/ Tin tức
/ ĐBQH: Phòng thủ dân sự bảo vệ đất nước từ sớm, giữ nước từ khi nước chưa nguy

ĐBQH: Phòng thủ dân sự bảo vệ đất nước từ sớm, giữ nước từ khi nước chưa nguy

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Góp ý vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Quốc hội đề nghị cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại, tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Ảnh minh họa.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều nay (09/11), Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Góp ý vào các quy định của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho biết, theo khoản 2, khoản 3, Điều 2, dự thảo Luật quy định sự cố là tình huống nguy hiểm nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra; hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa.

Còn thảm họa biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng; hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. 

Theo quy định này, sự cố, tình huống nguy hiểm nghiêm trọng có nguy cơ thảm họa. Còn thảm họa là đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Theo đó, đại biểu nhấn mạnh, sự cố, thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau. 

Đại biểu cũng cũng cho biết, do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên bên cạnh để quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố.

Về cấp độ phòng thủ dân sự tại Điều 21, theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, dự thảo Luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính chưa phù hợp, cần được cân nhắc kỹ.

Cụ thể, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại, tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Đại biểu đoàn Kiên Giang nhấn mạnh: “Phòng thủ dân sự là một bộ phận quan trọng của phòng thủ đất nước. Phòng thủ dân sự góp phần bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, ngăn chặn đẩy lùi các nguy cơ để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) đồng thuận với dự thảo Luật nhằm góp phần phòng chống thảm họa, thiên tai, sự cố xảy ra...

Đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung các hành vi nghiêm cấm trong dự án Luật, hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai.

Cụ thể, về nội dung các hành vi nghiêm cấm được quy định tại Điểm 9 dự án Luật xuất phát từ thực tiễn trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong phòng thủ dân sự có ý nghĩa quan trọng.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, nếu như thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ cứu sâu sát, không kịp thời, không huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng có thái độ thờ ơ, vô cảm trước sự nguy hiểm. Các sự cố thiên tai sẽ dẫn tới nguy cơ hậu quả nghiêm trọng trong việc cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả, đồng thời đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm là thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự.

Góp ý về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng thủ dân sự, đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước cần nhất quán, tránh bỏ sót trách nhiệm của các bộ, ngành.

Cùng với đó, cần rà soát lại quy định phân công trách nhiệm quản lý để tránh xáo trộn trong tổ chức bộ máy thực thi pháp luật và tương thích với luật pháp quốc tế.

Tham gia góp ý cũng liên quan đến các hành vi nghiêm cấm tại Điều 9, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị bổ sung thêm một khoản đó là cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện khi địa phương huy động thực hiện dịch vụ phòng thủ dân sự.

Lý do bổ sung thêm được đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu là, để khi có tình huống về thảm họa, sự cố, thiên tai khi địa phương huy động mà các tổ chức, cá nhân cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện làm cơ sở chế tài để xử lý. Đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực của luật.

TRẦN MINH

Tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức để ngăn ngừa tham nhũng

Lê Minh Hoàng