/ Pháp luật - Đời sống
/ Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật

Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật

13/10/2023 06:36 |

(LSVN) - Theo Luật sư, trong trường hợp bị hại đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền đặc biệt lớn phải có chứng cứ đầy đủ, hợp lệ thì Tòa án mới xem xét. Việc bồi thường bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào quy định của pháp luật, trên cơ sở các chứng cứ mà đương sự có thể cung cấp, xuất trình trong quá trình giải quyết vụ án.

Ảnh minh họa.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong các vụ án hình sự, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của bị cáo gây ra. Thiệt hại có thể là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

Về nguyên tắc, các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, không thỏa thuận được thì yêu cầu để Tòa án giải quyết. Đương sự có quyền đưa ra yêu cầu mức bồi thường nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh yêu cầu đó có căn cứ và hợp pháp.

Đối với thiệt hại về vật chất, đương sự phải chứng minh có hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản làm cho tài sản bị mất, bị hư hỏng, giảm sút giá trị.

Đồng thời, phải có chứng cứ để chứng minh thiệt hại về tài sản đã xảy ra và thiệt hại đó có nguyên nhân trực tiếp từ lỗi của người phạm tội.

Riêng với thiệt hại như cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh, lợi nhuận có thể thu được… rất khó có thể chứng minh mức độ thiệt hại, đặc biệt là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Đối với thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định, nhưng không quá 10 tháng lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng, 10 tháng lương là khoảng 18 triệu đồng.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín là quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.

Ngoài ra, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Cũng theo Luật sư, trong trường hợp bị hại đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền đặc biệt lớn phải có chứng cứ đầy đủ, hợp lệ thì Tòa án mới xem xét. Việc bồi thường bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào quy định của pháp luật, trên cơ sở các chứng cứ mà đương sự có thể cung cấp, xuất trình trong quá trình giải quyết vụ án.

TRẦN MINH

Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi bỏ cọc đấu giá biển số xe đẹp

Nguyễn Hoàng Lâm