/ Hoạt động Luật sư
/ Khoa Đào tạo Luật sư Học viện Tư pháp - Vươn tầm cao mới

Khoa Đào tạo Luật sư Học viện Tư pháp - Vươn tầm cao mới

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Với 17 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp đã và đang khẳng định thương hiệu trong đào tạo nghề Luật sư ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Xuân Thu tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Khoa Đào tạo Luật sư.

Chiều 05/10, Học viên Tư pháp đã tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến ‘’Vươn tầm cao mới’’ nhằm kỷ niệm 17 năm ngày thành lập Khoa Đào tạo Luật sư (22/9/2004-2021) và hướng tới những ngày lễ lớn - Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10); Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) và ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của lãnh đạo, cán bộ, giảng viên học viện Tư pháp; học viên các chương trình đào tạo của Học viện cùng nhiều Luật sư uy tín trên cả nước.

Phát biểu tại Chương trình giao lưu trực tuyến, TS. Nguyễn Xuân Thu – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tư pháp bày tỏ xúc động khi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp và khuôn khổ một chương trình trực tuyến, vốn bị giới hạn bởi nhiều yếu tố nhưng đã thu hút hơn 400 người tham dự, là các vị khách quý, các Luật sư, cán bộ, giảng viên và học viên của học viện trên mọi miền đất nước. Điều này đã chứng minh cho sự quan tâm, chia sẻ và tự hào về truyền thống của Khoa Đào tạo Luật sư.

 ‘’Thầy cô có nghe em nói không’’

Tại Chương trình giao lưu trực tuyến, lãnh đạo Học viện Tư pháp đã ôn lại quá trình 17 năm hình thành, phát triển của Khoa Đào tạo Luật sư.

Khoa Đào tạo Luật sư được thành lập theo Quyết định số 295/QĐ-GĐ ngày 22/9/2004 của Giám đốc Học viện Tư pháp. Trong suốt quá trình 17 xây dựng, trưởng thành và phát triển, Khoa Đào tạo Luật sư đã có nhiều đóng góp vào thành tích chung của Học viện Tư pháp trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành tư pháp của đất nước, giúp Học viện từng bước xây dựng, trở thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam.

Từ Chương trình bồi dưỡng nghề Luật sư 4 tháng, Khoa Đào tạo Luật sư đã xây dựng và thực hiện thành công Chương trình đào tạo nghề Luật sư 6 tháng, Chương trình đào tạo nghề Luật sư 12 tháng  theo hình thức niên chế và hiện tại là Chương trình đào tạo nghề Luật sư 12 tháng theo hệ thống tín chỉ.

Từ năm 2019, Khoa Đào tạo Luật sư tiên phong xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đào tạo nghề Luật sư chất lượng cao, tăng cường năng lực thực hành nghề. Bên cạnh đó Khoa còn tích cực phối hợp xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và và Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.

Trong năm 2020-2021, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước phải tạm ngừng hoạt động, Khoa Đào tạo Luật sư là đơn vị tiên phong của Học viện chuyển đổi hình thức đào tạo từ trực tiếp sang từ xa theo phương thức trực tuyến trong những thời điểm phải giãn cách xã hội. Việc kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến là giải pháp được lãnh đạo Học viên chỉ đạo áp dụng ngay từ năm 2020.  Từ giải pháp mang tính tình thế, Khoa Đào tạo Luật sư đã chủ động, linh hoạt điều chỉnh hoạt động giảng dạy tập trung sang mô hình trực tuyến với sự chuẩn bị kỹ về nội dung, đa dạng về chương trình, phù hợp về phương pháp để đảm bảo cao nhất quyền lợi cho học viện.

PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, kiêm Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư cho biết, từ tháng 5/2021, hầu hết hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của khoa cũng như học viện đều diễn ra trên nền tảng trực tuyến.

“Trong khó khăn chung thì việc dạy và học tại khoa Đào tạo Luật sư vẫn diễn ra sôi động theo một cách đặc biệt, thay cho ánh sáng  giảng đường là màn hình máy tính, điện thoại, tương tác với nhau thông qua bàn phím. Khoảng cách về địa lý, vùng miền không còn là trở ngại để tổ chức nhiều hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Những câu nói của học viên cô thầy có nghe em nói không đã xóa nhòa đi khoảng cách và là động lực để chúng tôi cùng cố gắng hơn’’, PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng chia sẻ.  

