/ Pháp luật - Đời sống
/ Quyền và nghĩa vụ của người liên quan trong vụ án hình sự

Quyền và nghĩa vụ của người liên quan trong vụ án hình sự

02/09/2024 06:43 |

(LSVN) - Trong vụ án hình sự, người tham gia tố tụng bao gồm: bị can, bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người chứng kiến, người bào chữa,… Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các quy định pháp luật về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

Ảnh minh họa.

Xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người không tham gia vào việc thực hiện tội phạm hoặc có tham gia vào việc thực hiện tội phạm mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải đưa vào tham gia tố tụng để xử lý theo pháp luật về quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ có liên quan đến tội phạm hoặc quyền lợi, nghĩa vụ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án.

Trong thực tiễn xét xử có các cách sau đây để xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án như:

Trường hợp 1: A. mượn xe môtô của anh B. để đi cướp tài sản (anh B. không biết A. dùng xe môtô để đi cướp tài sản). Khi A. đang cướp tài sản thì bị bắt quả tang. Cơ quan điều tra đã thu giữ chiếc xe môtô của anh B. Trong trường hợp này xác định anh B. là người có quyền lợi liên quan đến vụ án vì anh B. có quyền yêu cầu các cơ quan tố tụng trả lại chiếc xe môtô cho mình nhưng trong trường hợp này anh B. không phải là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Trường hợp 2: A trộm cắp tài sản là 01 chiếc điện thoại di động, sau đó A. đã cho chị C.( bạn gái A.), trong trường hợp này xác định chị C. tham gia tố tụng với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Chị C. có nghĩa vụ giao nộp chiếc điện thoại di động cho cơ quan điều tra hoặc trả lại tài sản cho người bị hại.

Trường hợp 3: A. mượn xe môtô của anh D. để đi cướp tài sản (anh D. không biết A. mượn xe đi cướp tài sản), sau khi cướp xong A. đã cho anh D. 01( một) chiếc điện thoại di động (A. nói là của A. không dùng nên cho anh D.). Trong trường hợp này anh D. vừa là người có quyền lợi liên quan đến vụ án, đó là yêu cầu được nhận lại chiếc xe máy đã cho A. mượn, nhưng ngoài ra anh D. vừa là người có nghĩa vụ giao nộp chiếc điện thoại di động cho cơ quan điều tra hoặc trả lại tài sản cho người bị hại. Trường hợp này xác định, anh D. tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Do đó, nếu là người có quyền lợi liên quan đến vụ án thì xác định tư cách là người có quyền lợi liên quan, trường hợp nếu chỉ có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan, trường hợp vừa là người vừa có quyền lợi, vừa có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì xác định tư cách tham gia tố tụng của họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án

Căn cứ theo khoản 2 Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự:

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ có quyền:

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

c) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

d) Tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;

đ) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

g) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình;

h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

i) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền được cơ quan tiến hành tố tụng thông báo về quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như được giải thích rõ ràng về các quyền và nghĩa vụ mà mình phải thực hiện trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Họ có quyền tham gia vào các hoạt động tố tụng có liên quan, như cung cấp chứng cứ, tài liệu, yêu cầu giám định, định giá tài sản và có mặt tại phiên tòa xét xử. Họ cũng có quyền được thông báo về thời gian, địa điểm phiên tòa và tham gia xét hỏi, tranh luận tại tòa hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi các quyết định của Tòa án hoặc hành vi tố tụng, họ có quyền khiếu nại, kháng cáo quyết định của cơ quan tố tụng.

Nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ 

Căn cứ theo khoản 3 Điều 65 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015:

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

b) Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình;

c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Như vậy, Khi nhận được giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền họ có nghĩa vụ phải có mặt đúng thời gian và địa điểm đã được chỉ định, trừ trường hợp có lý do chính đáng hoặc được cơ quan triệu tập cho phép vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu hợp pháp từ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Điều này bao gồm việc có mặt theo giấy triệu tập, cung cấp thông tin, tài liệu hoặc các chứng cứ liên quan theo yêu cầu.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được thực hiện các hành vi cản trở, khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố và xét xử như không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật hoặc có hành vi gây rối, đe dọa đến những người tham gia tố tụng khác. Họ phải trung thực và hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, và chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Kết luận

Quyền và nghĩa vụ của người liên quan trong vụ án hình sự là một phần quan trọng trong quá trình bảo đảm công lý và công bằng. Việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn góp phần góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc làm rõ sự thật của vụ án, đồng thời tăng cường sự tin tưởng của công dân đối với hệ thống tư pháp.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Căn cứ xác định giới hạn xét xử sơ thẩm trong tố tụng hình sự

Nguyễn Hoàng Lâm