/ Pháp luật - Đầu tư
/ Một số vấn đề pháp lý về quy định về quyền sở hữu chung cư có thời hạn

Một số vấn đề pháp lý về quy định về quyền sở hữu chung cư có thời hạn

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Đề xuất nêu trên được đưa ra với mục đích tạo cơ sở pháp lý khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại các tòa chung cư, tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch đô thị, cũng như đảm bảo an toàn dân sinh trong đô thị. Tuy nhiên, để quy định trên được triển khai có hiệu quả và đi vào thực tế đời sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong đó, bên cạnh việc thay đổi quy định chính sách, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp thay đổi kết cấu hạ tầng xã hội, phát triển nền kinh tế quốc dân, nâng cao, cải thiện điều kiện sống cho người dân. Khi điều kiện thực tế đã đáp ứng đầy đủ, thì chính sách pháp luật mới có thể đi vào thực tế và phát huy được mục tiêu đã đề ra.

Ảnh minh họa. 

Liên quan đến dự thảo quy định về quyền sở hữu chung cư có thời hạn, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, bất kỳ dự luật nào muốn sửa đổi cũng phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, phù hợp với điều kiện thực tế và có sự đồng thuận của người dân. Đề xuất này là một phương án tiến bộ, giống như nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Tuy nhiên, tại thời điểm này liệu quy định trên có phù hợp và hiệu quả hay không là một vấn đề cần được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng.

Theo đó, tại Tờ trình số 53/TTr-CP ngày 28/3/2022, Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án và đã được Chính phủ chấp thuận, báo cáo Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2023. Hai phương án trên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ từ 50-70 năm hoặc có thời hạn lâu dài, căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình hoặc theo thời hạn sử dụng đất.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật về nhà ở, đất đai đều công nhận quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất mang tính chất ổn định, lâu dài, trong đó có quyền sở hữu nhà chung cư. Cụ thể, theo quy định tại Điều 8 Luật Nhà ở 2014, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sở hữu nhà ở, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, thừa kế và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Loại sở hữu này mang tính chất lâu dài, vô thời hạn, trừ các trường hợp bị thu hồi, trưng dụng vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; do vi phạm pháp luật về đất đai hoặc do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe doạ tính mạng con người.

Ngoài ra, trường hợp sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở có thời hạn chỉ áp dụng đối với cá nhân nước ngoài, nhà ở xây dựng trên đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất có thời hạn và một số trường hợp khác theo quy định.

Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua và đi vào thực hiện, việc người dân được cấp sổ hồng đồng nghĩa với việc xác nhận quyền sở hữu và sử dụng tài sản trên đất có thời hạn; đồng thời quyền định đoạt, sở hữu, sử dụng tài sản cũng phụ thuộc vào niên hạn công trình.  

Đề xuất này căn cứ vào thực tế hiện nay, khi những tòa chung cư là nơi tập trung dân cư đông đúc, việc sử dụng trong thời gian dài sẽ làm giảm chất lượng của công trình, không bảo đảm an toàn cho người dân. Mặt khác, quy định này nếu đi vào thực thi sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, mở đường cho công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, hỗ trợ quá trình di dời, phá dỡ để xây dựng lại chung cư. Điều này mang đến nhiều thay đổi trên góc độ quản lý nhà chung cư ở giai đoạn trước, trong và sau khi xây dựng.

Một số đánh giá

Để đánh giá chính sách mới về mặt thực tiễn, có thể nhìn theo hai hướng để thấy cả mặt tích cực và các khó khăn như sau:

Về mặt tích cực: quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư là phù hợp với thực tế, thể hiện rõ nhất ở việc đảm bảo an toàn cho người dân thông qua kiểm soát chất lượng công trình. Đồng thời, quy định này giúp hạ giá thành căn hộ, tạo điều kiện để người dân đa dạng hoá các hình thức sở hữu nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng kinh tế. Việc lập ra quy chuẩn đánh giá tuổi thọ nhà chung cư cũng giúp cho công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, thay đổi quy hoạch, tái thiết hạ tầng được thuận lợi, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân.

