/ Trao đổi - Ý kiến
/ Pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015: Bất cập và định hướng hoàn thiện

Pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015: Bất cập và định hướng hoàn thiện

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành là một bước tiến bộ lớn của pháp luật dân sự Việt Nam. Trong đó, quy định mới về pháp nhân nói chung góp phần làm cơ sở cho Nhà nước điều chỉnh hành vi của chủ thế này, đặc biệt liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, các quy định về pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tạo nên sự nhận thức không thống nhất, dẫn đến hiểu sai bản chất của pháp nhân, làm ảnh hưởng tới vấn đề thực thi trên thực tế. Do đó cần có những nghiên cứu nhằm đề xuất định hướng hoàn thiện, góp phần điều chỉnh hiệu quả hành vi của pháp nhân trên thực tế.

Ảnh minh họa.

1. Những vấn đề lý luận cơ bản về pháp nhân

Khái niệm về pháp nhân

Pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam là những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập để tham gia các hoạt động pháp lý. Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định quy định pháp nhân như sau:

“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”.

Qua các văn bản pháp luật đã ban hành và tính chất chủ thể trong các quan hệ dân sự, kinh tế có thể đưa ra khái niệm pháp nhân như sau: Pháp nhân là một tổ chức thống nhất, độc lập, hợp pháp có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Các điều kiện của pháp nhân theo pháp luật dân sự

Các điều kiện của pháp nhân là các dấu hiệu để công nhận một tổ chức có tư cách là chủ thể của quan hệ dân sự. Các điều kiện của pháp nhân được xác định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.

Thứ nhất, được thành lập một cách hợp pháp. Một tổ chức được coi là hợp pháp nếu có mục đích, nhiệm vụ hợp pháp và được thành lập hợp pháp theo trình tự và thủ tục do luật định. Tổ chức hợp pháp được Nhà nước công nhận dưới các dạng: cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận. Nhà nước bằng các quy định về thẩm quyền ra quyết định thành lập, trình tự, thủ tục thành lập, điều kiện thành lập các tổ chức chi phối đến các tổ chức tồn tại trong xã hội. 

Thứ hai, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhằm biến một tập thể người thành một thể thống nhất (một chủ thể) có khả năng thực hiện có hiệu quả nhất nhiệm vụ của tổ chức đó đặt ra khi thành lập. Thống nhất về tổ chức được quy định trong quyết định thành lập, trong điều lệ mẫu, trong các văn bản pháp luật, trong điều lệ của từng loại tổ chức hay từng tổ chức đơn lẻ. Pháp nhân phải là một tổ chức độc lập. Một tổ chức độc lập hoàn toàn theo nghĩa rộng không tồn tại trên thực tế mà bất kì một tổ chức nào cũng bị chi phối theo dạng này hay dạng khác của cá nhân trong tổ chức đó, của các tổ chức khác và của Nhà nước. 

Thứ ba, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Để một tổ chức tham gia vào các quan hệ tài sản với tư cách là chủ thể độc lập thì tổ chức đó phải có tài sản riêng của mình - tài sản độc lập. Tài sản riêng của pháp nhân không chỉ là tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân (như đối với các công ty, các hợp tác xã dù nguồn vốn hình thành có thể khác nhau...) mà có thể được Nhà nước giao cho tổ chức được quyền quản lý của pháp nhân đó. Tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của cá nhân - thành viên của pháp nhân, độc lập với cơ quan cấp trên của pháp nhân và các tổ chức khác. 

Thứ tư, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập, có thể là nguyên đơn, bị đơn trước Tòa án. Với tư cách là một chủ thể độc lập, pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách riêng, có khả năng hưởng quyền và gánh chịu các nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định phù hợp với điều lệ của pháp nhân. 

