/ Bút ký Luật sư
/ Đôi điều suy nghĩ về đạo đức nghề nghiệp Luật sư

Đôi điều suy nghĩ về đạo đức nghề nghiệp Luật sư

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ những năm vừa thành lập đã rất quan tâm đến việc xây dựng các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp Luật sư. Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Quy tắc đạo đức) được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua, ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011. Qua gần 10 năm áp dụng, thực hiện từ thực tiễn đã phát sinh những vấn đề cần được bổ sung, hoàn thiện. Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Bộ quy tắc đạo đức), được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua, ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019, thay thế Quy tắc đạo đức.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội thảo “Phổ biến, triển khai thi hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam” tổ chức tháng 10/2020.

Có thể nói rằng, hệ thống các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp Luật sư được hình thành từ nhu cầu của thực tiễn nghề nghiệp Luật sư, của xã hội, nhằm xây dựng những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp để Luật sư tuân thủ, chọn lựa ứng xử khi tham gia hoạt động nghề nghiệp. Đứng trên góc nhìn của người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động Luật sư từ những năm đầu thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam đến nay, người viết có nhiều suy tư, trăn trở đối với việc giữ gìn, phát huy, hoàn thiện các quy tắc, giá trị đạo đức nghề nghiệp Luật sư.

Đạo đức nghề nghiệp Luật sư trong quan hệ với pháp luật

Đạo đức nghề nghiệp Luật sư đặt trong quan hệ với các quy định của pháp luật hiện nay cũng có những quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, một khi vi phạm pháp luật thì đồng thời cũng là vi phạm đạo đức, trong đó bao hàm cả vi phạm về đạo đức nghề nghiệp Luật sư. Cũng có những góc nhìn khác, cho rằng pháp luật và đạo đức là hai phạm trù độc lập, riêng biệt nhau. Do vậy, để đánh giá một hành vi có vi phạm đạo đức hay không thì phải tìm những quy phạm đạo đức để làm căn cứ xác định. Không thể lấy quy định của pháp luật để làm căn cứ xác định một người vi phạm về đạo đức nói chung, hay đạo đức nghề nghiệp nói riêng.

Theo quan điểm người viết, khi Luật sư hành nghề, có những hành vi vi phạm pháp luật của Luật sư gắn với hoạt động nghề nghiệp, nhưng không thể cho rằng Luật sư vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều quy định của pháp luật trong lĩnh vực Luật sư buộc Luật sư phải tuân thủ, chấp hành. Tuy nhiên, khi Luật sư vi phạm các quy định đó thì không thể tìm ra một quy tắc cụ thể nào trong các quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư để xác định Luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Trong thực tiễn xử lý vi phạm đối với Luật sư, Luật sư có thể phải chịu chế tài kỷ luật khi vi phạm pháp luật về Luật sư, vi phạm Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, vi phạm Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế thì không phải vi phạm pháp luật nào cũng dẫn đến chế tài kỷ luật đối với Luật sư. Ví dụ, một Luật sư khi quản lý một tổ chức hành nghề Luật sư có thể vi phạm pháp luật về thuế, bị truy thu thuế, bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trong lĩnh vực thuế về hành vi chậm nộp thuế, hạch toán chi phí không đúng. Hoặc các trường hợp tổ chức hành nghề vi phạm về chế độ báo cáo định kỳ, vi phạm về sử dụng lao động, vi phạm trong việc đóng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp... và bị Sở Tư pháp địa phương xử phạt vi phạm hành chính. Những vi phạm như vậy thì thông thường các Đoàn Luật sư chỉ tổng hợp, rút kinh nghiệm chứ không xem là vi phạm về đạo đức nghề nghiệp để tiến hành xử lý kỷ luật Luật sư.

Đối với các vi phạm pháp luật khác như vi phạm về việc không ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, vi phạm Điều 9 Luật Luật sư (các hành vi bị nghiêm cấm) thì khi xem xét xử lý vi phạm, dù rằng có hay không có một quy tắc đạo đức cụ thể quy định, thông thường Luật sư vẫn phải chịu chế tài kỷ luật do vi phạm nghĩa vụ Luật sư.

Nói lên những điều này để thấy rằng, việc Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam khi xử lý vi phạm đối với Luật sư thì căn cứ vào vi phạm đối với Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc đạo đức, chứ không phải chỉ căn cứ vào việc vi phạm các quy tắc đạo đức như quan điểm của một số Luật sư vẫn lầm tưởng. 

