/ Hoạt động Luật sư
/ Cần nâng cao tố chất, kỹ năng, trình độ của Luật sư trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa

Cần nâng cao tố chất, kỹ năng, trình độ của Luật sư trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, kinh tế số hoá là một quá trình tất yếu đã mở ra cho nước ta nói chung cũng như hệ thống tư pháp và nghề Luật sư nói riêng những cơ hội và thách thức. Theo đó, để theo kịp bối cảnh hội nhập toàn cầu, yêu cầu, đòi hỏi tiên quyết đối với Luật sư là phải vừa có tố chất, vừa phải trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm, vừa nâng cao trình độ của bản thân.

Ảnh minh họa.

Năm 2007 Việt Nam Việt Nam gia nhập WTO, một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra đó là phải phải chuyển đổi hệ thống pháp luật và các thiết chế cùng cơ chế vận hành theo lộ trình phù hợp với các cam kết khi gia nhập WTO. Cùng với đó năm 2006 Luật Luật sư được ban hành đã góp phần nâng cao vị thế của Luật sư, tạo cơ sở pháp lý vững chắc tạo cơ hội đẩy nhanh quá trình xây dựng đội ngũ Luật sư, nghề Luật sư mang tính chuyên nghiệp, chuyên môn hoá cao ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới.

Hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, kinh tế số hoá là một quá trình tất yếu đã mở ra cho nước ta nói chung cũng như hệ thống tư pháp và nghề Luật sư nói riêng những cơ hội và thách thức.

Những cơ hội của nghề Luật sư ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa

Thứ nhất, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng tăng với việc phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ Luật sư ngày càng trưởng thành về lực lượng và trình độ đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng. Các tổ chức hành nghề Luật sư tại Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề pháp lý doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài góp phần giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế.

Thứ hai, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quá trình hành nghề Luật sư tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho việc hành nghề Luật sư ở Việt Nam, từ việc thành lập tổ chức, quá trình hành nghề cho đến việc tạm dừng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư.

Thứ ba, nếu như trước đây hoạt động tư vấn của Luật sư có nhiều hạn chế thì trong điều kiện hội nhập, kinh tế số hoá thì Luật sư nước ta được tiếp cận với một thị trường dịch vụ hoàn toàn mới mẻ và rộng lớn như: lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thị trường chứng khoán, thị trường công cụ tài chính. Vì thế, nhờ có đội ngũ Luật sư có chuyên môn hóa cao trong lĩnh vực này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong quá trình mở rộng kinh doanh ra nước mà gặp phải vô vàn các vấn đề pháp lý.

Thứ tư, việc đào tạo Luật sư hội nhập quốc tế ở nước ta được chú trọng và phát triển hơn cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt Học viện tư pháp có mở thêm khóa đào tạo Luật sư thương mại quốc tế. Song song, việc bồi dưỡng về quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư vẫn luôn được coi trọng, đã góp phần xây dựng các giá trị chuẩn mực, hạn chế những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Luật sư.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan tới Luật sư, khen thưởng, kỷ luật Luật sư được coi trọng và bảo đảm đúng quy định, tạo lập niềm tin của chính đội ngũ Luật sư vào Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tất cả điều này tạo cho đội ngũ Luật sư một nền tảng vững chắc để vươn mình ra hội nhập quốc tế, kinh tế số hoá.

Những thách thức của nghề Luật sư ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa

Mặc dù đội ngũ Luật sư đã tăng trưởng khá nhanh nhưng số lượng Luật sư so với dân số còn rất thấp; Luật sư nói chung và Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nói riêng hiện nay đã đạt được khá nhiều thành tựu trong lĩnh vực như tư vấn, tranh tụng và thực hiện các hoạt động khác trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, nhưng nhìn chung chất lượng của đội ngũ Luật sư vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng hành nghề và còn yếu về trình độ ngoại ngữ cũng như kiến thức về pháp luật quốc tế.

