/ Pháp luật - Đời sống
/ Phân biệt bảo lãnh và bảo lĩnh

Phân biệt bảo lãnh và bảo lĩnh

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bảo lãnh và bảo lĩnh trong hình sự có giống nhau không? Có phải chăng bảo lãnh và bảo lĩnh là một không? Nếu hai từ đó không phải là một thì sự khác nhau giữa bảo lãnh và bảo lĩnh như thế nào?

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trên thực tế, nhiều người đã có sự hiểu nhầm, khi đồng nhất “bảo lãnh” và “bảo lĩnh” chỉ là những thuật ngữ có nội dung như nhau. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm pháp lý khác nhau, thuộc các lĩnh vực (quan hệ pháp luật) khác nhau. Cụ thể:

 Về lĩnh vực pháp luật

Về bảo lãnh, theo quy định tại Điều 292, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bảo lãnh là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, bao gồm: “1.  Cầm cố tài sản; 2. Thế chấp tài sản; 3. Đặt cọc; 4. Ký cược; 5. Ký quỹ; 6. Bảo lưu quyền sở hữu; 7. Bảo lãnh; 8. Tín chấp; 9. Cầm giữ tài sản". Đây là một loại giao dịch dân sự, được xác lập và thực hiện trên cơ sở sự thỏa thuận giữa các bên và các quy định của pháp luật dân sự có liên quan.

Về bảo lĩnh, theo quy định tại khoản 1, Điều 109, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, thì bảo lĩnh là một trong các biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự, được quyết định bởi những người có thẩm quyền, theo những căn cứ và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Theo đó: "Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh".

Về khái niệm

Khái niệm bảo lãnh được quy định tại Điều 335, Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Đồng thời, “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

Khái niệm bảo lĩnh được quy định tại Khoản 1., Điều 121, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, theo đó: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”.

Về nội dung và phạm vi

Trong quan hệ bảo lãnh, bên bảo lãnh cam kết và phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc tự mình thực hiện một công việc để thực hiện nghĩa vụ hay chịu trách nhiệm thay cho bên được bảo lãnh, nếu bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc trách nhiệm đối với bên nhận bảo lãnh. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại (Điều 336 Bộ luật dân sự).

Đối với bảo lĩnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 121 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể là các nghĩa vụ sau: “a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.” (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 121 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015).

Về chủ thể:

Các chủ thể tham gia quan hệ bảo lãnh, bao gồm: Bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh. Các chủ thể này có thể là các cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật dân sự có liên quan.

Trong bảo lĩnh, bao gồm các chủ thể:

Người bảo lĩnh: Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người.

Người được bảo lĩnh: Bị can, bị cáo trong vụ án hình sự;

Người tiến hành tố tụng có thẩm quyền: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành); Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh (khoản 1, Điều 113; khoản 4 Điều 121, Bộ "luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Bộ luật Tố tụng Hình sự

Về bảo lãnh, tại Điều 343, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây: "1. Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt; 2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; 3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; 4. Theo thỏa thuận của các bên".

Về bảo lĩnh, tại khoản 5, Điều 121, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.”

Về mặt hình thức

Về hình thức thì bảo lãnh và bảo lĩnh đều phải được xác lập thành văn bản. Tuy nhiên, nếu bảo lãnh là một giao dịch dân sự nên thường tồn tại dưới hình thức hợp đồng, thì bảo lĩnh là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nên các hồ sơ, trình tự, thủ tục sẽ được thực hiện theo quy định của Luật tố tụng hình sự, theo đó: Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh và  bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm pháp lý

Đối với bảo lãnh, trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại. (Điều 342, Bộ luật Dân sự năm 2015).

Sau khi đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh, thì bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 340 Bộ luật dân sự năm 2015).

Đối với bảo lĩnh, nếu người được bảo lĩnh (bị can, bị cáo) vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì bị tạm giam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, xét về điểm giống nhau thì “bảo lãnh” và “bảo lĩnh” đều có thể hiểu là những biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Tuy nhiên, xét về bản chất pháp lý, “bảo lãnh” là một giao dịch dân sự, một biện pháp bảo thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật dân sự, còn bảo lĩnh là một biện pháp ngăn chặn được dùng trong tố tụng hình sự, bảo đảm cho bị can, bị cáo thực hiện các nghĩa vụ tố tụng của mình trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

TRẦN HOÀNG

Ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm có rút được tiền?

Admin