/ Pháp luật - Đời sống
/ Trách nhiệm pháp lý của người đưa ra quyết sách đầu tư sai gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng tiền nhà nước

Trách nhiệm pháp lý của người đưa ra quyết sách đầu tư sai gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng tiền nhà nước

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã quyết định đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào nhà máy Xi măng Đại Việt. Nhưng vì nhiều lý do nên gần chục năm qua nhà máy Xi măng Đại Việt không thể hoạt động nhuần nhuyễn. Vậy việc đầu tư của Công ty Xi măng Bỉm Sơn gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng tiền của nhà nước sẽ được xem xét trách nhiệm pháp lý của người đưa ra quyết sách này đến đâu?

Công ty Xi măng Bỉm Sơn.

Quyết định đầu tư sai gây thất thoát tài sản nhà nước

Ngành công nghiệp sản xuất xi măng ở Việt Nam là một trong số các ngành công nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong những năm qua, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng được coi là một công cụ hoạch định phát triển Ngành. Theo số liệu của Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2025 nền kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ khoảng 6-7%/năm. Từ đó, có thể thấy, đầu tư xã hội sẽ tăng, nhu cầu xây dựng vẫn tăng và nhu cầu về xi măng vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, tiềm năng không có nghĩa cứ đầu tư sẽ thắng lợi, ngược lại, có những dự án đang tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng tiền nhà nước nhưng vẫn hoạt động ì ạch, không hiệu quả. Điều đó đánh giá về vai trò, năng lực điều hành và đặc biệt là quyết sách đầu tư ngay từ ban đầu của cán bộ “cầm cân, nẩy mực”. Dưới đây là một dự án đang đặt ra nhiều câu hỏi về những vai trò quan trọng đó, từ đó đặt ra câu chuyện pháp lý về trách nhiệm của người đưa ra quyết sách đầu tư.

Với lý do thực hiện chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo sức cạnh tranh của thương hiệu xi măng tại địa bàn khu vực miền Trung, năm 2012, Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã quyết định đầu tư vào nhà máy Xi măng Đại Việt tại Quảng Ngãi (thuộc Công ty CP Xi măng Miền Trung).

Khi đó, theo đánh giá của lãnh đạo Công ty Xi măng Bỉm Sơn thì việc đầu tư vào nhà máy Xi măng Đại Việt có rất nhiều lợi thế như đây là khoản đầu tư đúng lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên Công ty Xi măng Bỉm Sơn có thể tận dụng được nguồn clinker dồi dào, tận dụng được đội ngũ cán bộ quản lý, kĩ thuật giàu kinh nghiệm. Hơn nữa vị trí nhà máy Xi măng Đại Việt nằm tại khu kinh tế Dung Quất nên rất thuận lợi cho giao thương.

Tháng 6/2012, Công ty Xi măng Bỉm Sơn cũng đã thành lập Đoàn Khảo sát đánh giá các chỉ tiêu kinh tế, kĩ thuật của nhà máy nghiền Xi măng Đại Việt, cũng như xác định giá trị tài sản, đánh giá hiệu quả dự án. Vào cuối năm 2012, Công ty Xi măng Miền Trung và Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã kí Biên bản Thương thảo Hợp đồng thống nhất các nội dung về việc mua bán cổ phần của Công ty Xi măng Miền Trung.

Ngày 06/4/2013, hai bên chính thức kí Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, theo đó Công ty Xi măng Bỉm Sơn sẽ nắm giữ 76,8% cổ phần chi phối tại Công ty Xi măng Miền Trung.

Ngày 03/5/2013, với tư cách là Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Bỉm Sơn, ông Bùi Hồng Minh đã có văn bản gửi Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nắm giữ cổ phần.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên, sau đó người dân địa phương khiếu nại nhà máy gây ô nhiễm môi trường và đã liên tục ngăn cản hoạt động vận chuyển của các phương tiện ra vào nhà máy khiến nhà máy phải đóng cửa trong thời gian dài.

