/ Luật sư trực ban
/ Xử lý thế nào với đối tượng nhiễm HIV dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục đồng tính ở Quảng Nam?

Xử lý thế nào với đối tượng nhiễm HIV dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục đồng tính ở Quảng Nam?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Việc dụ dỗ nam sinh 15 tuổi quan hệ đồng tính là hành vi “Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, là dấu hiệu khách quan của tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với khung hình phạt từ 01 năm đến cao nhất là 15 năm tù.

Bị can Huỳnh Đắc Cường tại cơ quan chức năng.

Những ngày gần đây, vụ việc đối tượng nhiễm HIV dụ dỗ nhiều trẻ em để quan hệ đồng tính đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận.

Cụ thể, vào ngày 05/01, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt quả tang bị can Huỳnh Đắc Cường (42 tuổi, ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đang thuê nhà nghỉ tại thị trấn Hương An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) để thực hiện hành vi quan hệ tình dục đồng tính với một học sinh mới 15 tuổi.

Tại Cơ quan Công an, Cường khai nhận vào tháng 6/2021 đã sử dụng ứng dụng xã hội để kết bạn làm quen với nam sinh 15 tuổi nói trên. Sau khi trò chuyện, Cường và nam sinh thống nhất đến nhà nghỉ để quan hệ tình dục đồng giới.

Ngày 05/01, Cường tiếp tục dụ dỗ hẹn nam sinh này và một học sinh nam khác đến nhà nghỉ để quan hệ tình dục. Cường đến trước thuê phòng nghỉ chờ thì bị bắt giữ. Ngoài ra, Cường còn khai nhận đã quan hệ tình dục với nhiều người đồng giới khác trên địa bàn.

Đáng chú ý, qua khai nhận với cơ quan chức năng, đối tượng Cường nói mình bị phát hiện mắc bệnh HIV cách đây 01 năm. Nhưng khi vào khám bệnh, Cường lại sử dụng họ, tên khác.

Hiện, Công an tỉnh Quảng Nam đang mở rộng điều tra các dấu hiệu vi phạm những tội danh khác với đối tượng nhiễm HIV này.

Có thể xử lý hình sự nhiều tội danh

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, việc dụ dỗ nam sinh 15 tuổi quan hệ đồng tính là hành vi “Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, là dấu hiệu khách quan của tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với khung hình phạt từ 01 năm đến cao nhất là 15 năm tù.

Được biết, khai nhận với Cơ quan chức năng, đối tượng Cường nói mình bị phát hiện mắc bệnh HIV cách đây 01 năm. Nhưng khi vào khám bệnh, Cường lại sử dụng họ, tên khác. Với tình tiết này, Luật sư cho biết, Cường “biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội” thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3, Điều 145, Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù.

Bên cạnh đó, Luật sư cũng cho biết, trong trường hợp đối tượng này mua dâm nhiều trẻ em để quan hệ đồng tính, tại Điều 329, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 142 của Bộ luật này” thì bị phạt tù từ 01 năm đến cao nhất 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Còn nếu nạn nhân là người dưới 13 tuổi thì hành vi của Cường sẽ có dấu hiệu của tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt từ 07 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Trách nhiệm bồi thường thế nào?

Về trách nhiệm bồi thường, Luật sư cho biết, theo quy định của pháp luật thì nếu bị Tòa án tuyên là có tội thì Cường sẽ phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại về sức khỏe, vật chất và tinh thần đã gây ra cho các nạn nhân theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự.

Trước hết, các bên có quyền thỏa thuận, thống nhất với nhau về mức, cách thức và phương thức bồi thường thiệt hại. Nếu các bên không thỏa thuận, thống nhất được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 590, Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm có thể bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Thiệt hại khác do luật quy định; và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Về các thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, Điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định; và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Tình tiết tăng nặng?

Luật sư cho hay, trong vụ án này thì Cường có rất nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tăng nặng định khung như: Phạm tội 02 lần trở lên (phạm tội nhiều lần), phạm tội với người dưới 16 tuổi, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội, phạm tội với hai người trở lên…

"Những hành vi như thế này là đặc biệt nguy hiểm, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho các nạn nhân, đặc biệt là đối với trẻ em. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm minh, để trừng trị thích đáng đối tượng vi phạm, cũng như nâng cao tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm", Luật sư Hùng nói.

Vụ việc này là “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho các gia đình, các cơ quan chức năng và toàn xã hội trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các gia đình, nhà trường, các đoàn thể và các cơ quan chức năng cần phải quan tâm, có nhiều giải pháp toàn diện, hữu hiệu hơn nữa trong việc chăm sóc, hỗ trợ, giáo dục, nâng cao hiểu biết, nhận thức và kỹ năng cho các em trong việc phòng tránh việc bị dụ dỗ, lôi kéo, bị lạm dụng, xâm hại tình dục.

Đồng thời, chúng ta cũng cần phải có những giải pháp phù hợp, để ngăn chặn và hạn chế việc các em có thể tiếp xúc với những nội dung, yếu tố “độc hại”, thiếu lành mạng trên không gian mạng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về tâm sinh lý của các em, cũng như có thể bị các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, trở thành nạn nhân của các hành vi phạm tội, có để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài về tinh thần và sức khỏe cho các em.

VŨ QUÝ

Dùng dao cứa cổ 2 con, người đàn ông phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Lê Minh Hoàng