/ Trao đổi - Ý kiến
/ Những khó khăn, vướng mắc về biện pháp ngăn chặn ‘bảo lĩnh’

Những khó khăn, vướng mắc về biện pháp ngăn chặn ‘bảo lĩnh’

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 đã được áp dụng, thi hành một thời gian, phát huy được nhiều ưu điểm, tạo ra hành lang pháp lý cơ bản, thống nhất để các Cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn (BPNC) “bảo lĩnh” trên thực vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc.

Ảnh minh họa.

1. Một số khó khăn, vướng mắc.

Về quy định tại khoản 1 Điều 121 BLTTHS “bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam”. Quy định này chưa rõ ràng về đối tượng bị áp dụng, tồn tại hai cách hiểu khác nhau.

Thứ nhất, “bảo lĩnh” là biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam nếu có đủ điều kiện cho “bảo lĩnh” và xét thấy không cầm thiết tiếp tục tạm giữ, tạm giam thì áp dụng biện pháp “bảo lĩnh” để thay thế biện pháp tạm giam. Nghĩa là đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam thì mới áp dụng biện pháp này.

Thứ hai, biện pháp “bảo lĩnh” được áp dụng kể cả đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam và bị can, bị cáo bị khởi tố, chưa bị tạm giữ, tạm giam, nhưng thấy vẫn cần phải ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và để đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Điều 121 BLTTHS, cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ (ít nhất phải có hai người). Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên tổ chức của mình. Vấn đề là luật quy định còn chung chung về tiêu chuẩn của người nhận bảo lĩnh (có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật) và không quy định tiêu chuẩn của cơ quan, tổ chức (hay tự hiểu rằng mọi cơ quan, tổ chức đều được nhận bảo lĩnh). Trong khi đó, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng đủ tư cách cam đoan rằng bị can, bị cáo không tiếp tục phạm tội, bảo đảm bị can, bị cáo có mặt theo triệu tập của cơ quan tố tụng (đối với tổ chức là doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, nợ nần, có hành vi vi phạm pháp luật hoặc đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì như thế nào?). Như vậy, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng có đủ những tiêu chuẩn để được nhận bảo lĩnh.

Tại khoản 2 Điều 121 BLTTHS quy định về điều kiện của người nhận bảo lĩnh là “cá nhân có thu nhập ổn định”. Luật quy định nhằm mục đích cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện người nhận bảo lĩnh. Tuy nhiên, có cần phải chứng minh thu nhập, xác minh tài liệu chứng minh thu nhập hay không thì luật không quy định và chưa có hướng dẫn.

Hiện nay chỉ có quy định tại Điều 109 BLTTHS (kèm theo Điều 121 BLTTHS) nêu những căn cứ để áp dụng chung cho các BPNC trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Điều này dễ dẫn đến sự tùy tiện khi áp dụng, không đảm bảo quyền của người bị buộc tội, làm giảm hiệu quả cũng như tính nghiêm minh của pháp luật. Bởi lẽ, Điều 109 BLTTHS quy định “… để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử…”. Nghĩa là, không phải trường hợp nào cũng áp dụng BPNC với quy định như hiện nay. Chính vì thế đối với những vụ án nhận thấy không cần thiết phải áp dụng BPNC thì không áp dụng. Qua khảo sát của bản thân nhận thấy hầu như tất cả các vụ án khi đã khởi tố bị can đều bị áp dụng BPNC, kể cả biện pháp “bảo lĩnh”. 

Trong thực tiễn áp dụng, sau khi khởi tố bị can, Cơ quan điều tra (CQĐT) ra quyết định bảo lĩnh và tống đạt cho bị can, đồng thời gửi đến các cá nhân, tổ chức liên quan. Qua điều tra, CQĐT có kết luận điều tra vụ án, hồ sơ được chuyển đến Viện Kiểm sát (VKS) để truy tố, chuyển hồ sơ xét xử. Vấn đề đặt ra ở đây là quyết định “bảo lĩnh” của CQĐT vẫn còn thời hạn; bị can không vi phạm thì VKS và Toà án có đương nhiên tiếp tục sử dụng Quyết định bảo lĩnh đối với bị can đó không? Hay ở mỗi giai đoạn lại phải ra lệnh, quyết định khác vì mỗi cơ quan đều có thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Quyết định của CQĐT còn có hiệu lực hay không? Bởi vì Cơ quan điều tra áp dụng BPNC đối với bị can trên cơ sở thủ tục bảo lĩnh và phải có mặt đúng thời gian, địa điểm theo giấy triệu tập của CQĐT. 

Mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể thẩm quyền áp dụng BPNC, tuy nhiên trong thực tiễn thì việc áp dụng vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam, theo đó Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp đều có thẩm quyền quy định tại điều này. Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền của Chánh án, Phó Chánh án tại điểm a khoản 2 Điều 44 BLTTHS năm 2015 như sau: “Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng”. Như vậy, ngoài biện pháp ngăn chặn tạm giam, luật không quy định Chánh án, Phó Chánh án có thẩm quyền áp dụng các BPNC khác không?

Xung quanh vấn đề này tồn tại hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Quy định “những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của BLTTHS là người có thẩm quyền áp dụng biện pháp này”, thì Chánh án là người có thẩm quyền áp dụng các BPNC tại Điều 121 BLTTHS và sau khi thụ lý hồ sơ, trường hợp Chánh án là chủ tọa phiên tòa hoặc chưa phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì thẩm quyền này đương nhiên phải do Chánh án quyết định.

Quan điểm thứ hai: Chánh án không có thẩm quyền áp dụng BPNC tại Điều 121 BLTTHS vì theo điểm a khoản 2 Điều 44 BLTTHS chỉ quy định Chánh án có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam. Mặt khác quy định tại khoản 1 Điều 278 BLTTHS về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPNC, biện pháp cưỡng chế xác định “Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPNC, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định”.

- Về thời hạn: “...Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của BLTTHS. Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”. Quy định về các biện pháp tạm giữ, tạm giam đều có văn bản hướng dẫn về thời hạn, tùy thuộc vào tính chất của tội phạm thuộc loại ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Còn đối với BPNC “bảo lĩnh” thì quy định còn chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thời hạn áp dụng. Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự dài hay ngắn tùy thuộc vào tính chất, mức độ phức tạp của từng vụ án. Trong thực tiễn rất nhiều vụ án gia hạn thời hạn giải quyết. Do vậy, thời hạn áp dụng BPNC cũng phải kéo dài tương ứng. Và trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm cũng tương tự (gia hạn thời hạn giải quyết, hoãn phiên tòa...). Hoặc như khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử, nếu Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì phát sinh thêm 15 ngày (hoặc 30 ngày nếu vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan) từ ngày ra quyết định đến ngày mở phiên tòa. Như vậy việc tính thời hạn áp dụng BPNC “bảo lĩnh” như thế nào?

Điều luật quy định “Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”. Nếu sau khi tuyên án Hội đồng xét xử (HĐXX) hoặc Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa tiếp tục áp dụng BPNC trên thì thời hạn là bao nhiêu, để đảm bảo thi hành án hoặc giải quyết các thủ tục tố tụng tiếp theo (giải quyết kháng cáo, kháng nghị...). BLTTHS quy định “...“kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù...”. Quy định này có thể hiểu áp dụng cho nhiều giai đoạn tiếp theo (kháng cáo, kháng nghị, giải quyết phúc thẩm...) đến khi bị cáo đi chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng khi HĐXX tuyên án, nếu có áp dụng BPNC nêu trên thì thời hạn “bảo lĩnh” kể từ khi tuyên án cho đến khi người đó đi chấp hành án phạt tù. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra hoặc xét xử lại thì thời hạn áp dụng như trên (đến khi bị cáo đi chấp hành án phạt tù) phải xử lý như thế nào về thời hạn. Bởi lẽ trong quyết định “bảo lĩnh” ghi rõ đến khi bị cáo đi chấp hành án phạt tù thì cấp phúc thẩm khó áp dụng BPNC này trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, thời hạn “bảo lĩnh” có cần thiết phải liên tục không? Có thể bị gián đoạn không (ví dụ trường hợp khi Tòa án nhận hồ sơ vụ án, chưa kịp phân công Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa). Các vấn đề trên chưa có hướng dẫn cụ thể, gây ra tình trạng áp dụng tùy tiện, không thống nhất.

