/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số bất cập trong cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Công ty TNHH MTV

Một số bất cập trong cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Công ty TNHH MTV

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Lĩnh vực thuế của các doanh nghiệp luôn là vấn đề được nhiều công ty, cá nhân quan tâm. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định pháp luật thuế hiện nay còn nhiều bất cập, chưa được cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi và áp dụng đúng quy định pháp luật. Đặc biệt là vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV.

Ảnh minh họa.

Tất cả các luật, bộ luật đều có một điều khoản riêng quy định về đối tượng điều chỉnh của văn bản luật. Trên cơ sở đó, nghị định hoặc thông tư sẽ hướng dẫn cụ thể về đối tượng điều chỉnh mà luật và nghị định đã quy định nhưng không phải là quy định thêm, mở rộng đối tượng điều chỉnh mà văn bản luật không quy định.

Trên thực tế vẫn luôn xảy ra sự bất cập khi áp dụng quy định của pháp luật. Chẳng hạn, luật không quy định đối tượng điều chỉnh, nhưng thông tư lại quy định thêm đối tượng và được đưa vào áp dụng rộng rãi cả nước. Khi phát hiện ra sự “vênh nhau/khác nhau” giữa luật và thông tư thì cơ quan thực thi và áp dụng luật vẫn cho rằng việc áp dụng thông tư hướng dẫn là đúng. Và không thừa nhận việc áp dụng pháp luật như vậy là sai nguyên tắc cơ bản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và cá nhân một cách nghiêm trọng.

Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 2008 sửa đổi, bổ sung 2013 không quy định tiền lương, tiền công của chủ công ty hay giám đốc  công ty TNHH một thành viên thuộc các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Cụ thể, tại điểm i khoản 2 Điều 9 Luật này quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: “Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán chi khác để chi trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, khi xem đến quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật TNDN, thì có sự mở rộng đối tượng thêm so với Luật TNDN là tiền lương, tiền công của chủ Công ty TNHH MTV. Tuy nhiên, chủ công ty lại ở nhóm người không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh thì thuộc các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Đây cũng là đối tượng không được quy định trong Luật Thuế TNDN.

Nghị định 218/2013/NĐ-CP cũng không quy định tiền lương, tiền công của Giám đốc Công ty TNHH MTV thuộc các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Cũng tại khoản 2 Điều 9 quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.

Ở đây có sự tách biệt giữa hai vế được phân biệt bởi dấu chấm phẩy (;) giữa vế thứ nhất là tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân và vế thứ hai là tiền lương, tiền công của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.

Tiếp theo, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 thì đối tượng lại được mở rộng hoàn toàn khi quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm tiền lương, tiền công của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và không đề cập tới người chủ này có thuộc nhóm người không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh hay không đều thuộc các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Quy định này hoàn toàn khác hơn với đối tượng được mở rộng thêm trong Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ so với Luật Thuế TNDN, bởi dấu chấm phẩy (;) trong Nghị định số 218/2013/NĐ-CP được đặt phía sau cụm từ “tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân” thì nay trong Thông tư 96/2015/TT-BTC lại được rời về phía sau cụm từ “chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên”. Việc thay đổi vị trí dấu chấm phẩy (;) trong Thông tư 96/2015/TT-BTC cũng làm mở rộng thêm đối tượng điều chỉnh của Thông tư 96/2015/TT-BTC không chỉ khác hoàn toàn với quy định của Luật Thuế TNDN mà còn khác với cả Nghị định 218/2013/NĐ-CP.

Điểm 2.6 khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định: “Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của Hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh".

Thông tư này cũng không quy định tiền lương, tiền công của Giám đốc Công ty TNHH MTV (do một cá nhân làm chủ) thuộc khoản không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Thực tế, trong trường hợp không phải là giám đốc thuê mà là chủ công ty (chủ sở hữu) kiêm nhiệm giám đốc thì đều bị cơ quan thuế đánh đồng là một người và áp dụng quy định của Thông tư này để loại bỏ tiền lương, tiền công chi mà công ty trả cho giám đốc ra khỏi chi phí kinh doanh và không được tính khi xác định thu nhập chịu thuế. Mặc dù giám đốc và chủ công ty là hai chức danh, hai vai trò khác.

