/ Hoạt động Luật sư
/ Khởi nghiệp với nghề Luật sư: Khó hay dễ?

Khởi nghiệp với nghề Luật sư: Khó hay dễ?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đây là câu hỏi của nhiều học viên Lớp Luật sư Chất lượng cao khóa 2 Học viện Tư pháp đề cập tại cuộc tọa đàm “Nghề Luật sư - Cơ hội, thách thức và trách nhiệm nghề nghiệp” do Khoa đào tạo Luật sư Học viện Tư pháp tổ chức.

Cuộc tọa đàm "Nghề Luật sư - Cơ hội, thách thức và trách nhiệm nghề nghiệp” do Khoa đào tạo Luật sư Học viện Tư pháp tổ chức.

Cuộc tọa đàm do Tiến sĩ Lê Mai Anh- Giảng viên Khoa đào tạo Luật sư chủ trì, với sự tham gia của các khách mời gồm Luật sư Chu Thị Trang Vân, Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), đại diện Học viện Tư pháp và và sinh viên Lớp Luật sư Chất lượng cao khóa 2, Học viện Tư pháp.

Theo Tiến sỹ Lê Mai Anh, cuộc tọa đàm nằm trong khuôn khổ hoạt động đào tạo Luật sư của Học viện Tư pháp, cùng với việc được trang bị những kiến thức, kỹ năng về nghề trên sách vở, học viên còn được tiếp xúc, chia sẻ những kinh nghiệm, tình huống trong thực tiễn hành nghề Luật sư hiện nay. Qua đó, học viên Khoa Luật sư, Học viện Tư pháp có thể nắm bắt được những điều kiện cần và đủ để bước vào nghề.

Tại cuộc tọa đàm, các khách mời đều đánh giá thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn và mở ra nhiều cơ hội cho Luật sư trẻ vào nghề. Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế nhiều thành phần đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh. Đảng và Nhà nước quan tâm đến sự phát triển của Luật sư và nghề Luật sư.  Đời sống người dân được nâng cao và nhận được tầm quan trọng của Luật sư, quan tâm hơn đến dịch vụ pháp luật: “Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp phát triển nóng dễ gặp nhiều rủi ro và họ rất cần được tư vấn về pháp luật, đó cũng là cơ hội lớn về việc làm tại các tổ chức kinh tế cho các Luật sư” - Luật sư Hoàng Văn Hướng gợi mở.

Luật sư Chu Thị Trang Vân cũng cho rằng chưa bao giờ nhu cầu sử dụng dịch vụ của Luật sư lớn như bây giờ. Theo đó, Luật sư có nhiều cơ hội hoạt động theo các hình thức cho gia đình, cho các tổ chức kinh tế. Đồng thời Luật sư có thể hoạt động theo lĩnh vực tư vấn pháp luật; tranh tụng; trọng tài…với mức thu nhập cao, ổn định.

Tuy nhiên, các khách mời cũng chỉ rõ có không ít thách thức đối với Luật sư mới bước vào nghề. Dẫn số liệu mỗi năm có khoảng 100.000 Cử nhân Luật được đào tạo các các Trường đại học luật và khoảng 1000 người được đào tạo nghiệp vụ Luật sư tại Học viện Tư pháp, Luật sư Chu Thị Trang Vân cho rằng đây là thách thức lớn trong cạnh tranh việc làm, chưa kể theo xu thế phát triển, yêu cầu khách hàng đối với tính chuyên nghiệp, tiêu chuẩn của Luật sư ngày càng cao mà các Luật sư trẻ khó có thể đáp ứng được ngay.

 “Các bạn không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh trạnh cả với những người có nhiều kinh nghiệm, giàu kỹ năng là những Luật sư đang hành nghề như chúng tôi” - Luật sư Hoàng Văn Hướng nói.

Theo Tiến sỹ Lê Mai Anh, ngoài sự cạnh tranh khốc liệt, nghề Luật sư còn có môi trường làm việc đặc thù, phải chịu áp lực cao về công việc, thời gian để phục vụ tốt nhất yêu cầu của khách hàng. Chưa kể, đối với Luật sư là nữ thường gặp phải định kiến về giới, bắt buộc phải lựa chọn, cân đối giữa gia đình và công việc…

Tại cuộc tọa đàm, các khách mời đã chia sẽ nhiều cầu chuyện, tình huống hành nghề để giải đáp những băn khoăn của các học viên. Một trong đó là là khởi nghiệp với nghề Luật sư cần như thế nào? Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, để khởi nghiệp mỗi Luật sư cần phải chuẩn bị hành trang đầy đủ về kiến thức, kỹ năng, đồng thời xây dựng cho mình một phong cách trong ứng xử, biểu đạt mang tính chuyên nghiệp, có trách nhiệm.

Theo Luật sư Chu Thị Trang Vân, để khởi nghiệp với nghề Luật sư cần phải xác định rõ giá trị của bản thân và định hướng cho một lộ trình phù hợp:  “Trong 3-5 năm đầu, các bạn chưa nên đặt vấn đề kinh tế lên đầu mà nên tìm thầy - là các Luật sư giỏi, các tổ chức hành nghề Luật sư uy tín để tập sự học kinh nghiệm. Trong giai đoạn chưa đủ điều kiện mở văn phòng, các bạn có thể đi làm thuê để có cơ hội cọ xát với thực tế, va chạm với thực tiễn. Khi các bạn có sự chuẩn bị tốt sẽ tạo ra giá trị cho bản thân và khách hàng sẽ ghi nhận bạn” - Luật sư Chu Thị Trang Vân đưa ra lời khuyên.

TÙY PHONG

/doan-luat-su-tp-ha-noi-thong-bao-ve-viec-to-chuc-khoa-boi-duong-cho-nguoi-tshnls-thi-het-tap-su-dot-2-nam-2020.html