Muôn nẻo đường đến với nghề Luật sư

Tại Chương trình giao lưu trực tuyến, nhiều khách mời là các Luật sư uy tín đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những câu chuyện thú vị xung quanh nghề Luật sư. Một trong những nội dung tạo ra sự cuốn hút là vì sao họ chọn nghề Luật sư?

Luật sư Lê Minh Nhựt từ TP.HCM tự sự, sau khi học xong lớp Đệ nhất (lớp 12), ông tình cờ tham gia một phiên tòa và chứng kiến nguyên đơn là một phụ nữ nhiều tuổi bị xử thua dù có đủ cơ sở pháp lý để thắng kiện. ‘‘Tôi tìm hiểu thì mới hay họ nghèo khó, không giỏi ăn nói, không biết cách trình bày và lúc đó tôi đã quyết định phải học nghề Luật sư để bảo vệ người yếu thế. Quyết định này rất đơn giản, chỉ là xuất phát từ lòng trắc ẩn’’.

Theo Luật sư Lê Minh Nhựt, quá trình tham gia nghề Luật sư đã giúp ông có thêm nhiều nhận thức mới về nghề. Trong đó nhiều chính khách nổi tiếng, những người thành danh trên thế giới đã bắt đầu từ nghề Luật sư đã khiến ông thêm yêu quý và tự hào với con đường mình lựa chọn. 

‘‘Trong hành trình của mình tôi đã gặp không ít khó khăn, trắc trở và tôi đã động viên mình khi nhìn vào họ như tấm gương để học hỏi tìm cách vượt qua’’, Luật sư Nhựt nói.

Chương trình giao lưu thu hút hơn 400 người tham gia từ mọi miền đất nước.

Cũng trong quá trình hành nghề hàng chục năm qua, Luật sư Lê Minh Nhựt đã gặp không ít những thân thân chủ nghèo đến cùng cực, không biết chữ, thù lao cho Luật sư nhận được không phải tiền mà trái cam, quả chuối ‘‘Tôi gọi đó là ân tình, là động lực để tôi theo đuổi nghề cho đến hôm nay để đền đáp cho những ân tình đó’’, Luật sư Nhựt tâm sự.

Chia sẻ câu chuyện của mình, Luật sư, Tiến sĩ Chu Thị Trang Vân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, bà đã từng theo đuổi học nghề Luật sư từ rất sớm nhưng khởi nghiệp lại bằng nghề giảng viên. Trong hành trình hơn 15 năm giảng dạy tại khoa Luật, Đại học Quốc gia, bà tham gia nhiều trương trình phổ biến pháp luật của các tổ chức NGO. Quá trình tiếp xúc với nhiều người dân, chứng kiến nhiều vấn đề xã hội, bà quyết định quay trở lại với nghề Luật sư.  

‘‘Với mỗi người, nghề nghiệp là sự chuẩn bị nhưng với tôi từng rời bỏ rồi lại quay trở lại thì đó lại là cái duyên’’. Luật sư Chu Thị Trang Vân cho biết thêm, trong quá trình tác nghiệp, Luật sư là nữ giới chịu phải chịu nhiều áp lực công việc, gia đình, song điều quan trọng nhất là thấy có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội

Dừng đến trường không dừng giảng dạy

Tại buổi giao lưu trực tuyến, các khách mời cũng như lãnh đạo Học viện Tư pháp cùng nhìn nhận, những tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục là những thách thức to lớn cho cho các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục đào tạo nói chung và hoạt động của Học viện Tư pháp nói riêng. Điều này đòi hỏi lãnh đạo Học viện Tư pháp và Khoa Đào tạo Luật sư phải có những giải pháp ứng phó kịp thời.