2. Những bất cập các quy định về pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015

Về khái niệm pháp nhân

Bộ luật Dân sự năm 2015 với tính chất là luật chung nhưng việc định nghĩa về pháp nhân thương mại của BLDS năm 2015 lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân thương mại như sau: “Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên”. Tương tự, “Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên” theo khoản 1 Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015. Pháp nhân thương mại được hiểu là “... pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Xét quy định này cho thấy, theo cách quy định trên đây của BLDS năm 2015, có thể hiểu pháp nhân thương mại là tổ chức có mục tiêu chính là tìm lợi nhuận và tổ chức này phải có từ hai thành viên trở lên, vì lợi nhuận tìm thấy được chia cho các thành viên. Với quy định này, đã phủ nhận công ty TNHH một thành viên không phải là pháp nhân thương mại. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty)” theo khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Quy định này chưa thực sự chính xác, dẫn đến bỏ sót một pháp nhân thương mại phổ biến trên thực tế, bất cập này xuất phát từ những lý do sau:

Một là, công ty TNHH một thành viên là một pháp nhân. Trước hết, để trở thành một pháp nhân thương mại thì tổ chức đó phải là một pháp nhân và công ty TNHH là một pháp nhân, bởi lẽ nó thỏa mãn các điều theo quy định khi nó là một tổ chức kinh tế, được thành lập theo quy định của pháp luật, có cơ cấu tổ chức và điều quan trọng là có sự tách bạch giữa tài sản của công ty với tài sản của chủ sở hữu.

Hai là, công ty TNHH một thành viên có mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận, thỏa mãn điều kiện trở thành một pháp nhân thương mại. Nghiên cứu so sánh cho thấy, để nhận biết một pháp nhân thương mại thì cần biết mục tiêu chính của pháp nhân đó có tìm kiếm lợi nhuận không và điều này được nhiều nước theo các truyền thống pháp luật khác nhau trên thế giới áp dụng. Thực tế, ở Việt Nam, BLDS năm 2015 cũng đã dựa vào mục tiêu chính là vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận (thương mại hay phi thương mại) để xác định pháp nhân thương mại. Do đó, xét về khía cạnh cơ cấu tổ chức, sự độc lập về tài sản, về mục tiêu hoạt động và thực tiễn tồn tại, cho phép khẳng định công ty TNHH một thành viên là một pháp nhân thương mại. 

Về phân loại pháp nhân

Thay đổi về phân loại pháp nhân cho thấy sự tiến bộ hơn của BLDS 2015 so với BLDS hiện hành thể hiện ở việc không còn liệt kê các dạng pháp nhân, phù hợp với pháp luật về pháp nhân của một số quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, phân loại pháp nhân của BLDS 2015 theo tiêu chí “mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận” của pháp nhân thương mại và “không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, không phân chia lợi nhuận cho các thành viên” của pháp nhân phi thương mại là chưa phù hợp:

Một là, quy định “không phân chia lợi nhuận cho các thành viên” sẽ trở thành rào cản lớn cho các pháp nhân phi thương mại khi hoạt động phát sinh có lợi, khiến cho mục tiêu xã hội hóa các hoạt động công ích ngày càng trở nên khó khăn trong xu hướng phát triển các hoạt động công ích theo hướng diện chi ngân sách nhà nước đang dần được thu hẹp, hệ thống doanh nghiệp hoạt động công ích với nguồn vốn xã hội hóa ngày càng tăng.

Hai là, Điều 76 BLDS 2015 quy định: “Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên”. Điều 76 không bao quát được những pháp nhân hoạt động để tìm kiếm lợi nhuận nhưng sử dụng lợi nhuận đó vì những mục tiêu, lợi ích chung hay lợi ích công, quy định này đồng nhất việc tìm kiếm lợi nhuận với mục tiêu hoạt động của pháp nhân trong khi việc tìm kiếm lợi nhuận và việc sử dụng lợi nhuận tìm kiếm được là hai vấn đề hoàn toàn khác.