Trên thực tế, việc áp dụng điểm 2.6 khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 trên lại được các cơ quan thuế áp dụng để loại bỏ các khoản tiền lương, tiền công của giám đốc hay chủ công ty TNHH một thành viên (do một cá nhân làm chủ) ra khỏi các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Nếu công ty có chi trả tiền lương, tiền công hoặc đóng bảo hiểm xã hội cho giám đốc hoặc cho chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên thì bị cơ quan thuế coi đó là vi phạm và sẽ bị phạt vi phạm hành chính, bị truy thu, bị phạt thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp đối với loại hình Công ty TNHH MTV. Ví dụ, theo quy định của Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 quy định “Luật sư làm chủ sở hữu công ty TNHH luật một thành viên là giám đốc công ty” (khoản 3 khoản 4 Điều 34). Quy định trên nếu được hiểu theo cách áp dụng pháp luật hiện tại của cơ quan thuế chỉ áp dụng thông tư thì các khoản tiền lương, tiền công, tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho giám đốc/chủ công ty luật đều bị loại bỏ ra khỏi chi phí kinh doanh và không được trừ khi xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho công ty.

Đây là vấn đề bất cập và áp dụng sai nguyên tắc một cách nghiêm trọng. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 của Quốc hội nếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định một vấn đề khác nhau, không rõ ràng dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau thì phải căn cứ và áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, cụ thể khoản 2 Điều 157: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.  

Do đó, thông tư chỉ là văn bản dưới luật, khi nó quy định một vấn đề, một đối tượng mà luật không quy định thì không thể áp dụng quy định tại thông tư làm cơ sở pháp lý được.

Theo như Thông tư 96/2015/TT-BTC, việc Công ty TNHH MTV (do một cá nhân làm chủ) chi trả tiền lương, tiền công cho giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp thì bị coi là vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH 2014 thì giám đốc là đối tượng bắt buộc phải đóng BHXH, nếu không đóng BHXH thì bị coi vi phạm pháp luật, cụ thể  khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH 2014 quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: “Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương".

Ngoài ra, theo khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm… giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác…”.

 Mặt khác, theo quy định tại Điều 84 Mục 2 Chương III của Luật Doanh nghiệp 2020 là mục quy định riêng về Công ty TNHH MTV đều quy định về thù lao, tiền lương và lợi ích khác của người quản lý công ty (giám đốc) được tính vào chi phí kinh doanh, cụ thể: “Người quản lý công ty và Kiểm soát viên được hưởng thù lao hoặc tiền lương và lợi ích khác theo kết quả và hiệu quả kinh doanh của công ty. Thù lao, tiền lương và lợi ích khác của người quản lý công ty và Kiểm soát viên được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật có liên quan…”.

Tại các quy định của Điều 80, 81, 85 của Luật Doanh nghiệp 2020 đều phân biệt vai trò, quyền và nghĩa vụ của giám đốc và chủ công ty TNHH một thành viên (do cá nhân làm chủ) nhưng cơ quan thuế lại không phân biệt và đánh đồng hai con người này là một để áp dụng chính sách thuế. Cứ công ty trả tiền lương, tiền công cho giám đốc hay chủ công ty đều bị loại trừ ra khỏi chi phí kinh doanh và không được tính khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Đây cũng là vấn đề bất cập và hiểu sai quy định của pháp luật.

Rõ ràng, khi đối chiếu với Luật Thuế TNDN, Luật BHXH, Luật Doanh nghiệp, Luật Ban hành các văn bản pháp luật cho thấy ở các lĩnh vực khác nhau vấn đề về thuế TNDN và quy định về các khoản chi được trừ và các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN còn có sự chưa thống nhất, đồng bộ về nguyên tắc.

Căn cứ vào các quy định trên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm có sự rà soát, sửa đổi cho phù hợp thống nhất với quy định của pháp luật. Bảo đảm đúng nguyên tắc áp dụng, thực thi pháp luật trong thực tế một cách hiệu quả, đúng luật. Bảo đảm sự công bằng về chính sách thuế đối với đối tượng chung là công ty dù là TNHH MTV do cá nhân làm chủ, Công ty TNHH HTV trở lên hay công ty cổ phần.

                                                                        Luật sư MAI THỊ DUNG

                                                 Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Phương

Luật sư trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng