/ Trao đổi - Ý kiến
/ Trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm

Trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia đã coi là đồng phạm, mà nhiều người đó phải cùng cố ý thực hiện một tội phạm, nếu nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không được xem là đồng phạm.

Ảnh minh họa.

Tùy thuộc vào quy mô, tính chất mà trong vụ án có đồng phạm những người phạm tội có thể giữ vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức (khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự (BLHS). Khoản 3 Điều 17 BLHS 2015 quy định: “Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm”.

1. Trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành

So với BLHS 1999 thì BLHS 2015 có bổ sung trường hợp “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành” quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015.

Thực tiễn cho thấy, không phải bao giờ người thực hành cũng thực hiện đúng những hành vi do các đồng phạm khác đặt ra. Có trường hợp người thực hành tự ý không thực hiện tội phạm hoặc tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm, nhưng cũng không có ít trường hợp người thực hành tự ý thực hiện những hành vi vượt quá yêu cầu của các đồng phạm khác đặt ra. Đây được xem là hành vi vượt quá của người thực hành.

Qua lý luận cũng như thực tiễn xét xử đã khẳng định, hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm và hậu quả của hành vi đó gây ra chỉ người thực hành phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, khi xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp này, chúng ta chỉ có thể nghiên cứu nội của sự vượt quá mà người thực hành đã gây ra. Hành vi vượt quá của người thực hành là hành vi mà những người đồng phạm khác không mong muốn. Theo khoa học luật hình sự chia hành vi vượt quá ra làm hai loại chính: vượt quá về chất lượng của hành vi và vượt quá về số lượng của hành vi.

Vượt quá về chất lượng của hành vi là trường hợp người thực hành trong vụ án có đồng phạm thực hiện hành vi vượt quá đó không có cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện, nếu hành vi vượt quá cấu thành tội phạm thì tội phạm đó không cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện.

Vượt quá về số lượng hành vi là trường hợp người thực hành trong vụ án có đồng phạm thực hiện hành vi vượt quá mà hành vi đó có cùng tình chất với hành vi phạm tội mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện.

Việc phân biệt hai loại hành vi vượt quá như trên chỉ có ý nghĩa trong nghiên cứu khoa học, còn trong thực tế xét xử thì những người đồng phạm khác đều không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

2. Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng

Đây là một trong những quy định mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015 so với các BLHS trước đó. Dù các BLHS trước đây chưa có quy định, nhưng về mặt lý luận cũng như thực tiễn xét xử đều thừa nhận chế định này khi cần phải xem xét đến trách nhiệm hình sự của người thực hành cũng như những đồng phạm khác trong vụ án có đồng phạm. Tuy đã có quy định cụ thể trong BLHS 2015 những việc áp dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với vụ án phạm tội có tổ chức, khi xác định những người đồng phạm khác có phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người thực hành hay không cũng có nhiều phức tạp.

Bởi vì, trong quá trình thực hiện tội phạm, người thực hành có nhiều hành vi nhằm đạt được mục đích mà những người đồng phạm khác mong muốn, trong đó có những hành vi được những người đồng phạm khác biết trước và đồng tình, nhưng cũng có những hành vi không được các đồng phạm khác biết trước, không mong muốn hậu quả của những hành vi đó xảy ra nhưng thái độ bỏ mặc, muốn ra sao thì ra.

Ví dụ: Nguyễn Đình A. và Phạm Văn B. bàn nhau về việc cướp tài sản nhà chị P. A. và B. đến nhà trói và nhét giẻ vào trong miệng chị P. A. đi lấy đồ còn B. canh giữ chị P. Do chị P. giãy dụa nên giẻ bị tuột ra, sợ P. kêu cứu nên B. đã bóp cổ P. làm P. bị chết ngạt. Trong trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền có quan điểm khác nhau cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi bóp cổ chị P. của B. là hành vi vượt quá của người thực hành, đồng thời, hành vi này đã cấu thành một tội phạm khác với tội phạm mà cả hai có ý định thực hiện (tội “Giết người” so với tội “Cướp tài sản”) nên B. phạm tội giết người và tội cướp tài sản, còn A. không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của B. nên chỉ phạm tội “Cướp tài sản”. 

Quan điểm thứ hai cho rằng, tuy không bàn bạc với nhau là giết P. nhưng A. bỏ mặc cho B. hành động và không quan tâm đến hậu quả do hành vi đó gây ra, hơn nữa mục đích của B. bóp cổ P. là nhằm tránh bị phát hiện, giúp việc phạm tội được trót lọt điều mà A. cũng mong muốn. Do đó, trong trường hợp này A. cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người của B.

