao kết hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình

Chủ thể giao kết hợp đồng lao động bao gồm lao động giúp việc gia đình và người sử dụng lao động. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lao động giúp việc gia đình là người từ đủ 15 tuổi trở lên, không thừa nhận lao động giúp việc gia đình là người dưới 15 tuổi. Trong đó, lao động giúp việc gia đình từ 18 tuổi trở lên được quyền trực tiếp ký kết hợp đồng lao động. Người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng có quyền ký kết hợp đồng lao động nhưng phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Về hình thức, nội dung hợp đồng lao động giao kết: Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động là người giúp việc của gia đình phải được giao kết bằng văn bản (khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 và điểm a khoản 1 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy nhiên, do người lao động là người giúp việc phải thực hiện nhiều công việc khác nhau trong thời gian linh hoạt tại nơi làm việc chủ yếu là hộ gia đình, nên người sử dụng lao động có thể lợi dụng việc xác lập hợp đồng bằng lời nói để bóc lột, cưỡng bức lao động hay quấy rối người lao động. Đồng thời, việc xác lập hợp đồng qua thông điệp điện tử còn mới, những người thực hiện công việc giúp việc tại gia đình có thể chưa nắm vững về công nghệ thông tin để đảm bảo việc xác lập hợp đồng hiệu quả.

Có thể thấy pháp luật quy định khá chặt chẽ về nội dung hợp đồng lao động và các điều khoản này hầu hết đã bao quát được các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này, bảo vệ được quyền lợi cho lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, trong thực tế các bên thỏa thuận về hợp đồng lao động giúp việc gia đình rất đơn giản, chi một vài nội dung cơ bản như công việc, địa điểm làm việc, tiền lương, thời gian làm việc, điều kiện ăn ở (nếu ở cùng với gia đình)... Vì thế, hầu như chưa bảo đảm quyền lợi cho lao động giúp việc gia đình, nên cũng như khuyến nghị của ILO và pháp luật một số quốc gia, pháp luật Việt Nam cần quy định hợp đồng lao động mẫu đối với lao động giúp việc gia đình.

Thứ hai, quy định về thủ tục giao kết hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình nhìn chung cũng tuân theo các quy định về thủ tục giao kết hợp đồng lao động, nhưng vì là hợp đồng có tính đặc thù nên bên cạnh đó còn có những quy định riêng. Cụ thể việc giao kết hợp đồng lao động giúp việc gia đình tuân theo thủ tục: i) Cung cấp thông tin trước khi giao kết hợp đồng lao động; ii) Thử việc; iii) Ký kết hợp đồng lao động; iv) Thông báo với ủy ban nhân dân cấp xã.

Do lao động giúp việc gia đình là đối tượng lao động có nhiều nét riêng liên quan đến con người, tạm trú... nên pháp luật quy định phải được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, có thể thấy trên thực tế, quy định này ít được thực hiện. người sử dụng lao động vì nhiều lý do khác nhau như chỉ sử dụng lao động giúp việc gia đình trong thời gian ngắn hay do thay đổi người giúp việc một cách liên tục nên họ rất ngại thông báo hoặc thông báo một lần nhưng thực tế đã thay đổi hợp đồng lao động nhiều lần với những lao động giúp việc gia đình khác. Bởi vậy, pháp luật cần quy định hoặc có biện pháp hữu hiệu hơn trong vấn đề quản lý lao động giúp việc gia đình.

Quy định pháp luật về điều kiện sử dụng lao động đối với lao động giúp việc gia đình

Thứ nhất, về tiền lương đối với lao động giúp việc gia đình

Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, quy định khá cụ thể về mức tiền lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương với nhằm bảo vệ thu nhập cho lao động giúp việc gia đình.