Trước đó, năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đặt vấn đề di rời nhà máy nếu không giải quyết ô nhiễm môi trường. Năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo Công ty CP Xi măng Miền Trung phải khắc phục cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường tại nhà máy Xi măng Đại Việt – Dung Quất. Nhưng vì nhiều lý do (trong đó có lý do kĩ thuật, công nghệ) nên gần chục năm qua nhà máy Xi măng Đại Việt không thể hoạt động nhuần nhuyễn. Ngay trong năm 2015, 2016 mỗi năm nhà máy Xi măng Đại Việt đã phải chịu lỗ trên 30 tỉ đồng. Những năm sau này tình trạng kết quả sản xuất kinh doanh càng ngày càng thua lỗ hơn.

Năm 2021, kết quả kinh doanh của Xi măng Miền Trung lỗ trên 27 tỉ đồng và tính đến ngày 31/12/2021 lỗ lũy kế trên 277 tỉ đồng.

Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với Công ty Xi măng Miền Trung số tiền lên tới hàng trăng tỉ đồng.

Vậy quyết định đầu tư sai lầm ở Công ty xi măng Bỉm Sơn gây thất thoát tài sản nhà nước, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Không chỉ thua lỗ, thất thoát, nhiều khoản đầu tư ở các công ty con thuộc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VCEM) còn có dấu hiệu sai phạm. Trước đó, Cục Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi Tổng Công ty Xi măng Việt Nam yêu cầu có thông tin, tài liệu cung cấp cho Cục về dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến việc cho vay vốn tại Công ty CP Tài chính Xi măng (CFC).

Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 857/BXD- VP yêu cầu VCEM kiểm tra làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc mất vốn Nhà nước tại CFC.

Theo đó, tháng 5/2008, CFC được thành lập với vốn điều lệ 300 tỉ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) là cổ đông sáng lập góp 120 tỉ đồng (40% vốn điều lệ). Đến năm 2010, CFC tăng vốn lên xấp xỉ 605 tỉ đồng, VICEM cũng góp vốn tăng lên 240 tỉ đồng. Theo giấy phép thành lập và hoạt động thì CFC được  phép: Huy động vốn; cho vay; cấp tín dụng; mở tài khoản…

Năm 2009, Công ty CP Med Aid Công Minh thành lập. CFC cũng tham gia góp vốn 2,15 tỉ đồng và là cổ đông sáng lập của Công ty CP Med Aid Công Minh.

Ngày 31/8/2010, CFC ký hợp đồng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỉ đồng. Cụ thể, theo Hợp đồng hạn mức tín dụng số 24/2010/TDH/CFC-MCM thì CFC cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỉ đồng.

Mục đích vay của Công ty CP Med Aid Công Minh là để thực hiện dự án Trung tâm ung bướu và y khoa hạt nhân - Bệnh viện nhân dân 115, TP. Hồ Chí Minh. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty CP Med Aid Công Minh là buôn bán trang thiết bị y tế…

Công ty CP Med Aid Công Minh dù nhận được 80 tỉ đồng tiền vay của CFC một cách nhanh chóng nhưng kinh doanh liên tục thua lỗ. Đến cuối năm 2015, khoản nợ của Công ty CP Med Aid Công Minh đã lên tới gần 94 tỉ đồng và bị liệt vào nhóm “nợ xấu”.

Sau đó, CFC bán khoản nợ này cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam với giá 80 tỉ đồng (CFC thiệt hại gần 14 tỉ đồng).

Vấn đề pháp lý trong quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tài sản nhà nước được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng. Quá trình quản lí, sử dụng tài sản của nhà nước phải đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm. Hành vi vi phạm có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội, gây thất thoát lãng phí đối với tài sản nhà nước cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự.

Theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" như sau: 

“1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Tội phạm này có các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản sau:

- Chủ thể của tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí": Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước).

- Khách thể của tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí": Tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị).

Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị: máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.

- Mặt chủ quan của tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí": Tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Có nghĩa là, người thực hiện hành vi vi phạm, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

- Mặt khách quan của tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí": Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tài sản.

Hành vi trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Gây thất thoát, lãng phí tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

- Dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Hậu quả của hành vi: gây thiệt hại về tài sản.

PV

Cần làm rõ các vấn đề pháp lý trong nghi án hàng chục tỉ đồng vốn Nhà nước tại CFC có nguy cơ biến mất

Lê Minh Hoàng