Thứ nhất, Luật sư sẽ phải va chạm với các tranh chấp bằng trọng tài, tuy nhiên Luật sư Việt Nam hiện nay chủ yếu có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng tham gia hành nghề tại tòa án nhưng chưa quen với hoạt động tham gia tố tụng trọng tài. Không những thế, trình độ ngoại ngữ của Luật sư Việt Nam còn hạn chế nên khi tham gia tranh chấp bằng trọng tài Luật sư hầu như phải có phiên dịch làm kéo dài thời gian tố tụng, tốn kém, làm giảm hiệu quả công việc.

Thứ hai, số lượng Luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp và có sự phát triển mất cân đối lớn giữa các vùng, miền. Tại một số địa phương, số lượng Luật sư không đủ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý của người dân và ngay cả trong việc thực hiện bào chữa trong các vụ án bắt buộc có sự tham gia của Luật sư (án chỉ định).

Thứ ba, phương pháp quản lý điều hành của các tổ chức hành nghề Luật sư ở Việt Nam chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống là phân công công việc trực tiếp đến từng người. Số lượng tổ chức hành nghề Luật sư áp dụng phương pháp quản trị, điều hành có ứng dụng công nghệ - khoa học vào còn quá ít do quy mô của tổ chức rất nhỏ, lẻ chưa tập trung và chuyên môn hoá cao.

Thứ tư, việc gia tăng về số lượng Luật sư cũng tạo nên thách thức, đó là sự cạnh tranh gay gắt trong nội bộ những người hành nghề luật. Các tổ chức hành nghề Luật sư luôn muốn thu hút những nhân sự giỏi nhất, áp dụng những công nghệ kỹ thuật mới nhất, vị trí thuận lợi cho văn phòng, chiến lược tuyển dụng, quảng bá hình ảnh để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Tính cạnh tranh này sẽ xuất hiện những mâu thuẫn về lợi ích tạo ra một rào cản vô hình, trong khi đó để môi trường pháp lý và nghề Luật sư phát triển còn cần cả sự hợp tác với nhau.

Thứ năm, công tác đào tạo Luật sư chuyên sâu lĩnh vực thương mại quốc tế chủ yếu là giảng viên thỉnh giảng được đào tạo ở nước ngoài và hành nghề tại Việt Nam, quy mô hoạt động nghề nghiệp còn hạn chế và thiếu kỹ năng thực tế trong quá trình hội nhập. Do đó trên thực tế, dù chúng ta đã chú trọng và cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nhưng công tác này vẫn còn hạn chế nhất định. Việc áp dụng các  phương pháp giảng dạy tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập còn hạn chế, đa phần vẫn giảng dạy theo phương pháp truyền thống.

Việc Nhà nước ban hành Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động hành nghề của các Luật sư, nhất trong thời kỳ kinh tế số hoá. Điều này góp phần trong sự nghiệp bảo vệ công lý, hội nhập và phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Luật Luật sư không chỉ nâng cao vị thế, vai trò của người Luật sư trong xã hội, mà còn đưa họ từng bước lên ngang tầm với Luật sư của các nước trên thế giới và trong khu vực.

Tuy nhiên, trong hoạt động hành nghề Luật sư vẫn còn tồn tại những vướng mắc, để góp phần giúp cho hoạt động cải cách tư pháp của nước ta ngày càng được hoàn thiện và hoạt động hành nghề Luật sư được thuận lợi, khuyến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành những quy định phù hợp với thực tiễn hành nghề Luật sư. Bên cạnh đó, để theo kịp bối cảnh hội nhập toàn cầu, yêu cầu, đòi hỏi tiên quyết đối với Luật sư là phải vừa có tố chất, vừa phải trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm, vừa nâng cao trình độ của bản thân.

Luật sư GIANG HỒNG THANH

Văn phòng Luật sư Giang Thanh

Luật sư mùa dịch

Lê Minh Hoàng