/ Luật sư trực ban
/ Vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong do bị bạo hành: Xử lý về tội danh gì?

Vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong do bị bạo hành: Xử lý về tội danh gì?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.

Hình ảnh bé gái 8 tuổi V.A. với nhiều vết bầm tín nghi do bị đánh.

Xử lý nghiêm vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong do bị bạo hành

Liên quan đến việc bé N.T.V.A. (sinh năm 2013, tạm trú tại một căn hộ chung cư Topaz 2, Saigon Pearl, phường 22, quận Bình Thạnh) nghi bị bạo hành dẫn đến tử vong, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn chỉ đạo Công an thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm các cá nhân liên quan.

Đồng thời, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi, hướng dẫn UBND quận Bình Thạnh thực hiện hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp theo quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; đồng thời theo sát tiến độ xử lý, báo cáo tổng hợp theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phòng, chống bạo lực với trẻ em, không để xảy ra vụ việc tương tự trên địa bàn. Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan có liên quan phải khẩn trương thực hiện.

Trước đó, trưa ngày 28/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với nghi phạm Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Nạn nhân là bé N.T.V.A.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 19 giờ ngày 22/12, cơ quan chức năng nhận được tin báo từ một bệnh viện ở phường 22, quận Bình Thạnh với nội dung tại bệnh viện có cấp cứu một bé gái trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã chết trước khi vào bệnh viện. Nhận được tin báo, nhiều đội nghiệp vụ Công an quận Bình Thạnh phối hợp Công an phường 22 xuống bệnh viện ghi nhận lời khai những người liên quan, điều tra làm rõ vụ việc.

Khi kiểm tra thi thể, bác sĩ ghi nhận cháu bé có những vết thâm bầm lớn khắp nơi trên cơ thể. Ngoài ra, bé còn có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Từ những vết thương đó, cơ quan chức năng nghi vấn cháu bé bị đánh đập dẫn đến tử vong.

Sẽ xử lý về tội danh gì?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, tùy thuộc vào hành vi cụ thể mà người phụ nữ đã hành hạ dẫn đến cháu bé tử vong sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hành hạ người khác", tội "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người".

Trong vụ việc này bé gái mới chỉ 8 tuổi, là người chưa thành niên và là trẻ em nên được pháp luật quy định rất cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ, những người thân thích, gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.

Trường hợp những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo quy định pháp luật như cha, mẹ, ông, bà, thầy cô giáo... mà có hành vi đối xử tàn ác đối với trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của trẻ em (nhưng không phải là hành vi gây thương tích hoặc sát hại trẻ em) thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hành hạ người khác" theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Theo Luật sư Cường, trong vụ việc này, nạn nhân là trẻ em và thiệt mạng do bị người khác đánh đập nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của người đã đánh đập cháu bé, làm rõ hung khí mà đối tượng sử dụng để đánh đập nạn nhân và diễn biến của từng lần đánh đập để xác định hành vi có thể đến mức làm nạn nhân tử vong hay không, nhận thức của người đánh trẻ em như thế nào để xác định yếu tố lỗi đối với hành vi vi phạm pháp luật này.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người đánh trẻ em nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với tội danh này thì đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tình tiết được áp dụng để định khung hình phạt là phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn nên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Còn trường hợp đối tượng không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến việc nạn nhân tử vong, mục đích chỉ là gây thương tích cho nạn nhân, việc nạn nhân tử vong là ngoài ý chí chủ quan của đối tượng gây án thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố về tội "Cố ý gây thương tích" dẫn đến hậu quả chết người theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với hậu quả cố ý gây thương tích làm nạn nhân thiệt mạng thì đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt quy định tại khoản 5, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt lên đến 15 năm tù.

Vị Luật sư phân tích thêm, theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì người phụ nữ này không phải là mẹ kế của cháu bé, chỉ là bạn gái nên không có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo quy định của pháp luật. Ngoài ra hành vi gây ra rất nhiều tổn thương cơ thể cho nạn nhân dẫn đến việc nạn nhân tử vong thì sẽ không xử lý về các tội "Hành hạ người khác" hoặc "Hành hạ con" theo quy định của pháp luật mà sẽ xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người". Việc xử lý chính xác về tội danh nào thì cơ quan điều tra cần phải thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, nhận thức, ý thức của người thực hiện hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra từ những hành vi nào.

Cần tố cáo, báo cơ quan ngay khi phát hiện có hành vi bạo hành

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngày 27/12, Hội đã nhận được đơn yêu cầu hỗ trợ pháp lý của mẹ và bác ruột của bé V.A. Theo Luật sư Ngọc Nữ, bé V.A. đã học lớp 3, bảo vệ chung cư cũng đã biết được việc bé V.A có dấu hiệu bị đánh đập, bạo hành trong chính ngôi nhà của mình nhưng vẫn không tiến hành báo Công an. Hơn nữa, chung cư này nằm ở ngay trung tâm thành phố, sang trọng chứ không phải là một vùng quê hẻo lánh để bảo rằng thiếu hiểu biết pháp luật. 

Luật sư bày tỏ, đây là một câu chuyện đầy đau lòng khi con đã từng bị bạo hành trước đây, trên cơ thể đã có những vết thương cũ rồi nhưng lại không một ai đi tố cáo, giúp đỡ bé. Hơn nữa, khi mẹ bé V.A .đến thăm con thì gặp phải sự phản ứng, ngăn cản của người chồng, không cho gặp con. Việc này là đã vi phạm bản án ly hôn của 2 vợ chồng khi không tạo điều kiện cho 2 bên gặp, thăm con của mình.

Nếu như người bố tạo điều kiện cho người mẹ vào thăm bé V.A. có thể câu chuyện đã khác, bé V.A. có thể tâm sự với mẹ chuyện mình bị đánh hoặc bày tỏ lý do không thích ở với bố. Người mẹ cũng có thể phát hiện vết thương của đứa trẻ mà hỏi, sẽ không dẫn đến cái chết đau lòng của đứa bé.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh.

Theo Luật sư Nữ, hiện nay có rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em, dù có clip, chứng cứ nhưng sau một thời gian điều tra lại trả về kết quả không khởi tố…, điều này khiến cho những người tố cáo, trẻ em và cả những người dân dần mất niềm tin vào sự công bằng, quyền lợi của trẻ.

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh, khi nào có sự cố, phát hiện việc bạo hành ở trẻ em, mọi người cần nhanh chóng tố cáo, báo cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp kịp thời. Ngoài ra, đường dây nóng 111 luôn hỗ trợ 24/24 để tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em, tránh những sự việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra.

DUY ANH

UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong do bị bạo hành

Lê Minh Hoàng