Về nhứng khó khăn, vướng mắc: Vấn đề nằm ở việc thực thi (với cơ chế hiện tại) và phát sinh về thủ tục (cấp phép, đánh giá công trình và dỡ bỏ công trình cũ) và thay đổi về bản chất tài sản, từ một loại tài sản (quyền sở hữu nhà ở) được công nhận vô thời hạn, nay đổi thành loại tài sản chỉ có khả năng sử dụng và mua bán trong 50 - 70 năm, chưa kể khấu hao theo thời gian. Do đó, chính sách này sẽ tác động đến khá nhiều chủ thể trong xã hội, đặc biệt là ba bên trực tiếp tham gia quan hệ mua bán nhà ở chung cư, đó là người mua, người bán và người quản lý. Cụ thể như sau:

Về phía chủ đầu tư thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản: Do chính sách mới có thể sẽ bỏ đi tính vô thời hạn đối với quyền sở hữu nhà ở, nên nó làm giảm đi giá trị của bất động sản là nhà ở chung cư. Bởi trong quan hệ mua bán nhà ở chung cư, ngoài giá trị sử dụng mà ngôi nhà mang lại, thì tính chất ổn định, lâu dài giữa các thành phố lớn mới là yếu tố khiến nhiều người muốn sở hữu nhà ở chung cư. 

Với đề xuất mới này, trong tương lai, giá nhà ở chung cư có thể sẽ giảm đi, một phần do bản thân giá trị đã giảm, phần còn lại là do người dân sẽ không mấy mặn mà với loại bất động sản vốn đã khấu hao mạnh, nay còn có niên hạn sử dụng chỉ trong khoảng một đời người. Điều này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh của các chủ đầu tư dự án bất động sản, kích thích họ phải tối ưu hóa bài toán kinh tế, sao cho vừa sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, cũng như tối ưu về giá và dịch vụ pháp lý để thu hút người dân.

Về phía người dân đã, đang và sẽ sở hữu nhà chung cư: Do giá nhà chung cư ở các thành phố lớn hiện nay đều khá cao, đây là hậu quả khi đa số các tỷ phú trong nước đều xuất thân từ ngành bất động sản với tư duy “làm giàu từ phân lô bán nền”, đẩy giá nhà ở lên quá cao so với thu nhập của người dân. Thực tế, để sở hữu một căn nhà chung cư tại các thành phố lớn (thực tế chỉ ở các thành phố lớn mới có nguồn cầu và nguồn cung về nhà chung cư), người dân phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn so với thu nhập, thậm chí đại đa số phải tiến hành vay vốn để mua nhà, tạo sức ép lớn lên cuộc sống.

Nếu chính sách mới được đưa vào áp dụng sẽ tạo ra sức ép lớn hơn cho người dân cả về ngắn hạn và dài hạn. Bởi lẽ, đối với những người đã và đang sở hữu nhà chung cư, thì ngoài khấu hao vật chất, họ còn phải gánh chịu khấu hao pháp lý, khi chất lượng, giá trị của căn nhà giảm dần theo thời gian và tiến tới không còn sử dụng được thì người chủ sở hữu nhà có nguy cơ mất đi quyền sở hữu đối với mặt bằng mà mình đã mua. Đối với người sắp mua nhà, do tính chất vô thời hạn của quyền sở hữu nhà ở đã không còn, nên họ sẽ hướng tới việc mua nhà trên đất để tối ưu hóa nguồn tài chính và tìm kiếm sự an toàn, việc này sẽ lại đẩy giá đất lên cao và gánh nặng cuối cùng vẫn đổ dồn về phía người dân.

Chưa kể, việc giới hạn quyền sở hữu nhà ở có thể tác động đến các quyền dân sự khác, đặc biệt là quyền thừa kế tài sản. Bởi trong suy nghĩ của người Việt từ xưa tới nay, nhà ở là nơi để “an cư, lạc nghiệp”, mang tính chất lâu dài, ổn định, nhà chung cư theo đó cũng được coi là tài sản quan trọng, thường được  người dân chuyển dịch cho thế hệ sau. Việc áp dụng chính sách mới có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động này.  

Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Đề xuất sẽ tạo ra cơ chế mới, kéo theo nhiều hoạt động mới trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước về nhà ở, điều này tiềm ẩn nhiều khó khăn, bất cập, cụ thể:

Việc cấp phép và đánh giá công trình là tiềm ẩn của nhiều tiêu cực: Việc cấp phép và quản lý công trình xây dựng từ trước tới nay vốn đã xuất hiện rất nhiều bất cập, các công trình sai phạm, thiếu an toàn tồn tại rất nhiều trong thực tế. Nếu tới đây, thủ tục đánh giá niên hạn công trình để nhằm mục đích dỡ bỏ được thực thi, thì ai dám đảm bảo là những việc này được thực thi công tâm, không vụ lợi và không có sự can thiệp của chủ đầu tư bất động sản nhằm kéo dài thời hạn tồn tại của công trình đã xuống cấp. Bởi lẽ, việc xây dựng, duy trì và phá dỡ các tòa nhà chung cư là vô cùng phức tạp về thủ tục pháp lý và nguy hiểm về mặt thực tế, do hầu hết các tòa chung cư đều được xây dựng tại các thành phố lớn - khu đông dân cư.

Đó là chưa kể, việc giải phóng mặt bằng, di dời để phá dỡ chung cư cũ thậm chí có thể gây ra nhiều vấn đề phức tạp về xã hội, có bản chất tương tự hoạt động giải phóng mặt bằng với đối với quyền sử dụng đất, dễ gây ra những hậu quả ko thể lường trước.

Về vấn đề quản lý, do quyền sở hữu nhà ở bị giới hạn về thời gian, nhà ở được áp niên hạn nên sẽ tạo ra tính chênh lệch về giá cả và giá trị. Cụ thể, nhà ở gần hết niên hạn sẽ có giá cả thấp và ngược lại, nhà chung cư mới xây, niên hạn còn lâu dài thì sẽ được chào bán với giá cao. Về cơ bản, quyền sở hữu nhà sẽ được cân nhắc như những mã chứng khoán với giá trị được xem xét qua nhiều khía cạnh như chất lượng công trình, uy tín của chủ đầu tư, hồ sơ pháp lý và đặc biệt là niên hạn sử dụng.

Đặc điểm này có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như việc lợi dụng niên hạn để làm giá bất động sản hoặc cố ý chuyển nhượng với giá thấp nhằm trốn thuế. Tương tự việc định giá các căn chung cư với đặc điểm mới này cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi khấu hao đã ổn định, thì niên hạn có thể sẽ là đặc điểm quyết định giá của bất động sản, mà như đã nói, việc đánh giá niên hạn lại phụ thuộc vào cơ quan nhà nước với các bộ quy chuẩn mà người dân hầu như không biết và không giám sát được, từ đó có thể nảy sinh nhiều vấn đề về việc quản lý mua bán chuyển nhượng nhà ở chung cư và việc quản lý thuế.

Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm, đề xuất nêu trên được đưa ra với mục đích tạo cơ sở pháp lý khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại các tòa chung cư, tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch đô thị, cũng như đảm bảo an toàn dân sinh trong đô thị. Tuy nhiên, để quy định trên được triển khai có hiệu quả và đi vào thực tế đời sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong đó, bên cạnh việc thay đổi quy định chính sách, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp thay đổi kết cấu hạ tầng xã hội, phát triển nền kinh tế quốc dân, nâng cao, cải thiện điều kiện sống cho người dân. Khi điều kiện thực tế đã đáp ứng đầy đủ, thì chính sách pháp luật mới có thể đi vào thực tế và phát huy được mục tiêu đã đề ra. 

Ý NHƯ

Đề xuất sở hữu chung cư 50 năm: Cần nhìn nhận dưới nhiều góc độ để tránh những hệ lụy phức tạp

Lê Minh Hoàng