Hiện nay ở Việt Nam còn có rất nhiều quỹ có tư cách pháp nhân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và để phục vụ các lợi ích công cộng như “quỹ tài chính công ngoài ngân sách nhà nước”. Ví dụ: Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ Phòng chống tội phạm,… Các quỹ này hoạt động phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý, vì vậy nhiều quỹ được cho phép sử dụng nguồn vốn để đầu tư sinh lợi nhằm đáp ứng những yêu cầu đó. Như vậy, với quy định Điều 76 BLDS 2015, các quỹ tài chính công ngoài ngân sách nhà nước có được coi là các pháp nhân phi thương mại hay không vẫn còn chưa rõ ràng. Mặc dù khoản 2 Điều 76 BLDS 2015 có liệt kê một số pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. Việc đưa ra khái niệm không rõ ràng sẽ rất khó khăn trong việc xác định các pháp nhân phi thương mại khác ngoài quy định liệt kê của khoản 2 Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015

Việc phân chia pháp nhân nên theo tiêu chí phân mục đích hoạt động chính sẽ hợp lý hơn. Theo đó “Pháp nhân phi thương mại hoạt động với mục đích chính là hoạt động công ích, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình hoặc do mình quản lý”, “Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục đích lợi nhuận”, pháp nhân vừa có mục đích hoạt động công ích, vừa có mục đích lợi nhuận thì phần kinh doanh có lợi nhuận sẽ được áp dụng các quy định như pháp nhân thương mại để tránh trường hợp một số doanh nghiệp công ích lợi dụng các ưu đãi của Nhà nước để thực hiện các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại được hưởng các quy chế tài chính, thuế như loại hình kinh doanh phi lợi nhuận.

Về đại diện pháp nhân

BLDS 2015 quy định đại diện pháp nhân có thể là cá nhân, pháp nhân. BLDS 2015 đã mở rộng phạm vi người đại diện cho pháp nhân không còn đơn thuần chỉ là cá nhân, mà còn bao gồm cả pháp nhân, đây là một điểm mới đáng ghi nhận. Theo Điều 85 BLDS 2015: “Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương IX Phần này”.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 137 BLDS 2015: “Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này”, quy định này phù hợp Luật Doanh nghiệp 2020 (Điều 12) quy định đại diện các mô hình công ty có thể nhiều hơn một người.

Về phạm vi và giới hạn quyền đại diện

Khoản 2 điều 141 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định này nên được bổ sung thêm từ “hợp pháp” để phù hợp và đồng bộ với các quy định có liên quan, cụ thể là “thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích hợp pháp của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Tiếp đó, khoản 3 Điều 141 BLDS 2015 nên được điều chỉnh lại để bao quát các trường hợp đại diện và không trùng lặp từ. Cụ thể là: “Cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân, pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh bên được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là đại diện của bên đó”.

Về vấn đề không có quyền đại diện và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự do bên không có quyền đại diện xác lập, thực hiện

Điều 142 BLDS 2015 quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện. Về điểm b khoản 1 Điều 142 BLDS 2015, “Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý” quy định trong thời gian hợp lý là khoảng thời gian không xác định rõ sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng.

Về thành lập, vận hành và tổ chức lại pháp nhân

Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của BLDS năm 2015 với tư cách là đạo luật chung và Luật Doanh nghiệp với tư cách là luật điều chỉnh các quan hệ đặc thù và thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy định này cho phép chúng ta hiểu, để điều chỉnh hành vi của pháp nhân thương mại thì những quan hệ đặc thù như thành lập, tổ chức hoạt động, hành vi tìm kiếm lợi..., sẽ thuộc sự điều chỉnh của luật chuyên ngành, những vấn đề không được quy định hoặc không thuộc đối tượng điều chỉnh thì áp dụng BLDS năm 2015 để xác định. Cách quy định này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phổ biến của các nước trên thế giới. Để diễn đạt nội hàm của quy định tại khoản 3 Điều 75 thì các nhà lập pháp đã quy định: “Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Ngược lại, chúng ta chỉ cần quy định: “Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”, như vậy người đọc sẽ hiểu là những vấn đề đặc thù liên quan đến thành lập, hoạt động chấm dứt của pháp nhân thương mại sẽ được điều chỉnh bởi các văn bản chuyên ngành và đương nhiên trong đó có Luật Doanh nghiệp, ngược lại những vấn đề không được các văn bản này điều chỉnh thì áp dụng BLDS năm 2015.