- BLTTHS quy định khi áp dụng BPNC “bảo lĩnh” thì bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ theo quy định, người nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Như vậy, các văn bản trên có được sử dụng xuyên suốt qua các giai đoạn tố tụng hay không? Hay mỗi giai đoạn tố tụng hoặc mỗi lần ra Quyết định “bảo lĩnh” khác nhau phải yêu cầu bị can, bị cáo (“bảo lĩnh” thì thêm người nhận bảo lĩnh) làm lại giấy cam đoan. Từ thực tiễn xét xử, tác giả nhận thấy còn áp dụng tùy tiện, không thống nhất. Vì quá trình giải quyết vụ án có nhiều giai đoạn tố tụng, mỗi giai đoạn có thể phải kéo dài, gia hạn... Nếu mỗi lần ra quyết định nói trên phải yêu cầu bị can, bị cáo làm giấy cam đoan là không cần thiết (ví dụ: giai đoạn xét xử ra quyết định bảo lĩnh lần đầu, gia hạn thời hạn chuẩn bị ra thêm quyết định cho bảo lĩnh phải cần có thủ tục bảo lĩnh; hoãn phiên tòa 03 lần lại cần thủ tục giấy tờ cam đoan 03 lần...) gây phiền hà, mất thời gian cho bị can, bị cáo, người nhận bảo lĩnh, nhất là các vụ án có bị can, bị cáo ở xa các cơ quan tiến hành tố tụng (đặc biệt là các Tòa án quân sự địa bàn rất rộng nên vấn đề này gây ảnh hưởng lớn đến việc gửi các thủ tục của bị can, bị cáo, người nhận bảo lĩnh), dẫn đến sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng đúng thời hạn các BPNC “bảo lĩnh”. 

- Tòa án sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vẫn ra quyết định cho “bảo lĩnh”, có Tòa án sau khi xét xử không tiếp tục áp dụng một trong các BPNC, mặc dù bị cáo bị áp dụng hình phạt tù. Có quan điểm cho rằng tùy thuộc vào từng loại hình phạt được áp dụng, từ đó mới có căn cứ để Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp ngăn chặn sau khi xét xử. Tuy nhiên, vấn đề này chưa có văn bản hướng dẫn. Ngày 03/7/2019, Tòa án quân sự Trung ương có Công văn số 503/TA-NCTH thông báo Kết luận của Chánh án Tòa án quân sự Trung ương tại Hội nghị Sơ kết và tập huấn nghiệp vụ năm 2019, có nội dung: “Căn cứ vào tính chất của hai loại hình phạt nêu trên (phạt tiền, cải tạo không giam giữ) thì không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn “bảo lĩnh” hoặc “cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với họ”. Tuy nhiên, trường hợp bị cáo bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì có tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn không? Thẩm quyền thuộc HĐXX hay Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa?.

- Thực tiễn áp dụng BPNC “Bảo lĩnh” hiệu quả thấp, nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, người nhận bảo lĩnh không theo dõi, quản lý chặt chẽ nên để xảy ra việc bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan, gây khó khăn cho quá trình tiến hành tố tụng. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý, theo dõi bị can, bị cáo tại ngoại không rõ ràng, khi vi phạm thì không có chế tài áp dụng làm hạn chế tính khả thi của các biện pháp ngăn chặn này. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì bị phạt tiền (khoản 6 Điều 121 BLTTHS) nhưng chưa có quy định về cơ chế xử phạt (trình tự, thủ tục, thẩm quyền...).

2. Một số đề xuất, kiến nghị 

- Thứ nhất, theo tác giả phải thống nhất cách hiểu quy định biện pháp ngăn chặn “bảo lĩnh” được áp dụng kể cả đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam và bị can, bị cáo bị khởi tố, chưa bị tạm giữ, tạm giam, nhưng thấy vẫn cần phải ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và để đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân bị can, bị cáo. Cách hiểu này thể hiện phạm vi áp dụng của biện pháp này toàn diện hơn. Còn quan điểm: Biện pháp “bảo lĩnh” chỉ áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam (nghĩa là bị can, bị cáo đang bị tạm giam thay đổi sang biện pháp “bảo lĩnh”) là không đầy đủ. 

