/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề về thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019

Một số vấn đề về thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sau hơn 5 năm áp dụng trên thực tiễn, Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ 2012) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong nhiều quy định pháp luật, trong đó có quy định liên quan đến thoả thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ giữa người lao động (NLĐ) với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Để khắc phục những hạn chế, bất cập đó, sau quá trình xây dựng, trao đổi và tham vấn ý kiến, Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019 và có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01/01/2021. Bộ luật này có một số nội dung sửa đổi liên quan đến thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ giữa NLĐ với NSDLĐ. Bài viết này sẽ giới thiệu, phân tích về những điểm mới trong quy định của BLLĐ 2019 về thỏa thuận bảo vệ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, đồng thời đưa ra một số lưu ý đối với các bên khi thỏa thuận về nội dung này.

Ảnh minh họa. 

Trong thực tiễn quan hệ lao động hiện nay, ngày càng bắt gặp nhiều trường hợp NLĐ có các thoả thuận, cam kết với NSDLĐ về việc sẽ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ. Hình thức cách thức thực hiện có thể là không tiết lộ các bí mật kinh doanh, các bí mật công nghệ này, hoặc không sử dụng những bí mật này để tự kinh doanh hoặc tham gia vào quan hệ lao động với một NSDLĐ khác cùng lĩnh vực hoạt động kinh doanh, các đối thủ cạnh tranh của họ… Các thỏa thuận, cam kết này có thể được thực hiện trong quá trình NLĐ làm việc cho NSDLĐ hoặc thậm chí cả sau khi các bên đã chấm dứt quan hệ lao động. Thông thường, các cam kết này được ghi nhận trong một thoả thuận độc lập, nhiều trường hợp được ghi nhận trong chính hợp đồng lao động (HĐLĐ). Liên quan đến việc điều chỉnh loại thoả thuận này, pháp luật lao động Việt Nam hiện nay có quy định tại khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 về việc NSDLĐ có quyền thoả thuận bằng văn bản với NLĐ về việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ khi NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh. Tuy nhiên quy định này được hiểu và vận dụng cụ thể vào mỗi đơn vị sử dụng lao động lao động như thế nào, các bên cần lưu ý những vấn đề gì khi tiến hành ký kết thỏa thuận này là vấn đề mà các đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp (DN), NLĐ cần đặc biệt lưu ý để thỏa thuận thực sự phát huy ý nghĩa của nó.

Cơ sở hình thành nên thoả thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ xuất phát từ nhu cầu tất yếu đặt ra của nền kinh tế thị trường nói chung và thị trường lao động nói riêng. Dưới tác động của nền kinh tế, NLĐ ngày càng được chuyên môn hoá cao, ngày càng được chú trọng đào tạo chuyên sâu để nâng cao hơn về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, từ đó họ có cơ hội được đảm nhận các vị trí cấp cao, được tiếp xúc với các bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, các dữ liệu quan trọng của đơn vị sử dụng lao động. Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các DN, các đơn vị sử dụng lao động cũng diễn ra ngày càng gay gắt. Sự cạnh tranh này diễn ra không chỉ đối với các DN trong nước mà bao hàm cả các DN nước ngoài do xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế. Trong sự cạnh tranh đó, những tài sản như bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, các dữ liệu thông tin… là tài sản có ý nghĩa “sống còn” với DN.

Điều này dẫn đến thực trạng nhằm để có được các lợi thế cạnh tranh, DN có xu hướng “lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc” những NLĐ đang giữ các vị trí quan trọng hoặc biết về các bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, dữ liệu thông tin… trong các DN là đối thủ cạnh tranh. Điều này làm tiềm ẩn những rủi ro cho các DN có bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, thậm chí có thể là những tổn thất rất lớn, vì vậy mà NSDLĐ thường đưa ra thoả thuận với NLĐ về việc cam kết bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, mục đích của thoả thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ chính là để nhằm giúp NSDLĐ giảm bớt các rủi ro, các tổn thất, tạo nên các hành vi cạnh tranh hoặc có khả năng cạnh tranh giữa các DN với nhau. Việc xác lập thỏa thuận này đi kèm với trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên, trong đó rõ nhất là trách nhiệm của NLĐ, nếu vi phạm thỏa thuận họ sẽ phải bồi thường đối với các thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm của mình cho NSDLĐ. Tuy nhiên, để thỏa thuận này thực sự phát huy ý nghĩa và vai trò của nó, cần phải lưu ý một số vấn đề sau:  

