/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Quan hệ và hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Hai nhiệm kỳ xây dựng và phát triển

Quan hệ và hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Hai nhiệm kỳ xây dựng và phát triển

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Việc xây dựng mối quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các tổ chức Luật sư quốc tế, tổ chức Luật sư các nước đã được Hội đồng Luật sư toàn quốc xác định cần phải thực hiện song song cùng với các nhiệm vụ quan trọng khác của Liên đoàn. Chủ trương của Liên đoàn là mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế nhưng phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bảo đảm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

  Lễ Ký kết Bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Liên đoàn Luật sư CHLB Đức. 

Ngay từ khi được thành lập vào tháng 5/2009, cùng với những thành tựu rất đáng ghi nhận với vai trò góp phần phát triển đội ngũ Luật sư chất lượng và số lượng, thực hiện nhiệm vụ tự quản được giao, trong hai nhiệm kỳ vừa qua Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn là cầu nối giao lưu của Luật sư Việt Nam với bạn bè quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên cho Luật sư nói riêng và quảng bá hình ảnh của Liên đoàn và giới Luật sư Việt Nam trên trường quốc tế nói chung.

Xây dựng, phát triển quan hệ và hợp tác quốc tế (2009-2014)

Ngay từ khi được thành lập, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động quan hệ và hợp tác quốc tế có hiệu quả: thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức Luật sư của các nước như Canada, Đan Mạch, Thụy Điển, (Cộng hòa Liên bang) CHLB Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, (Cộng hòa Dân chủ nhân dân) CHDCND Lào; ký Bản ghi nhớ với Đoàn Luật sư CHDCND Lào và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

Sau khi trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Luật châu Á Thái Bình Dương (LAWASIA) vào năm 2010, Liên đoàn đã tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ chương trình của các Hiệp hội đó như các Hội nghị thường niên và các hội thảo chuyên môn của LAWASIA.

Trong khuôn khổ Chương trình đối tác tư pháp (JPP) ký giữa Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch, Thụy Điển, EU, Liên đoàn đã tổ chức thành công hàng chục lớp bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm về Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư, về góp ý sửa đổi, bổ sung một số luật, bồi dưỡng chuyên môn cho Luật sư; mở các lớp về truyền thông và quản trị; xây dựng Kế hoạch chiến lược 05 năm của Liên đoàn, Chiến lược truyền thông, Chiến lược phát triển kinh tế bền vững của Liên đoàn, Đề án thành lập Trường đào tạo Luật sư…; tổ chức giao lưu hướng nghiệp với sinh viên luật một số trường đại học trong cả nước.

Một thành tựu đáng phải kể đến trong công tác hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là việc xây dựng quan hệ mật thiết và vững chắc với Hiệp hội Luật sư Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong khuôn khổ của Dự án hỗ trợ cải cách pháp luật và tư pháp, Liên đoàn đã cùng với các Luật sư của Hiệp hội Luật sư Nhật Bản và chuyên gia của JICA tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu và làm việc ở một số tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung và phía Nam nhằm đánh giá những khó khăn trong hoạt động của Luật sư và Đoàn Luật sư tại địa phương để có biện pháp hỗ trợ về chuyên môn, về kinh nghiệm quản lý và về cơ sở vật chất nhằm phát huy năng lực tự quản của các Đoàn Luật sư. Hàng năm, Dự án JICA tài trợ kinh phí cho Liên đoàn tổ chức 01 đoàn đi khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản trong nhiều năm liên tục của Dự án.

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác 03 năm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam và CHLB Đức, Liên đoàn đã tổ chức các đoàn sang khảo sát và làm việc tại CHLB Đức. Đồng thời, Liên đoàn đã đón tiếp một số đoàn công tác của CHLB Đức nhằm tăng cường quan hệ giữa Liên đoàn và các cơ quan tư pháp của CHLB Đức.

Trong công tác đối ngoại và mở rộng quan hệ quốc tế, Liên đoàn đã tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và xây dựng quan hệ đối tác tại Đức, Nhật, Pháp, Anh, Úc; đón tiếp các đoàn khách quốc tế; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế.

Củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ và hợp tác quốc tế (2015-2021)

Bước sang nhiệm kỳ II, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều hoạt động quan hệ và hợp tác quốc tế sâu, rộng và có hiệu quả; đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA) vào năm 2015.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiều chương trình hợp tác và dự án lớn. Điển hình là Chương trình đối tác tư pháp ký giữa Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch, Thụy Điển, EU (Dự án JPP); Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” (Dự án JICA); Chương trình hợp tác 03 năm với CHLB Đức (giai đoạn 2015-2017); Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ (EU JULE); Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 (Dự án JICA).

