/ Dọc đường tố tụng
/ Thừa Thiên – Huế: Bắt giữ đối tượng chuyên thực hiện hành vi 'Trộm cắp tài sản'

Thừa Thiên – Huế: Bắt giữ đối tượng chuyên thực hiện hành vi 'Trộm cắp tài sản'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) -Tại trụ sở Công an phường, đối tượng Hồ Viết Dũng đã khai nhận hành vi "Trộm cắp tài sản" của mình. Được biết, Dũng là đối tượng từng có 01 tiền án và 01 tiền sự về hành vi "Trộm cắp tài sản".

Thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Hồ Viết Dũng.

Ngày 30/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hồ Viết Dũng, sinh năm 1988, trú tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế có hành vi "Trộm cắp tài sản".

Theo đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an phường Phú Hòa, TP. Huế nắm được, tại công viên Thương Bạc người dân thường đến tập thể dục, để lại nhiều tài sản như điện thoại, tiền… trong cốp xe mô tô và thường xuyên bị kẻ gian móc cốp lấy trộm.

Trước tình hình đó, Công an phường Phú Hòa đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, vào lúc 19h ngày 05/10/2020, Tổ công tác Công an phường mật phục, đã phát hiện Hồ Viết Dũng có hành vi móc cốp xe, lấy trộm 01 điện thoại Iphone 7 Plus của Chị Trần Nguyễn Nhật Tiên, trú tại phường Thuận Lộc. Phát hiện lực lượng Công an, Dũng bỏ chạy.

Tuy nhiên, Tổ công nhanh chóng truy đuổi, bắt được Dũng đồng thời thu giữ tang vật.

Tại trụ sở Công an phường, Dũng đã khai nhận hành vi "Trộm cắp tài sản" của mình, Dũng là đối tượng có 01 tiền án và 01 tiền sự về hành vi "Trộm cắp tài sản".

Thủ đoạn móc cốp xe để trộm cắp tài sản không phải mới, tuy nhiên không ít người vẫn còn thờ ơ, sơ hở cất giữ tài sản trong cốp xe để xảy ra tình trạng nhiều đối tượng xấu ra tay trộm cắp tài sản.

Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định về tội "Trộm cắp tài sản".
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

HOÀNG NGHĨA

/truy-tim-ke-cuop-dung-sung-ngan-uy-hiep-nhan-vien-ngan-hang-cuop-200-trieu-dong.html