Theo chúng tôi, hành vi bóp cổ chị P. của B. là hành vi dùng vũ lực, dấu hiệu của tội cướp tài sản. Ngoài ra, hành vi này của B. nhằm giúp tội phạm trót lọt, điều mà A. cũng mong muốn, hơn nữa, A. đã bỏ mặc cho B. hành động mà không quan tâm hậu quả xảy ra. Vì vậy, trường hợp này A. cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” do hành vi của B. gây nên.

Thứ hai, thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều trường hợp chỉ căn cứ đơn thuần vào lời nói hoặc hành động của đồng phạm khác (xúi giục, giúp sức…) nhận thấy họ bỏ mặc cho người thực hành thực hiện hành vi phạm tội nên đã buộc những người này phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi vượt quá của người thực hành gây ra. 

Ví dụ: P. với A. là bạn học cùng lớp, trong quá trình học tập tại trường thì P. thường xuyên bị A. đánh đập và trấn lột tiền. Bị như vậy nên P. có về tâm sự với Q. anh trai của P. và cũng là người có “máu mặt” ở địa phương. Nghe P. kể vậy, Q. liền bảo D. và K. là hai đàn em của mình rằng: “đánh cho nó một trận để lần sau nó không dám bắt nạt em tao nữa, bọn mày bắt nó trả lại tiền cho tao”. Nghe theo lời của Q., D. và K. đã chặn đường và đánh đập A. dã man, được người dân mang đi cấp cứu nhưng A. bị chết do đa chấn thương. 

Trường hợp này, có người cho rằng Q. đã biết trước và bỏ mặc cho D. và K. thực hiện hành vi của mình. Hơn nữa, nguyên nhân hành vi của D và K là do Q. bảo “đánh cho nó một trận để lần sau nó không dám bắt nạt em tao nữa, bọn mày bắt nó trả lại tiền cho tao”. Vì vậy, trường hợp này Q. phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với vai trò là đồng phạm. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ nội dung câu nói của Q. ta thấy mục đích đánh A. là nhằm đe dọa, dằn mặt A. để lần sau A. không bắt nạt P. nữa đồng thời bắt A. trả lại tiền mà A. đã trấn lột P, vì vậy, trường hợp A chết thì Q sẽ không đạt được mục đích là bắt A phải trả lại tiền. Cho nên, việc D. và K. đánh A. chết là hành vi vượt quá của người thực hành, hậu quả xảy ra ngoài mục đích của Q. Trong trường hợp này Q. sẽ không phải chịu TNHS về tội “Giết người” với vai trò là người xúi giục. Tuy nhiên, căn cứ vào hành vi của Q. thì Q. sẽ bị truy cứu TNHS về tội “Cố ý gây thương tích”.

Thứ ba, việc xác định nguyên nhân gây ra hậu quả của hành vi vượt quá có cùng tính chất với tội phạm mà các đồng phạm cùng bàn bạc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Ví dụ: T., Đ., H. cùng bàn bạc để đánh K. do có thù hằn cá nhân. Khi gặp K. thì cả ba đều chạy lại dùng tay chân và gậy đánh đập K. Thấy K gục tại chỗ nên T. bảo Đ. và H.: “Thôi dừng lại, nếu đánh nữa nó chết đấy” sau đó bỏ đi. Nhưng Đ. và H. vẫn ở lại đá vào đầu và bụng K. cho đến khi K. ngất đi mới bỏ đi. Hậu quả K. bị chết. Giám định pháp y kết luận H. chết do bị vỡ lá lách, chảy máu trong, phổi xung huyết mất máu cấp. 

Trong trường hợp này, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của K là gì? Vỡ lá lách hay chảy máu trong hay do mất máu cấp? Sở dĩ việc xác định nguyên nhân chính dẫn đến K. chết giúp xác định được trách nhiệm hình sự của T. Đ. và H. đương nhiên chịu TNHS về tội “Giết người” bởi vì hai người này tham gia đánh K. từ đầu đến cuối. Còn với T., người này phải chịu TNHS về tội giết người với vai trò là người thực hành hay chỉ phải chịu TNHS về tội “Cố ý gây thương tích”?

Hiện nay, ở chính các cơ quan có thẩm quyền còn có nhiều ý kiến khác nhau về trường hợp này. Bởi vì, hai tội này có cùng tính chất và nguyên nhân chính dẫn đến việc K. không được xác định rõ, điều này dẫn đến khó khăn khi đưa ra quyết định về TNHS của T.

LÊ NGỌC NAM

Bàn về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm trong trường hợp kết án sai tội danh

Lê Minh Hoàng