/ Thư viện pháp luật
/ Vụ cướp ngân hàng ở Hải Phòng: Chiếc xe máy sẽ xử lý như thế nào?

Vụ cướp ngân hàng ở Hải Phòng: Chiếc xe máy sẽ xử lý như thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Nếu trường hợp việc mua bán đã hoàn thành, hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, đã đăng ký theo quy định pháp luật. Tại thời điểm mua bán bên bán không có nghĩa vụ phải biết và không thể biết được số tiền đó do phạm tội mà có thì hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật, bên bán được xác định là "người thứ ba ngay tình" theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngày tình. Trong trường hợp này thì chiếc xe là tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có sẽ bị thu giữ, bị phát mại để thu tiền trả lại cho bên bị hại, còn số tiền bán xe trong hợp đồng được xác định là hợp pháp thì không có quyền đòi lại.

Bắt được đối tượng cướp ngân hàng tại Hải Phòng sau 2 ngày lẩn trốn

Ngày 09/01 vừa qua, Công an Hải Phòng cho biết lực lượng chức năng đã bắt được đối tượng cướp tại Phòng giao dịch ngân hàng Vietcombank chi nhánh quận Hải An (địa chỉ: đường 356 Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng).

Theo đó, tại khu vực phường Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, các trinh sát của Phòng Trọng án (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) phối hợp với lực lượng thuộc Công an thành phố Hải Phòng, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1998), trú tại huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Tang vật thu giữ bước đầu gồm khẩu súng quân dụng, một lượng lớn tiền mặt được Nam mang theo người. Bước đầu, Nam khai nhận với cơ quan Công an, một mình mua súng quân dụng đề thực hiện vụ cướp ngân hàng.

Trước đó, vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 07/01, một đối tượng đã dùng súng uy hiếp nhân viên Phòng giao dịch ngân hàng Vietcombank chi nhánh quận Hải An và cướp đi hàng tỷ đồng. Đối tượng bịt mặt, đeo ba lô, đội mũ lưỡi trai, sau khi khống chế bảo vệ, đối tượng đã đe dọa các nhân viên đang ngồi trong quầy, bắn chỉ thiên lên trần nhà.

Trước sự uy hiếp của tên cướp, một nữ nhân viên ngân hàng đã phải lấy tiền tại bàn giao dịch đưa cho đối tượng. Sau khi lấy tiền nhét đầy balô, đối tượng rời đi.

Khi ra khỏi phòng giao dịch ngân hàng, đối tượng này uy hiếp một bảo vệ, cướp thêm chiếc xe máy của nhân viên bảo vệ ngân hàng, tẩu thoát khỏi hiện trường. Sau khi tên cướp rút khỏi hiện trường, bảo vệ cùng các nhân viên ngân hàng đã truy hô, cùng quần chúng nhân dân đuổi theo, truy bắt kẻ cướp.

Khi chạy đến khu vực bờ đê, chân cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (cách hiện trường khoảng 4km đến 5km), đối tượng cướp đã vứt bỏ lại chiếc xe máy và tẩu thoát.

Sau khi gây ra vụ cướp và mang đi số lượng tiền lớn, Nam đã di chuyển lên Hà Nội, mua chiếc xe máy phân khối lớn nhãn hiệu Kawasaki ZX 10R 1000 Cm3 trị giá khoảng 700 triệu làm phương tiện chạy trốn. 

Vậy, trong trường hợp này, liệu chiếc xe máy sẽ bị xử lý như thế nào?

Chiếc xe máy sẽ xử lý như thế nào?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết đối với tài sản do phạm tội mà có thì cơ quan điều tra sẽ truy thu, thu giữ vật chứng vụ án để làm căn cứ giải quyết. Trường hợp có người biết đây là tiền do phạm pháp mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Đối với chiếc xe máy phân khối lớn mà đối tượng này đã bỏ tiền ra mua thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ bên bán xe máy có biết tiền này là do phạm tội mà có hay không, nếu có thì sẽ khởi tố hình sự về tội "Tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có". Trường hợp đối tượng không nói đây là số tiền do cướp ngân hàng, người bán xe cũng không biết đây là đối tượng vừa cướp ngân hàng thì giao dịch mua bán này có thể hợp pháp nếu thủ tục mua bán đã hoàn tất.

Luật sư Cường phân tích rõ: "Cơ quan chức năng sẽ làm rõ thủ tục mua bán chiếc xe này được thực hiện như thế nào? Theo quy định của pháp luật thì chiếc xe mô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, bởi vậy việc mua bán phải có hợp đồng bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục thì giao dịch này chưa hợp pháp, bên bán xe có quyền yêu cầu nhận lại chiếc xe này và nộp lại số tiền đã nhận của đối tượng gây án để trả lại cho phía người bị hại là ngân hàng".

Trường hợp hành vi mua bán là trái pháp luật do người bán biết rõ đây là tài sản do phạm tội mà có thì việc mua bán này cũng sẽ bị hủy bỏ kể cả trường hợp mua bán đã thành công. Còn nếu mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục, việc mua bán chưa được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì việc mua bán này bị hủy bỏ, các bên trả lại tài sản cho nhau để khắc phục hậu quả.

Nếu trường hợp việc mua bán đã hoàn thành, hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, đã đăng ký theo quy định pháp luật. Tại thời điểm mua bán bên bán không có nghĩa vụ phải biết và không thể biết được số tiền đó do phạm tội mà có thì hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật, bên bán được xác định là "người thứ ba ngay tình" theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngày tình. Trong trường hợp này thì chiếc xe là tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có sẽ bị thu giữ, bị phát mại để thu tiền trả lại cho bên bị hại. Còn số tiền bán xe trong hợp đồng được xác định là hợp pháp thì không có quyền đòi lại.

Vị Luật sư cũng nhấn mạnh rằng, tiền là vật cùng loại nếu đã được đưa vào lưu thông, không còn thu giữ được, việc lưu thông thực hiện bằng các giao dịch hợp pháp thì cơ quan tố tụng không có căn cứ để thu lại số tiền đó. Nếu vật chứng của vụ án là vật đặc định hoặc tài sản được mang trao đổi, mua bán bằng các giao dịch không hợp pháp thì người đang chiếm giữ tài sản là vật chứng của vụ án có trách nhiệm phải trả lại, giao nộp cho cơ quan tố tụng để trả lại cho người bị hại.

Bởi vậy, việc mua bán chiếc xe mô tô này có hiệu lực pháp luật hay không, ý chí của các bên như thế nào là những yếu tố quan trọng để cơ quan tố tụng quyết định sẽ thu hồi số tiền hay thu giữ chiếc xe này để bán đi, hay trả lại cho cơ sở kinh doanh. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ triệu tập bên đơn vị bán xe tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để làm rõ các tình tiết liên quan đến giao dịch mua bán này làm cơ sở xác định hợp đồng có vi phạm điều cấm, có trái pháp luật hay không, giao dịch đã thành công hay chưa để giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng này theo quy định pháp luật trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên.

"Đây là một vụ án cướp rất khôi hài, đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản một cách rất dễ dàng nhưng cũng rất sơ hở, bởi vậy việc bắt giữ đối tượng này là đương nhiên. Sự việc xảy ra trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, lại là tháng gần tết. Sự việc gây hoang mang lo lắng trong xã hội, cho thấy sự mất an ninh trật tự an toàn xã hội có thể xảy ra bất cứ lúc nào", Luật sư Cường bày tỏ. 

Mọi người dân cần nâng cao cảnh giác trước những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cấp tài sản, cướp tài sản, tránh hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do các hành vi phạm tội này gây ra. Đối với các ngân hàng, cửa hiệu vàng bạc, các tổ chức tín dụng những nơi có nhiều tiền vàng, tài sản thì cần phải nâng cao cảnh giác, tập huấn nghiệp vụ đề ra các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra.

DUY ANH

Hải Phòng: Bắt được đối tượng cướp ngân hàng sau 2 ngày lẩn trốn

Lê Minh Hoàng