/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công tác phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế

Vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công tác phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mặc dù Liên đoàn Luật sư Việt Nam mới được thành lập chính thức vào năm 2009, nhưng đã được Thủ tướng Chính phủ phân công thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế theo Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”.

  Đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên năm 2012 của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA) tổ chức tại Chicago.

Nhu cầu phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế

Sau khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05/02/2007 về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Một trong những thách thức được xác định trong Nghị quyết này là “chúng ta còn thiếu một đội ngũ Luật sư giỏi, thông thạo luật pháp quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các doanh nghiệp trong kinh doanh”. Do vậy, “gấp rút đào tạo đội ngũ Luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có đủ khả năng tham gia tranh tụng quốc tế” [1] là một trong những biện pháp phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực nằm trong chủ trương lớn là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

Chính phủ có Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05/02/2007, trong đó có “Lập kế hoạch đào tạo đội ngũ Luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, có kỹ năng tham gia tranh tụng quốc tế, giỏi ngoại ngữ để xử lý hiệu quả các tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thực thi các cam kết WTO và các định chế khác” thuộc nhiệm vụ cơ bản thứ 7 là giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Căn cứ Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” (Đề án) với mục tiêu “xây dựng đội ngũ Luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề Luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội, trong đó có các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Xây dựng các tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài”.

Vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế

Mặc dù, Liên đoàn Luật sư Việt Nam mới được thành lập chính thức vào năm 2009, nhưng đã được Thủ tướng Chính phủ phân công thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được phân công chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các giải pháp: 1) Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hành nghề Luật sư trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Đa dạng hóa hình thức tổ chức bồi dưỡng cho Luật sư; phát triển hình thức bồi dưỡng từ xa cho Luật sư; 2) Biên soạn và phát hành các tài liệu về hội nhập kinh tế quốc tế cho Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư. Hỗ trợ tài liệu cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và lý luận chính trị cho Luật sư; 3) Tổ chức các khóa bồi dưỡng tiếng Anh pháp lý, tiếng Anh thương mại cho Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư; 4) Gửi Luật sư ra nước ngoài tham dự khóa bồi dưỡng về kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho Luật sư theo các chương trình hợp tác pháp luật nước ngoài; 5) Thu hút các Luật sư được đào tạo theo Đề án vào làm việc tại các tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế tại các tổ chức hành nghề Luật sư.

Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức thực hiện nhiều nội dung quan trọng của Đề án do Bộ Tư pháp chủ trì như: Thành lập Trung tâm đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới; Lựa chọn, gửi Luật sư đi đào tạo mũi nhọn ở nước ngoài theo quy định của Đề án đào tạo chuyên gia pháp luật và Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 - 2010 được phê duyệt tại Quyết định số 544/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tạo nguồn để phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; Xây dựng các tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài; Sử dụng đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. 

Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn được giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc đổi mới chương trình đào tạo cử nhân luật theo hướng tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Bổ sung thời lượng đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên luật năm cuối, chú trọng định hướng nghề Luật sư về thương mại quốc tế cho sinh viên luật; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tập đoàn kinh tế của Nhà nước  trong việc triển khai các giải pháp và nhiệm vụ của Đề án.

Cụ thể hóa Đề án, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế Việt Nam ngày 11/12/2015, Câu lạc bộ có chức năng, nhiệm vụ tập hợp, phát huy trí tuệ và nguồn lực của các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp lý và tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Qua hơn 10 năm thực hiện, Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của Luật sư trong hội nhập kinh tế quốc tế; pháp luật về Luật sư được hoàn thiện, tạo điều kiện để Luật sư dễ dàng hội nhập vào sự phát triển kinh tế của đất nước. “Số lượng Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế tăng nhiều lần so với thời điểm trước khi thực hiện Đề án, cơ bản đã vượt mục tiêu của Đề án (phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30 tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế). Trong số các tổ chức hành nghề Luật sư này, một số tổ chức hoạt động khá chuyên nghiệp, dần khẳng định thương hiệu và uy tín của mình, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài. Chất lượng đội ngũ Luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế cũng chuyên nghiệp hơn, ngày càng xuất hiện nhiều Luật sư giỏi, được các hãng luật quốc tế và khu vực biết đến, nhiều Luật sư được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư ở các nước Anh, Hoa Kỳ, Úc… qua đó đáp ứng được phần nào nhu cầu về dịch vụ pháp lý trong điều kiện hội nhập quốc tế” [2].

Việc đào tạo đội ngũ Luật sư hội nhập được tăng cường. Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư thương mại quốc tế thuộc Học viện Tư pháp đã được thành lập ngày 19/02/2014, đã xây dựng Chương trình khung vào năm 2016 và Chương trình chi tiết năm 2019, đến nay đã tổ chức được 04 khóa đào tạo Luật sư thương mại quốc tế và đang tuyển sinh khóa 05. “Vai trò của đội ngũ Luật sư tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng tăng, hỗ trợ hiệu quả cho Chính phủ, doanh nghiệp trong nhiều vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tham gia giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO” [3]. Theo thống kê các vụ giải quyết tranh chấp trong WTO theo quốc gia, đến năm 2010, Việt Nam có 03 vụ kiện với vai trò là nguyên đơn và 22 vụ kiện với vai trò là nước thứ ba, cập nhật đến ngày 09/11/2018 thì Việt Nam là nguyên đơn của 05 vụ kiện [4].

Một số kiến nghị

Phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế được đặt ra khi Việt Nam gia nhập WTO nhưng đến nay nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương như: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU),  Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Về đầu tư nước ngoài, lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/4/2020, đã có 136 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư 31.862 dự án vào 63 tỉnh, thành khắp Việt Nam. Cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đầu tư, kinh doanh, giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư trong nước, đồng thời mở ra thị trường dịch vụ pháp lý rộng lớn hơn cho các tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam trong việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành giải quyết khiếu nại, tranh chấp với các nhà đầu tư. Do vậy, phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế trở thành nhu cầu nội tại của chính các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư.   

Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư trong phạm vi cả nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có vai trò, vị trí then chốt để phát triển và sử dụng đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế. Khi phát triển được số lượng nhất định thì cần thiết phải có cơ chế sử dụng nhằm phát huy trí tuệ, năng lực của đội ngũ này, nếu không có cơ chế sử dụng hợp lý thì việc đào tạo sẽ trở thành lãng phí, khó thu hút người học tham gia các khóa đào tạo. Bên cạnh những nhiệm vụ và giải pháp đã được Đề án quy định, để phát huy hơn nữa vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc đào tạo và sử dụng đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế, chúng tôi kiến nghị thực hiện các giải pháp sau đây:     

Thứ nhất, là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành về vị trí, vai trò của Luật sư trong việc phát triển kinh tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Khi các cơ quan, tổ chức quan tâm, chú trọng đến vai trò của Luật sư trong các hoạt động liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo điều kiện cho Luật sư Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, mạnh dạn sử dụng Luật sư Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích của các cơ quan, tổ chức khi có phát sinh khiếu nại, tranh chấp.

Thứ hai, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành để xây dựng phương án sử dụng đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại, hội nhập kinh tế, quốc tế; tham gia thực hiện tư vấn các dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tư vấn hoặc tham gia tranh tụng bảo vệ quyền lợi về các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành, các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành.

Thứ ba, hiện nay đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế chủ yếu tập trung tại 02 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ các Đoàn Luật sư của các tỉnh, thành còn lại phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế thông qua việc đa dạng hóa hình thức tổ chức bồi dưỡng cho Luật sư; biên soạn và phát hành các tài liệu về hội nhập kinh tế quốc tế gởi cho các Đoàn Luật sư để phổ biến cho các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư tự nghiên cứu, tự đào tạo; hỗ trợ các Đoàn Luật sư trong hợp tác quốc tế, cử Luật sư đi học tập kinh nghiệm, giao lưu với đoàn Luật sư các nước.

Thứ tư, Đề án có quy định người học đạt yêu cầu kiểm tra được Trung tâm đào tạo liên kết cấp Chứng chỉ đã qua chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng “Luật sư hội nhập quốc tế” là một cụm từ thể hiện năng lực, khả năng chuyên môn của bản thân mỗi Luật sư, mà không phải là chức danh chuyên môn nghề nghiệp. Do đó, tổ chức hành nghề Luật sư, bản thân mỗi Luật sư có thể tự đào tạo thông qua nhiều cách thức khác nhau như học ngoại ngữ, trao đồi kỹ năng tham gia tranh tụng quốc tế… Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể hỗ trợ để các Luật sư tự đào tạo thông qua việc xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hành nghề Luật sư trong lĩnh vực thương mại quốc tế hàng năm, đồng thời thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế về Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể kết nối với Đoàn Luật sư các nước, hỗ trợ Luật sư đi thực tập kỹ năng tranh tụng quốc tế.                

==================================

[1] Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.

[2] Xã hội hóa và nâng cao năng lực đào tạo Luật sư hội nhập kinh tế quốc tế, /xa-hoi-hoa-va-nang-cao-nang-luc-dao-tao-luat-su-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te1613518159.html, truy cập hồi 19h ngày 06/12/2021.

[3] Đội ngũ Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=2337, truy cập hồi 20h ngày 07/12/2021.

[4] Thống kê các vụ giải quyết tranh chấp trong WTO theo quốc gia, https://trungtamwto.vn/chuyen-de/1172-thong-ke-cac-vu-giai-quyet-tranh-chap-trong-wto-theo-quoc-gia, truy cập hồi 16h00 ngày 08/9/2021.

                  Thạc sĩ, Luật sư TRƯƠNG NHẬT QUANG

                Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương

Quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư được đảm bảo khi có một tập thể đoàn kết, thống nhất

Lê Minh Hoàng