Theo ThS. Nguyễn Trường Thiệp, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp kiêm Trưởng cơ sở Học viện Tư pháp tại TP. HCM, ngay từ đợt dịch Covid -19 đầu tiên bùng phát từ năm 2020, lãnh đạo Học viện Tư pháp đã đưa quyết tâm chính trị ‘‘học viên có thể tạm ngừng đến trường nhưng Học viện sẽ không ngừng giảng dạy’’. Từ đó, Học viện Tư pháp đã từng bước chuẩn bị về công nghệ, xây dựng, thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tuyến để áp dụng cho toàn bộ khoa, lớp. Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 8/2021, ngoài giảng dạy, Học viện Tư pháp tiếp tục áp dụng hình thức thi trực tuyến; viết tiểu luận, báo cáo chuyên đề tình huống trực tuyến. Toàn bộ quá trình, công đoạn này đều được xác lập trên các quy chuẩn, tiêu chí theo quy định.

‘‘Thực tế cho thấy, việc dạy và học trực tuyến tại các khoa, lớp của học viện không kém phần sôi nổi, đồng thời cho thấy tinh thần vượt khó của học trò và giảng viên của học viện’’, ThS. Nguyễn Trường Thiệp nói và cho biết, phương pháp đào tạo mới trên nền tảng công nghệ đã khai phóng cho tinh thần giáo dục tại Học viện Tư pháp. Do đó, kể cả đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Học viện sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng kết hợp mô hình tập trung và từ xa theo phương thức trực tuyến đây cũng là xu hướng trong hoạt động đào tạo nói chung.

Với tư cách là ‘’thuyền trưởng’’ của Học viện Tư pháp, TS. Nguyễn Xuân Thu đã chia sẻ quan điểm của Lãnh đạo Học viện Tư pháp đối với công tác đào tạo chức danh tư pháp nói chung và đào tạo nghề Luật sư nói riêng tại Học viện Tư pháp thời gian tới. Năm 2021, có nhiều dấu ấn khó quên, đó là thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, cuộc chiến đấu không mệt mỏi của cả nước chống lại dịch bệnh Covid-19… Các sự kiện này cùng với những bối cảnh khác đang tác động và đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp nói chung, đào tạo nghề Luật sư nói riêng. Trong đó chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII có 3 định hướng lớn tác động trực tiếp tới hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp, đó là: Định hướng về đổi mới giáo dục đào tạo; định hướng về đổi mới công tác cán bộ; Chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam gắn với cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Thời gian tới, Học viện Tư pháp xác định tầm nhìn “Khẳng định và nâng tầm thương hiệu đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao”. Với tầm nhìn này, Học viện Tư pháp xác định đổi mới nội dung chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp, phương thức đào tạo là khâu then chốt. Khoa Đào tạo Luật sư được Lãnh đạo Học viện Tư pháp tin tưởng lựa chọn là “người lĩnh xướng” nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Năm 2022, Khoa Đào tạo Luật sư sẽ chủ trì xây dựng mới Chương trình đào tạo nghề Luật sư mới với thiết kế khoa học cả về cấu trúc và nội dung. Từ đó, Chương trình đào tạo nghề Luật sư sẽ là khuôn mẫu để sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo khác của Học viện Tư pháp. Các phương pháp đào tạo tiên tiến, phù hợp với chương trình đào tạo mới sẽ được sử dụng. Học viện Tư pháp sẽ tiếp tục phương thức đào tạo tập trung, phương thức kết hợp giữa đào tạo tập trung và đào tạo trực tuyến như giai đoạn vừa qua, đồng thời sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình và hệ thống học liệu để áp dụng phương thức đào tạo E-learning theo đúng nghĩa. Đồng bộ với những thay đổi về chương trình, phương pháp và phương thức đào tạo nêu trên, các thành tố liên quan cũng cần thay đổi, như: chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và phục vụ đào tạo; đổi mới hệ thống học liệu; đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng công nghệ; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoạch ban hành mới thể chế nội bộ liên quan đến hoạt động đào tạo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo để phục vụ hiệu quả công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài… Xa hơn và cao hơn, Học viện Tư pháp sẽ nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đào tạo chức danh tư pháp nhằm điều chỉnh đồng bộ, thống nhất và hiệu quả công tác đào tạo chức danh tư pháp trong toàn quốc.

TÙY PHONG

Chương trình tư vấn pháp luật miễn phí chào mừng Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10

Lê Minh Hoàng