Thứ nhất, về chủ thể tham gia thỏa thuận

Từ quy định tại khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 và hướng dẫn chi tiết tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH có thể thấy rằng một thỏa thuận được dùng để bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ chúng ta đề cập đến là thỏa thuận được thiết lập bởi hai bên chủ thể là NSDLĐ và NLĐ, nghĩa là quan hệ giữa họ được xác lập trên cơ sở HĐLĐ. Thêm vào đó, NLĐ phải là những người làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là NSDLĐ không được phép đặt ra nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ với tất cả NLĐ của mình mà chỉ với những NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, tức là những NLĐ có cơ hội tiếp xúc và biết hoặc phải biết nội hàm của các bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ. Quy định này nhằm để giới hạn các chủ thể có thể giao kết thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, nhằm hạn chế việc NLĐ phải cam kết với NSDLĐ về bảo mật trong những trường hợp không thực sự cần thiết.

Thứ hai, về hình thức của thỏa thuận

Theo khoản 2 Điều 21 BLLĐ năm 2019 và hướng dẫn chi tiết tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH giữa NLĐ và NSDLĐ có quyền thoả thuận bằng văn bản về việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ. Các bên có quyền thỏa thuận về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong HĐLĐ hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật. Do đó, tùy thuộc vào đặc thù mỗi đơn vị sử dụng lao động, mỗi DN mà có thể lựa chọn việc thỏa thuận các nội dung về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ ngay trong HĐLĐ với NLĐ hoặc yêu cầu ký một văn bản thỏa thuận riêng về vấn đề này.

Thứ ba, về nội dung của thoả thuận

Đối chiếu quy định tại khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 và hướng dẫn chi tiết tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH, nội dung của thoả thuận này có thể bao gồm các điều khoản về: Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ, NSDLĐ trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.

Quy định này tại Điều 4 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH chỉ mang tính chất khái quát một số nội dung có thể có trong thỏa thuận bảo vệ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, ngoài các nội dung trên, các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác. Liên quan đến nội dung của thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:

Về danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, đây chính là nội dung cốt lõi, không thể thiếu của thỏa thuận. Tuy nhiên, BLLĐ 2019 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành BLLĐ không có quy định cụ thể cách hiểu như thế nào là bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, Bộ luật chỉ nêu rằng “bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật”. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải đối chiếu các quy định khác trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam để xác định bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của DN. Tra cứu, đối chiếu, về bí mật công nghệ thì không có quy định pháp luật nào đề cập đến; về bí mật kinh doanh, có thể tìm thấy định nghĩa trong quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2013. Theo đó, bí mật kinh doanh là “thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”. Có thể thấy rằng, nếu chỉ xem xét dưới góc độ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh là một khái niệm rộng, khá đa dạng và phức tạp, hầu như bất kỳ loại thông tin nào cũng có thể là bí mật kinh doanh, miễn là nó đáp ứng được các điều kiện bảo hộ được quy định tại Điều 84 của Luật này. Do đó, khi vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 về nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, tùy thuộc vào ý chí chủ quan của NSDLĐ, sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ mà các bên sẽ liệt kê cụ thể về danh mục các bí mật kinh doanh cần được bảo vệ, việc liệt kê một cách chi tiết sẽ giúp cho thỏa thuận trở nên rõ ràng, các bên có cơ sở để thực hiện các điều khoản.

Về phạm vi, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, đây được hiểu là giới hạn về không gian, thời gian mà NLĐ có nghĩa vụ bảo mật cho NSDLĐ. Theo tinh thần quy định của khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH, phạm vi, thời hạn này do các bên tự do thoả thuận, luật không đặt ra giới hạn cụ thể nào.

Tương tự, về phương thức bảo vệ, luật không có quy định chi tiết việc bảo vệ sẽ được tiến hành bằng cách thức cụ thể nào (cam kết không tiết lộ, hay không tự mình kinh doanh cùng ngành nghề, không cùng lúc làm việc cho các đối thủ cạnh tranh…). Do vậy, điều khoản này cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên.

Về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên ký thỏa thuận, tại khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 chỉ quy định rằng NSDLĐ có quyền thỏa thuận với NLĐ về “quyền lợi” và “việc bồi thường trong trường hợp vi phạm”. Đến điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH nói rõ hơn rằng trong thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể có nội dung về “quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ, NSDLĐ trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ”, ngoài ra luật không quy định chi tiết hơn. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mỗi bên trong thỏa thuận cần lưu ý thỏa thuận rõ, cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi tương ứng của mỗi bên đối với việc thực hiện hoặc có vi phạm thỏa thuận.

