/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số quan điểm về hoạt động đối chất, thực nghiệm điều tra trong vụ án hình sự

Một số quan điểm về hoạt động đối chất, thực nghiệm điều tra trong vụ án hình sự

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo quan điểm của tác giả thì việc chứng minh, làm sáng tỏ bản chất vụ án phải được giải quyết, thu thập theo đúng trình tự thủ tục theo từng giai đoạn của vụ án và được Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thực hiện theo đúng trình tự quy định. Còn nếu phát sinh mâu thuẫn tại phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo nộp bằng chứng chứng minh hoặc mời người làm chứng đến phiên tòa để đối chất.

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Lê Đình Nghĩa thảo luận về “Những vướng mắc khi tiến hành đối chất và thực nghiệm điều tra vụ án hình sự” đăng ngày 22/11/2021 trên Tạp chí Luật sư Việt Nam, tác giả xin được trao đổi thêm một số quan điểm sau.

Ảnh minh họa.

Trong phần một số vướng mắc về đối chất tác giả có quan điểm như sau:

Thứ nhất, trong quá trình điều khiển việc xét hỏi, sau khi Thẩm phán đã hỏi xong, thì Thẩm phán phải thường xuyên theo dõi việc xét hỏi tiếp tục của những người tiến hành tố tụng khác, nếu thấy câu hỏi có tính chất mớm cung, ép cung hoặc những câu hỏi có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật điều tra, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người thì có quyền yêu cầu người hỏi đặt lại câu hỏi hoặc yêu cầu người trả lời không trả lời câu hỏi đó. Nếu lời khai giữa các bị cáo tại phiên tòa có mâu thuẫn khác với lời khai trong quá trình điều tra vụ án thì họ phải đưa ra được những bằng chứng, nhân chứng để chứng minh lời khai đó là đúng. 

Theo quan điểm của tác giả thì việc chứng minh, làm sáng tỏ bản chất vụ án phải được giải quyết, thu thập theo đúng trình tự thủ tục theo từng giai đoạn của vụ án và được Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thực hiện theo đúng trình tự quy định. Còn nếu phát sinh mâu thuẫn tại phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo nộp bằng chứng chứng minh hoặc mời người làm chứng đến phiên tòa để đối chất. Tuy nhiên nếu không có căn cứ mà vẫn cho các thành phần tham gia đối chất thì sẽ làm ảnh hưởng đến phiên tòa, gây tốn kém và làm mất thời gian. Nếu lời khai của bị cáo hoặc người tham gia tố tụng có căn cứ thì phải hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung, chứ không thể tùy vào diễn biến tại phiên tòa và hoạt động đối chất để kết luận bị cáo có tội hay không có tội. 

Vì vậy theo tác giả một điều luật riêng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đối chất tại phiên tòa của Thẩm phán là không cần thiết.

Thứ hai, về đối chất khi vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm. Về câu hỏi đặt ra của tác giả Lê Đình Nghĩa khi vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, chưa có quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, Điều tra viên có được tiến hành đối chất hay không? 

Tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả Lê Đình Nghĩa về vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo nhưng xét thấy có những mâu thuẫn mang tính chất quyết định để xem xét có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không, cần thiết Cơ quan điều tra, Điều tra viên cho tiến hành đối chất để xác định có hay không có hành vi phạm tội, tội phạm và kết quả đối chất là cơ sở, nguồn chứng cứ để xem xét giải quyết vụ án. 

Ngày 26/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 28/2020/TT-BCA quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (tin báo) của lực lượng Công an nhân dân (Thông tư 28). Thông tư 28 được ban hành dựa trên quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của liên ngành Trung ương về giải quyết tin báo. Theo Thông tư 28: “…4.Việc giải quyết tin báo:… Quá trình giải quyết tin báo, Cơ quan điều tra được phép triệu tập và lấy lời khai những người tham gia tố tụng có liên quan nhằm kiểm tra, xác minh; áp dụng các biện pháp đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra”. 

Vậy Điều tra viên được áp dụng biện pháp đối chất trong hoạt động giải quyết tin báo, tuy nhiên vướng mắc ở đây là Thông tư của Bộ Công an và chỉ được thực hiện bởi lực lượng Công an nhân dân, chưa có quy định rõ trong Thông tư liên tịch số 01/2017. Còn đối với Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân thì không có quy định cụ thể nào về hoạt động đối chất trong giai đoạn giải quyết tin báo, vì vậy cần có kiến nghị khắc phục bổ sung điều luật nhằm thống nhất giữa các ngành. 

Trong phần một số vướng mắc về hoạt động thực nghiệm điều tra tác giả có quan điểm như sau:

Với câu hỏi “Trường hợp Kiểm sát viên tiến hành thực nghiệm điều tra thì Kiểm sát viên có phải thông báo cho Cơ quan điều tra, Điều tra viên hay không?”, theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, Kiểm sát viên được quyền tự mình thực hiện thực nghiệm điều tra, nếu thuộc một trong các trường hợp tại khoản 7 Điều 165 BLTTHS 2015:

“1. Trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. 

2. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc. 

3. Trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố”.

Vậy nếu thuộc các trường hợp trên thì Kiểm sát viên được quyền tự mình thực hiện thực nghiệm điều tra.

Với câu hỏi “Trường hợp nào Điều tra viên, Kiểm sát viên phải tiến hành thực nghiệm điều tra?”, thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự.

Quá trình thu thập các thông tin, tài liệu về hành vi phạm tội và vụ án từ các nguồn tin khác nhau và bằng các biện pháp khác nhau, cho nên mức độ đầy đủ và tính xác thực cũng khác nhau. Việc kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án có nhiều biện pháp điều tra khác nhau, trong đó thực nghiệm điều tra là một hoạt động có hiệu quả cao. Tuy nhiên, không phải vụ án nào cũng tiến hành thực nghiệm điều tra mà chỉ những trường hợp cần thiết. Cơ sở pháp lý được quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Trên đây là một số quan điểm của tác giả trong bài viết, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc.

NGUYỄN GIA HOÀNG

Viện Kiểm sát quân sự khu vực 12 Quân khu 1

Những vướng mắc khi tiến hành đối chất và thực nghiệm điều tra vụ án hình sự

Lê Minh Hoàng