Đôi điều suy nghĩ về các trường hợp vi phạm của Luật sư

Vi phạm của Luật sư trong hành nghề thể hiện với nhiều hình thức. Không ít trường hợp, Luật sư do ít quan tâm nghiên cứu các quy định về Luật sư, không học tập quán triệt về đạo đức nghề nghiệp Luật sư nên khi hành nghề xảy ra vi phạm. Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc đạo đức là hệ thống các quy định, quy tắc với rất nhiều nội dung khác nhau, bao gồm các quy phạm cấm đoán, quy phạm bắt buộc, quy phạm tùy nghi chọn lựa ứng xử… đôi khi các quy tắc cũng khó hiểu, khó nhớ hết. Để hành nghề đúng quy định, Luật sư phải chịu khó nghiên cứu, quán triệt để nắm thật vững tất cả các quy định, quy tắc này. Thế nhưng, trên thực tế có rất nhiều Luật sư không quan tâm tìm hiểu, cập nhật nên dẫn đến việc vi phạm trong hành nghề.

Có những Luật sư khi tham gia hoạt động nghề nghiệp, nhận vụ việc từ khách hàng là những người thân quen, hoặc do tin tưởng quá mức nên chủ quan không xác lập hợp đồng dịch vụ pháp lý đúng quy định, hoặc thỏa thuận nhận thêm thù lao do nhiều công việc phát sinh thêm nhưng không ký phụ lục điều chỉnh thù lao, ghi nhận công việc phát sinh, dẫn đến vi phạm. Xét bản chất, trong quan hệ này Luật sư bỏ công sức cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, việc thực hiện công việc và nhận thù lao là theo thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên. Nhưng do không tuân thủ quy định về ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản nên vi phạm.

Có những Luật sư cố ý vi phạm, biết sai nhưng động cơ tư lợi nên vi phạm. Ví dụ, quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư nghiêm cấm Luật sư “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Luật sư nào cũng biết, cũng hiểu về quy định cơ bản này. Nhưng trên thực tế không ít trường hợp Luật sư biết mà vẫn vi phạm do tư lợi cá nhân.

Một số Luật sư lợi dụng mạng xã hội với động cơ, ý đồ xấu, không chính đáng, đăng tải những nội dung bài viết, hình ảnh, đoạn video có nội dung sai trái, xâm phạm uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức khác, xâm phạm lợi ích cộng đồng, thậm chí xâm phạm đến an ninh chính trị đất nước. Thời gian qua có nhiều đơn thư của cá nhân, tổ chức phản ánh về hiện tượng này. Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã xử lý một số trường hợp Luật sư vi phạm về quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc sử dụng truyền thông, mạng xã hội.

Trong một số trường hợp, sự ràng buộc cứng nhắc của pháp luật, sự quy định chưa thật sự hợp lý dẫn đến vi phạm của Luật sư. Ví dụ, vấn đề hứa thưởng giữa Luật sư với khách hàng hiện nay không được chấp nhận. Từ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư nói trên, giữa Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư với khách hàng không được thỏa thuận hứa thưởng. Luật sư thỏa thuận hứa thưởng, nhận tiền hứa thưởng thì bị xem là vi phạm, nếu bị phát hiện, bị khiếu nại, tố cáo thì có khả năng phải chịu chế tài kỷ luật.

Về mặt câu từ, hình thức ngôn ngữ thì giá trị vật chất để thưởng cho Luật sư theo thỏa thuận hứa thưởng không phải là thù lao, cũng không phải là chi phí nên việc nhận hứa thưởng là vi phạm Luật Luật sư. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay có nhiều công việc rất khó, ví dụ như tranh chấp về nhà, đất có lịch sử tạo lập, sử dụng phức tạp trong quá khứ, đòi hỏi phải có chuyên môn pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp để đấu tranh pháp lý lâu dài thông qua cơ chế tố tụng dân sự. Trong những vụ việc khó khăn như vậy, khách hàng cạn kiệt kinh tế, Luật sư có thể thoả thuận đồng hành với khách hàng, tham gia tố tụng với vai trò đại diện hoặc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng với mức thù lao rất thấp hoặc không nhận thù lao, nhưng kèm theo thỏa thuận hứa thưởng.

