/ Trao đổi - Ý kiến
/ Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Từ năm 2012, lần đầu tiên cụm từ “quấy rối tình dục” được đưa vào Bộ luật Lao động với quy định nghiêm cấm quấy rối tình dục nơi làm việc. Đến năm 2019, Bộ luật Lao động sửa đổi (được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) tiến xa hơn một bước khi có quy định “thế nào là quấy rối tình dục”. Đặc biệt, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động đã quy định rõ về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021.

Tại Điều 9 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động".

Trên cơ sở đó, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP đã dành hẳn Mục 3, với các Điều 84, 85, 86) để quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Theo Điều 84 Nghị định quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

“Nơi làm việc” là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

Điều 86 Nghị định quy định trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong đó, quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở,…

Khi có khiếu nại, tố cáo của người lao động bị quấy rối tình dục thì người sử dụng lao động cũng như cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi nêu trên như thế nào?

Trong vấn đề này có hai trường hợp: Quấy rối tình dục giữa người lao động với người lao động và Quấy rối tình dục giữa người sử dụng lao động với người lao động.

Trong trường hợp, quấy rối tình dục giữa người lao động với người lao động:

- Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo. Trong đó, có tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục và có thể có cả đại diện cho người bị tố cáo. 

Trong tư vấn, có thể cả tư vấn về pháp luật và tư vấn về tâm lý, bảo vệ hạnh phúc riêng tư của các bên có liên quan.

Trong trường hợp quấy rối tình dục giữa người sử dụng lao động với người lao động. Giống như trường hợp trên về mặt biện pháp, nhưng ở đây vai trò chủ động phải là tổ chức đại diện cho người lao động (Công đoàn, Đoàn thanh niên…). Kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và tổ chức đại diện cho người lao động cấp trên.

Nếu nghiêm trọng, cần phải có sự vào cuộc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Ban hỗ trợ pháp lý thuộc Đoàn Luật sư hoặc Hội luật gia trong tỉnh và các cơ quan bảo vệ pháp luật khi xử lý về hành chính hoặc hình sự.

Để giải quyết việc quấy rối tình dục nơi làm việc, cần dựa trên các nguyên tắc về đạo đức, văn hóa, giáo dục, kết hợp với công nghệ, pháp luật; lấy phương pháp chủ động giáo dục, phòng ngừa là chính kết hợp với các chế tài xử phạt và kỷ luật thực thi nghiêm minh, theo đó, có một số giải pháp sau:

- Nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là trong các tổ chức, doanh nghiệp, nơi làm việc …

- Xây dựng và thực hành văn hóa công sở, văn hóa ứng xử nơi công cộng…

- Bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi quấy rối tình dục…

- Có các camera giám sát tại một số nơi làm việc và ở các nơi công cộng …

Luật sư PHAN VĂN VĨNH 
Đoàn Luật sư Tây Ninh

Hà Nội công khai danh sách hàng loạt dự án chậm triển khai sẽ bị thu hồi

Lê Minh Hoàng