/ Đời sống - Xã hội
/ Tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bình đẳng, bền vững

Tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bình đẳng, bền vững

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ sáng 25/10. Ảnh: VGP.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tán thành việc sửa đổi toàn diện luật sau 20 năm thực thi, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi cần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bình đẳng, bền vững hơn.

Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn. 

Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết.  

Góp ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chất lượng dự án luật và công tác thẩm tra; đồng thời cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng dự án luật. Trong đó, hợp đồng bảo hiểm phải phù hợp điều kiện tới đây là kinh doanh trong môi trường số, điện tử, số hóa. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp Bảo hiểm phải đánh giá kỹ để làm sao nâng chuẩn lên, không chấp nhận công ty bảo hiểm kinh doanh dưới chuẩn từ vốn đến quản trị.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát đảm bảo cân đối, hài hòa hơn, kể cả nhân thọ, phi nhân thọ, vi mô, tái bảo hiểm... Trong bảo hiểm phi nhân thọ chú ý sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

Ngoài ra, về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát theo hướng bình đẳng cả người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Trước hết phải hoàn thiện chủ thể pháp lý, phải phù hợp luật gốc là pháp luật dân sự, phù hợp đặc thù kinh doanh bảo hiểm và kể cả xử lý tranh chấp trong lĩnh vực này.

LINH NHI

Năm 2022 sẽ thanh tra công tác phòng, chống Covid-19

Lê Minh Hoàng