Về tổ chức lại pháp nhân, các điều luật từ Điều 88 đến Điều 91 của BLDS 2015 chỉ giải quyết mối quan hệ giữa pháp nhân cũ và pháp nhân mới khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách và chuyển đổi mà chưa đề cập đến giải quyết mối quan hệ giữa pháp nhân cũ và pháp nhân mới đối với quyền và lợi ích đã được xác định trước thời điểm trên giữa các pháp nhân này đối với bên thứ ba. Mặt khác, các quy định liên quan đến tổ chức lại pháp nhân của BLDS 2015 cũng chưa đưa ra khái niệm về tổ chức lại cũng như khái niệm về khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách và chuyển đổi pháp nhân. Điều này là hết sức quan trọng vì sẽ đảm bảo tính ổn định và mang tính chất điều chỉnh chung của pháp luật dân sự.

3. Định hướng hoàn thiện các quy định về pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015

Thứ nhất, đáp ứng được việc phân loại pháp nhân dựa vào mục tiêu tìm kiếm hay không tìm kiếm lợi nhuận theo tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, theo giải pháp đề xuất thì để xác định pháp nhân thương mại, chúng ta chỉ cần xác định hai tiêu chí: (i) Chuyên tiến hành các hành vi thương mại (hành vi có tính chất thương mại - lợi nhuận, bao gồm hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương); (ii) Và có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận.

Thứ hai, giúp loại bỏ cách quy định mang tính liệt kê không cần thiết tại khoản 2 Điều 75 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Bởi lẽ, với đề xuất này, cho phép chúng ta khi xác định pháp nhân thương mại chỉ cần căn cứ vào khoản 1 Điều 75 để làm rõ hai tiêu chí là: (i) Chuyên tiến hành các hành vi thương mại, và (ii) Mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Với cách quy định như vậy, một pháp nhân nào đó hội tụ hai tiêu chí nêu trên, cho phép kết luận đó là pháp nhân thương mại, thay vì quy định liệt kê không cần thiết như hiện nay.

Thứ ba, đề xuất sửa đổi theo hướng chỉ cần khoản 2 Điều 75 quy định: “Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Đề xuất này đã loại bỏ cụm từ “Luật Doanh nghiệp”, cách quy định này giúp chủ thể thực thi hoàn toàn hiểu được ý đồ của nhà làm luật, cũng như vai trò của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan khi điều chỉnh hành vi của pháp nhân thương mại. Hơn nữa, làm cho câu từ trở nên súc tích, dễ hiểu, phù hợp với nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Thứ tư, mở rộng được nội dung điều chỉnh của quy phạm đối với loại hình công ty TNHH một thành viên, khắc phục được những thiếu sót tại khoản 1 Điều 75 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Bởi lẽ, thì để xác định pháp nhân thương mại, chỉ cần dựa vào hai tiêu chí: (i) Chuyên tiến hành các hành vi thương mại để tìm kiếm lợi nhuận, và (ii) Lấy hoạt động tìm kiếm lợi nhuận làm chính. Dựa vào hai tiêu chí này cho phép chúng ta khẳng định, loại hình công ty TNHH một thành viên là pháp nhân thương mại. Ngược lại, doanh nghiệp xã hội là pháp nhân phi thương mại vì không chuyên tiến hành các hành vi thương mại để làm nghề nghiệp chính của mình mà mục tiêu chính là thực hiện các hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề về môi trường, xã hội vì mục đích cộng đồng.

Hơn nữa, pháp nhân thương mại phải “là pháp nhân đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật Dân sự”, do đó doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân vì không đáp ứng được các điều kiện của một pháp nhân. Giải pháp này giúp hiểu thống nhất quy định giữa Điều 74 và Điều 75 của Bộ luật Dân sự năm 2015, đồng thời không làm thay đổi bản chất của pháp nhân, nhưng lại cho phép Nhà nước có những điều chỉnh phù hợp đối với hành vi của chủ thể vì mục đích lợi nhuận trong đó có loại hình công ty TNHH một thành viên.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

2. Luật Doanh nghiệp 2020;

3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập II, NXB Công an nhân dân, 2015;

4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, 2016.

NGUYỄN PHI HÙNG

Toà án Quân sự Quân khu 4

Thực trạng tranh chấp về nuôi con và cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn

Lê Minh Hoàng