Như vậy, khi vụ việc thành công thì Luật sư có thể được hưởng một giá trị lớn trong phần giá trị vật chất mà khách hàng giành lại được trong vụ kiện. Ngược lại, khi tranh chấp không thành công, Luật sư cùng khách hàng cùng chia sẻ rủi ro do đã bỏ ra nhiều công sức nhưng không được bù đắp lại bằng giá trị vật chất. Thỏa thuận hứa thưởng này bản chất cũng không khác gì thù lao, cũng là giá trị vật chất bù đắp công sức lao động, trí tuệ, tâm huyết và chi phí mà Luật sư đã bỏ ra. Đồng thời giao dịch hứa thưởng cũng hoàn toàn đảm bảo tính bình đẳng, tự nguyện, có lợi cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ. Thế nhưng rào cản luật pháp đã gò bó tự do thỏa thuận của Luật sư. Về lâu dài, vấn đề này cần được nghiên cứu, sửa đổi từ khâu lập pháp, lập quy, tạo khung pháp lý rộng rãi cho Luật sư và khách hàng tự do thỏa thuận.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là không phải vi phạm nào của Luật sư cũng bị phát hiện, xử lý. Thực tế chỉ những vụ việc vi phạm nào bị khiếu nại, tố cáo hoặc có dư luận xấu thì mới hình thành việc xử lý, giải quyết. Khi giải quyết khiếu nại, tố cáo thì vấn đề thu thập chứng cứ làm căn cứ xử lý cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có những vụ việc thực chất có vi phạm, nhưng chứng cứ không đủ để chứng minh thì các Đoàn Luật sư cũng không thể xử lý Luật sư. Do vậy, các Đoàn Luật sư không nên chủ quan căn cứ vào tỷ lệ vụ việc vi phạm trên số lượng Luật sư để đánh giá tình hình vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động Luật sư. Việc thường xuyên quan tâm cảnh báo, nhắc nhở, thuyết phục Luật sư tuân thủ, chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp Luật sư là hết sức cần thiết.

Quan điểm xử lý vi phạm cũng là vấn đề hết sức quan tâm. Thực tế, việc xử lý tại các Đoàn Luật sư cũng có sự khác biệt. Có những Đoàn Luật sư có quan điểm xử lý vi phạm khá cứng rắn đối với Luật sư. Có những Đoàn Luật sư thì xử lý có phần nương nhẹ. Các quy định của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc đạo đức và Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật là giống nhau, chung một nền tảng. Tuy nhiên, việc hiểu, việc áp dụng vào thực tiễn là do cá nhân con người thực hiện nên trên thực tiễn có những cách thức, mức độ khác biệt nhau.

Vấn đề đặt ra đối với người làm công tác xử lý là khi cân nhắc, đánh giá vi phạm và quyết định lựa chọn biện pháp giải quyết, hình thức xử lý vi phạm phải công tâm, khách quan và trân quý các giá trị con người. Việc xử lý vi phạm đối với Luật sư đồng nghiệp không thể đơn thuần chỉ dựa vào lý trí cùng những quy định, quy tắc cứng nhắc do con người đặt ra, không thể xử lý vi phạm bằng trái tim vô cảm, mà người xử lý còn phải biết lắng nghe tiếng lòng từ trái tim nhân ái để nói lên tiếng nói của chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần dũng cảm, tôn trọng tính công bằng. Xét cho cùng, xử lý vi phạm, đưa ra quyết định kỷ luật Luật sư thì mục đích cuối cùng là nhằm giúp cho đồng nghiệp nhận thức ra cái sai, sửa sai để gìn giữ, bảo vệ, phát huy các giá trị tốt đẹp của nghề nghiệp Luật sư. Việc xử lý nặng hoặc loại bỏ đồng nghiệp ra khỏi đội ngũ Luật sư Việt Nam với hình thức kỷ luật cao nhất là “xóa tên” chỉ áp dụng khi mà đồng nghiệp đã vi phạm quá nặng, đến mức không còn cứu vãn, không thể duy trì trong đội ngũ Luật sư.

Làm công tác xử lý vi phạm luôn đi cùng với những nỗi niềm tâm tư, trăn trở.  Khi đưa ra ý kiến tham mưu, đề xuất về quan điểm xử lý mà được đa số ủy viên Ban Thường vụ tán thành, chấp nhận thì tâm trạng lạc quan, niềm tin được củng cố. Một khi đưa ra quan điểm nhưng không thuyết phục được Ban Thường vụ, không được tập thể Ban Thường vụ tán thành thì cũng phải chấp nhận, chấp hành vì nguyên tắc làm việc của Ban Thường vụ là nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, lòng luôn trĩu nặng, và người làm công tác tham mưu, đề xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm phải tự xem lại, nhận thức lại, đánh giá lại toàn bộ sự việc và rút ra thêm những bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG

Ủy viên Ban Thường vụ

Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật

 Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Luật sư Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Lê Minh Hoàng