Về việc bồi thường và xử lý việc vi phạm thỏa thuận, khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 đã ghi nhận rõ trong nội dung của thoả thuận về bảo mật bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ cần có nội dung về “việc bồi thường trong trường hợp vi phạm”. Điều này có nghĩa là các bên được quyền thoả thuận và ghi nhận trước trong thỏa thuận đó việc có thể yêu cầu bên vi phạm thỏa thuận phải “bồi thường” cho bên kia khi vi phạm thỏa thuận, việc xác định có vi phạm hay không sẽ căn cứ vào các điều khoản đã được các ghi nhận trong thỏa thuận bảo mật.

Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm thỏa thuận, cần lưu ý quy định hướng dẫn chi tiết tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH, theo đó, khi phát hiện NLĐ vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì NSDLĐ có quyền yêu cầu NLĐ bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện chia ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Phát hiện NLĐ có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện HĐLĐ thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của BLLĐ 2019. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 130 BLLĐ 2019 và hướng dẫn chi tiết điều khoản này tại Điều 71, Điều 72 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, khi phát hiện NLĐ có hành vi vi phạm gây thiệt hại thì NSDLĐ yêu cầu NLĐ tường trình bằng văn bản về vụ việc. Sau đó, trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 72 Nghị định này (06 tháng kể từ ngày NLĐ có hành vi vi phạm), NSDLĐ tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại như sau:

- Ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, NSDLĐ thông báo đến các thành phần phải tham dự họp bao gồm: NLĐ, người đại diện theo pháp luật của NLĐ chưa đủ 15 tuổi, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ bị xử lý thành viên, thẩm định viên về giá (nếu có); bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại; họ tên người bị xử lý bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm;

- Khi nhận được thông báo của NSDLĐ, các thành phần phải tham dự họp nêu trên phải xác nhận tham dự cuộc họp với NSDLĐ. Trường hợp một trong các thành phần không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì NSDLĐ quyết định thời gian, địa điểm họp;

- NSDLĐ tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thời gian, địa điểm đã thông báo. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp nêu trên không xác nhận tham dự hoặc vắng mặt thì NSDLĐ vẫn tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Nội dung cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp theo quy định, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.

Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự họp theo quy định. Các trường hợp bồi thường thiệt hại khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Cũng cần lưu ý đối với các trường hợp không xử lý bồi thường thiệt hại đối với NLĐ đang trong thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của BLLĐ 2019, đó là các trường hợp NLĐ đang trong các thời gian: Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; Nghỉ việc được sự đồng ý của NSDLĐ; Đang bị tạm giữ, tạm giam; Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này; NLĐ nữ mang thai; NLĐ nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì khi hết thời gian quy định này, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

Trường hợp 2: Trường hợp phát hiện NLĐ có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt HĐLĐ thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Qua các phân tích trên, có thể thấy rằng, liên quan đến thoả thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong lĩnh vực lao động, so với trước đây, pháp luật lao động Việt Nam hiện hành đã có một số sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết hơn tại khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 và hướng dẫn chi tiết thi hành tại Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH. Những sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn cụ thể chi tiết này sẽ giúp cho các chủ thể có thể áp dụng, vận dụng các quy định pháp luật một cách tốt hơn để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là đối với các DN, NSDLĐ có các bí mật kinh doanh cần được bảo vệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Lao động năm 2019;

2. Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;

3. http://www.noip.gov.vn/html/panorama/ (truy cập ngày 11/6/2021)

4. https://vnexpress.net/phap-luat/ngan-nhan-vien-nghi-viec-mang-theo-bi-mat-kinh-doanh-bang-cach-nao-3805078.html (truy cập ngày 11/6/2021)

5. https://www.thesaigontimes.vn/297434/nhin-lai-hieu-qua-cua-nda-trong-bao-ve-bi-mat-kinh-doanh-.html?fbclid=IwAR3Ea2jqC3UorngXGVafi5_Y6jj2VMZBDOz9sqG9BXpCkQIcnogS9JjK17M (truy cập 11/6/2021)

6. https://nld.com.vn/cong-doan/can-trong-voi-thoa-thuan-bao-mat-20180618192839114.htm (truy cập 11/6/2021)

7. https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=d3e6f060-4c3b-4a99-acb4-db8d510ad572 (truy cập 11/6/2021)

Thạc sĩ LÊ NGỌC ANH

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Thạc sĩ QUÁCH THỊ HỒNG  NGÂN

Trường Chính trị Tỉnh Lào Cai

Vay tiền qua app trực tuyến: Pháp luật còn nhiều ‘lỗ hổng’

Lê Minh Hoàng