Quy định này một lần nữa nhằm bảo vệ giá trị của tiền lương, hạn chế tình trạng lạm dụng tiền lương cho chi phí ăn ở, song thực tế quy định này còn thiếu khả thi. Hầu hết các hợp đồng lao động đều không đề cập tới nội dung này mà chỉ quy định chung trong điều khoản tiền lương, khoản chi phí ăn ở này đa phần được chủ nhà đảm bảo cho lao động giúp việc gia đình mà không xác định rõ bằng con số cụ thế. Nguyên nhân do lao động giúp việc gia đình và người sử dụng lao động chưa hiểu biết pháp luật, vì vậy cần có biện pháp giúp lao động giúp việc gia đình để họ tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.

Đối với việc khấu trừ tiền lương: Theo quy định, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của lao động giúp việc gia đình trong trường hợp bồi thường thiệt hại do làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động. Mức khấu trừ tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 30% mức tiền lương hằng tháng đối với người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động; không quá 60% mức tiền lương còn lại sau khi trừ chi phí tiền ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có) đối với người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động. Tuy nhiên, cũng do lao động giúp việc gia đình có trình độ học vấn thấp, chưa hiểu biết pháp luật nên nhiều khi người sử dụng lao động lạm quyền mà khấu trừ tiền lương quả mức quy định. Vì thế, cần có những hướng dẫn cụ thể cũng như nâng cao nhận thức cho lao động giúp việc gia đình về quyền và nghĩa vụ trong tiền lương nhằm đảm bảo sự công bằng cho lao động này.

Thứ hai, quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đối với lao động giúp việc gia đình

Về kỷ luật lao động đối với lao động giúp việc gia đình: Do lao động giúp việc gia đình làm việc trong các hộ gia đình, số lượng ít, từ 1-2 người lao động nên pháp luật quy định kỷ luật lao động đối với lao động giúp việc gia đình được thể hiện trong hợp đồng lao động. Khi lao động giúp việc gia đình có hành vi vi phạm các quy định về kỷ luật lao động thì có thể bị người sử dụng lao động khiển trách, trong trường hợp tái phạm có thể bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Việc không áp dụng hình thức kỷ luật sa thải mà thay bằng việc chấm dứt hợp đồng lao động là hoàn toàn hợp lý, đảm bảo tính khả thi.

Thứ ba, quy định về BHXH, BHYT đối với lao động giúp việc gia đình

Theo quy định thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngoài ra, trường hợp người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động làm giúp việc gia đình thì trách nhiệm trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động được thực hiện theo từng hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy đa phần lao động giúp việc gia đình không biết để thoả thuận với chủ nhà về quyền lợi này khi giao kết hợp đồng lao động, bởi vậy, quyền lợi này của lao động giúp việc gia đình hầu như không được bảo đảm trong thực tế.

Một số giải pháp

Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý đối với lao động giúp việc gia đình. Công tác quản lý đối với lao động giúp việc gia đình là hết sức khó khăn, đòi hỏi cơ quan các cấp từ trung ương đến địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, thì mới quản lý nổi lao động giúp việc gia đình.

Thứ hai, nâng cao nhận thức cho người dân về nghề giúp việc gia đình. Hiện nay, có một bộ phận không nhỏ lao động giúp việc gia đình lại không nhận ra được tầm quan trọng của công việc mình đang làm. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lao động giúp việc gia đình là hết sức cần thiết. Cho nên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải hết sức quan tâm, chú trọng đến công tác này, nhằm thay đổi nhận thức cho mọi người về nghề giúp việc gia đình này, giúp họ có cái nhìn thiện cảm và đúng đắn hơn với nghề này.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động giúp việc gia đình. Việc đào tạo nghề cho lao động giúp việc gia đình là nhu cầu cần thiết hiện nay. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phải có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho những cơ sở, trung tâm có chức năng đào tạo nghề giúp việc gia đình. Đồng thời, thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra các cơ sở, trung tâm này về việc dạy nghề và cấp chứng chỉ.

NGUYỄN PHI HÙNG

Toà án Quân sự Quân khu 4

Lưu ý khi giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Lê Minh Hoàng