/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số bất cập về công tác thi hành án hình sự và đề xuất, kiến nghị

Một số bất cập về công tác thi hành án hình sự và đề xuất, kiến nghị

04/05/2023 06:20 |

(LSVN) - Thi hành án hình sự là giai đoạn cuối cùng trong các hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó buộc người bị xử phạt phải chấp hành hình phạt mà Tòa án đã quyết định. Bản án quyết định của Tòa án có được thi hành nghiêm chỉnh hay không là tùy thuộc chủ yếu vào giai đoạn này. Thi hành bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là một hoạt động phức tạp, đa dạng liên quan đến nhiều lĩnh vực: Từ việc thi hành các hình phạt chính như cánh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình đến các hình phạt bổ sung …. Như vậy thi hành án hình sự là việc đưa quyết định, bản án đã có hiệu lực của Tòa án vào áp dụng trên thực tế thông qua các hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật và các cá nhân , tổ chức có liên quan.

Ảnh minh họa.

Thi hành án phạt tù là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người bị kết án hình phạt tù chấp hành theo quyết định của bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực. Trong thời gian chấp hành hình phạt tù người bị kết án phải bị giam giữ, lao động và học tập ở trại giam dưới sự quản lý của Ban Giám thị trại giam.

Tại khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo”.

Do đó, thi hành án phạt tù là hoạt động áp dụng pháp luật mang tính quyền lực nhà nước, tính thủ tục, tính định hướng mục đích, tính sáng tạo và tính khoa học do cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền thực hiện dựa trên những nguyên tắc nhất định nhằm đưa bản án phạt tù đã có hiệu lực của Tòa án ra thi hành trên thực tế nhằm cải tạo giáo dục người bị kết án phạt tù trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

Thẩm quyền ra quyết định thi hành án phạt tù

Theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015: Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. 

Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.

Đối với bản án sơ thẩm xét xử từ 02 bị cáo trở lên mà có bị cáo không kháng cáo bản án thì Tòa án cấp sơ thẩm sẽ ra quyết định thi hành án đối với bị cáo không kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm khi xét xử đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì chưa có quy định của pháp luật về việc chấp hành án của bị cáo không kháng cáo. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng như Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đều không có bất cứ điều luật nào quy định về việc hủy quyết định thi hành án. Cơ quan Thi hành án hình sự khi được thông báo về bản án sơ thẩm bị hủy cũng không có căn cứ để giải quyết về việc chấp hành án của bị cáo.

Trong trường hợp này, theo tác giả, cần bổ sung quy định của pháp luật về việc chấp hành án của bị cáo không có kháng cáo khi bản án bị hủy và cần có văn bản hướng dẫn liên ngành giữa các cơ quan tư pháp: Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan thi hành án.

Về thi hành quyết định thi hành án phạt tù

Khoản 4 Điều 23 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về việc thi hành quyết định thi hành án phạt tù như sau:

“… Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt; trường hợp người đó có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện trưng cầu giám định; trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Tòa án đã ra quyết định thi hành án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh”.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại chết thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu báo cáo Tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Đối với trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn chưa có quy định cụ thể thời gian yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã và thời gian Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải ra quyết định truy nã. Do đó, rất khó cho việc theo dõi, giám sát, kéo dài thời gian thi hành án.

Về thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ

Khoản 2 Điều 36 BLHS năm 2015 quy định: Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó. 

Tại khoản 2 Điều 96 Luật Thi hành án hình sự cũng quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

"a) Người chấp hành án, người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi;

b) Viện Kiểm sát cùng cấp;

c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc;

d) Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án;

đ) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở".

Luật Thi hành án hình sự chưa có quy định đầy đủ về việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giám sát, giáo dục. Hiện tại cũng chưa có văn bản hướng dẫn trong trường hợp này nên dẫn đến khó khăn trong việc thi hành án đối với người bị kết án khi Tòa án giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giám sát, giáo dục.

Về thi hành chế định án treo

Tại khoản 2 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó

Theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Thi hành án hình sự năm 2019: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án treo, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

“a) Người được hưởng án treo và người đại diện trong trường hợp người được hưởng án treo là người dưới 18 tuổi;

b) Viện Kiểm sát cùng cấp;

c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được hưởng án treo làm việc;

d) Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo;

đ) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở”.

Luật Thi hành án hình sự chưa có quy định đầy đủ về việc thi hành chế định án treo trong trường hợp Tòa án giao người bị phạt tù cho hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giám sát, giáo dục.

Hiện tại cũng chưa có văn bản hướng dẫn trong trường hợp này. Do đó, cần sớm có hướng dẫn các nội dung của thi hành án hình sự để đảm bảo sự thống nhất việc áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật thi hành án hình sự nói riêng.

NGUYỄN THỊ YẾN HOA

Tòa án quân sự Quân khu 1

Pháp luật về đất tôn giáo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Bùi Thị Thanh Loan