- Thứ hai, đối với bị can, bị cáo chỉ áp dụng biện pháp bảo lĩnh khi có các điều kiện sau: Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người tàn tật nặng hoặc đặc biệt nặng; phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người già, bệnh nặng, người chưa thành niên. Có căn cứ xác định sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng; việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Không áp dụng bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo đã có tiền án chưa được xóa án tích mà lại phạm tội; bị can, bị cáo bị bắt theo lệnh truy nã; là đối tượng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; người nghiện ma túy; hành vi phạm tội của bị can, bị cáo gây dư luận trong xã hội.

- Thứ ba, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, tác giả đề xuất sửa quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 BLTTHS cụ thể như sau: 2. Khi tiến hành việc giải quyết vụ án hình án hình sự, Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn: “a. Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, xử lý vật chứng;”.

- Thứ tư, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh ở mỗi giai đoạn tố tụng khác nhau, để đảm bảo các thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh không bị gián đoạn, tác giả đề xuất trước khi Viện Kiểm sát chuyển hồ sơ chuyển sang Tòa án thụ lý giải quyết theo thẩm quyền phải thông báo cho Tòa án biết đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can, kể cả biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh (tương tự như biện pháp ngăn chặn tạm giam). Đồng thời, quy định mỗi giai đoạn tố tụng phải có thủ tục bảo lĩnh mới (giấy cam đoan của bị can, bị cáo, của người nhận bảo lĩnh...). Đối với giai đoạn xét xử của Tòa án khi thụ lý vụ án, phải yêu cầu bị can, bị cáo cung cấp thủ tục bảo lĩnh mới; không áp dụng thủ tục bảo lĩnh của giai đoạn trước đó của CQĐT, VKS.

- Thứ năm, đối với người nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là cá nhân nhận bảo lĩnh quy định điều kiện phải là người thân thích của bị can, bị cáo; có phẩm chất chính trị tốt, không liên quan đến vụ án; có khả năng thực hiện trách nhiệm của người nhận bảo lĩnh; phải cư trú cùng địa phương với bị can, bị cáo để bảo đảm sự giám sát để có thể kịp thời báo cáo ngay đến CQTHTT khi phát hiện người được bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan. Có sự đồng ý của người được bảo lĩnh là bị can, bị cáo. Người nhận bảo lĩnh có thể là người bào chữa hoặc đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo. Kèm theo chứng cứ, tài liệu về hành vi phạm tội, nhân thân của bị can để xác định tính chất, mức độ hành vi của bị can không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam...

- Thứ sáu, đối với người nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh quy định cơ quan, tổ chức không liên quan đến vụ án; có khả năng thực hiện trách nhiệm của người nhận bảo lĩnh; đối với cơ quan, tổ chức là doanh nghiệp khi nhận bảo lĩnh phải cung cấp tài liệu về kết quả kinh doanh trong thời gian 06 tháng gần nhất, xác định là doanh nghiệp không làm ăn thua lỗ, nợ nần, không có hành vi vi phạm pháp luật và không bị điều tra, truy tố, xét xử; phải là cơ quan trực tiếp của bị can, bị cáo để bảo đảm sự giám sát để có thể kịp thời báo cáo ngay đến cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện người được bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan. Có sự đồng ý của người được bảo lĩnh là bị can, bị cáo. 

- Thứ bảy, đề nghị cơ quan chuyên môn cấp trên quy định chặt chẽ hơn về ràng buộc cụ thể để nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, giám sát các đối tượng được áp dụng các biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh và một số biện pháp ngăn chặn không bị tạm giam khác. Đây là vấn đề cần được đặt ra để giải quyết vì trong thực tế hiện nay, có rất nhiều trường hợp các đối tượng được áp dụng các biện pháp ngăn chặn trên trong thời gian tại ngoại các đối tượng trên đã trốn khỏi địa phương hoặc chuyển đi địa phương khác làm ăn, sinh sống mà không thông báo và làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật. Do đó, khi Tòa án ra quyết định thi hành án thì bản án, quyết định của Tòa án không được thi hành, dẫn đến Cơ quan Thi hành án hình sự phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt (đối với trường hợp bị án bị xử phạt tù) hoặc là không thể thi hành được (trong trường hợp án treo, cải tạo không giam giữ), gây hậu quả mất niềm tin trong nhân dân và tốn thời gian, tiền của của Nhà nước.

NGUYỄN TẤT TRÌNH

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Áp dụng ‘án treo’: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị

Lê Minh Hoàng