Nhiệm kỳ II chứng kiến rất nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế được ký kết giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các tổ chức Luật sư tới từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cụ thể là với Hội đồng Luật sư quốc gia Pháp (2017), Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (2018), Liên đoàn Luật sư Liên bang Nga (2019), Trung tâm giải quyết tranh chấp tại Úc (2018), Đoàn Luật sư Tokyo (2019), Hiệp hội Luật sư Malaysia (2019).

Trong hai năm 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác được Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ động, tích cực thực hiện thông qua thư điện tử, trao đổi trực tuyến.

Cụ thể, trong năm 2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ chính thức gia nhập Liên đoàn Luật sư ASEAN (ABC); tiếp tục ký Thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA) và ký Bản ghi nhớ với Liên đoàn Luật sư Liên bang Đức (BRAK) để tiếp tục thúc đẩy quá trình hợp tác song phương, tạo thêm nhiều cơ hội trao đổi giữa Luật sư Việt Nam và Luật sư quốc tế. Đồng thời, Liên đoàn đã tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, duy trì quan hệ hợp tác với tổ chức Luật sư các nước như Nhật Bản, CHLB Đức, Úc...; tham gia hoạt động của Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA) và Hiệp hội Luật châu Á Thái Bình Dương (LAWASIA). Từ đó đã đóng góp vào hoạt động đối ngoại nhân dân theo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nâng cao vị thế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nước và quốc tế. Việc tham dự các hội nghị thường niên của tổ chức mà Liên đoàn là thành viên cũng được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Trong năm 2021, Liên đoàn cũng đã phối hợp với các Hiệp hội Luật sư của Hoa Kỳ, CHLB Đức và Nhật Bản tổ chức các hội thảo theo hình thức trực tuyến nhằm nâng cao kiến thức của Luật sư về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ thông qua các bài giảng của các Luật sư chuyên gia. Đội ngũ Luật sư qua đó đã được cập nhật thêm nhiều thông tin và kinh nghiệm quốc tế về pháp luật cũng như nghề Luật sư ở các nước phát triển. Các kiến thức và kinh nghiệm thu được tại các hội thảo này là thiết thực, bổ ích, giúp cho các Luật sư nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề.

Quan hệ và hợp tác quốc tế trong thời gian tới - cơ hội và thách thức

Công tác đối ngoại, hợp tác và quan hệ quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong hai nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ II đã giúp Liên đoàn và các Luật sư Việt Nam có cơ hội trực tiếp tham gia, xây dựng và tăng cường sự hiểu biết về kinh nghiệm hành nghề, pháp luật của các nước có liên quan, góp phần nâng cao trình độ, năng lực cho giới Luật sư nói chung, cho các Luật sư có điều kiện tham gia trực tiếp nói riêng và đặc biệt là đã càng ngày càng nâng cao vị thế của Liên đoàn Luật sư và giới Luật sư Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.

Có được những thành tựu nêu trên, ngoài sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Liên đoàn, Chủ tịch Liên đoàn, các Đoàn Luật sư địa phương và giới Luật sư, phải kể đến sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan hữu quan, trên hết là Ban Bí thư, và kế là Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành khác ở trung ương và địa phương.

Những thành tựu của công cuộc cải cách tư pháp vừa qua đã và đang tiếp tục nâng cao tầm quan trọng, sự ảnh hưởng và vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ công lý, quyền con người và tăng cường tiếp cận công lý. Bảo đảm tranh tụng đã trở thành nguyên tắc hiến định. Chỗ ngồi của Luật sư tại phiên tòa dù chỉ là hình thức nhưng cũng đã thể hiện vị trí của Luật sư trong quá trình tranh tụng. Các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hình sự… đã tạo cho Luật sư những căn cứ và điều kiện nhất định để có thể phát huy vai trò của mình…

Với bối cảnh đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói riêng và giới Luật sư Việt Nam nói chung sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, công tác đối ngoại, quan hệ và hợp tác quốc tế trong thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh các thách thức chung về an ninh, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của quá trình định hình lại cấu trúc chính trị, kinh tế thế giới như Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã nêu rõ tại Hội nghị công tác đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ngày 14/12/2021 vừa qua.

Cũng tại Hội nghị nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tầm quan trọng và đặt ra nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại trong thời gian tới đây là “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.

Điều đó đòi hỏi Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có định hướng công tác đối ngoại, mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế trong thời gian tới phù hợp với chiến lược và định hướng đối ngoại chung của đất nước, đường lối của Đảng để tiếp tục huy động được các nguồn lực bên ngoài, nâng cao vị thế và uy tín của giới Luật sư chúng ta, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Tiến sĩ, Luật sư LƯU TIẾN DŨNG

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Nghề Luật sư ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai

Lê Minh Hoàng