/ Nghề Luật sư
/ Tiếp tục coi trọng công tác bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn và tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp Luật sư

Tiếp tục coi trọng công tác bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn và tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp Luật sư

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III sẽ diễn ra từ ngày 25-26/12/2021 tại Hà Nội, kết thúc hoạt động nhiệm kỳ II của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trước thềm Đại hội, Phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cơ quan được giao thống nhất quản lý Luật sư và hành nghề Luật sư trong toàn quốc về một số kết quả hoạt động nhiệm kỳ qua của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và định hướng quản lý, phát triển nghề Luật sư trong thời gian tới. Xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn với bạn đọc.

  Thứ trưởng Phan Chí Hiếu.

PV: Thưa Thứ trưởng, nhiệm kỳ II (2015-2021) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sắp kết thúc, xin Thứ trưởng đánh giá về kết quả một số hoạt động chủ yếu mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Nhiệm kỳ II của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là nhiệm kỳ đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó công tác xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư cả về số lượng và chất lượng ngày càng được quan tâm hơn.

Số lượng Luật sư tiếp tục tăng nhanh từ 9.436 Luật sư lên 16.134 Luật sư (tăng 140%), tập trung nhiều ở Hà Nội, TP. HCM. Điều đáng ghi nhận là ở một số địa phương tuy có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, thị trường dịch vụ pháp lý chưa thật phát triển, nhưng số lượng Luật sư vẫn tăng lên so với nhiệm kỳ trước. Cùng với số lượng Luật sư gia tăng nhanh chóng thì số lượng tổ chức hành nghề Luật sư cũng tăng đáng kể, hiện có khoảng 4.500 tổ chức hành nghề Luật sư.

Chất lượng đội ngũ Luật sư, chất lượng hoạt động dịch vụ của Luật sư từng bước được cải thiện. Tại nhiều phiên tòa, thông qua tranh luận của Luật sư đã sáng tỏ nhiều tình tiết làm thay đổi nội dung vụ án. Luật sư cũng tham gia ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, đầu tư, thương mại quốc tế, hàng hải, hàng không, sở hữu trí tuệ... Một số tổ chức hành nghề Luật sư đã xây dựng được thương hiệu, tạo được tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực, trở thành “đối tác” cạnh tranh với các tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài; tích cực, chủ động tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, hỗ trợ có hiệu quả cho Chính phủ, doanh nghiệp trong các vụ, việc liên quan đến phòng vệ thương mại, tham gia giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức thương mại thế giới (WTO), trợ giúp cho các hãng luật nước ngoài trong quá trình giải quyết vụ việc. Hoạt động đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác như dịch vụ liên quan đến thành lập doanh nghiệp, chuyển nhượng bất động sản, xuất nhập cảnh... có chiều hướng ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp đang từng bước có niềm tin và thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư, và điều này đồng nghĩa với vị thế và chất lượng đội ngũ Luật sư đang dần được khẳng định.

Để có được kết quả này, trong nhiệm kỳ II, Liên đoàn Luật sư cùng các Đoàn Luật sư đã quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Luật sư trong xã hội; tham gia nhiều các buổi tọa đàm giao lưu với sinh viên luật để hướng nghiệp. Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Luật sư đặc biệt được Liên đoàn và các Đoàn Luật sư tập tung triển khai thường xuyên và trên diện rộng; vừa bảo đảm việc nâng cao ý thức trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, vừa thực hiện nghiêm túc quy định của Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 07/4/2014 quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư (hiện đã được thay thế bằng Thông tư số 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019). Nội dung đào tạo bồi dưỡng được đa dạng hóa, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Phương thức bồi dưỡng cũng đã được Thường trực Liên đoàn chỉ đạo áp dụng linh hoạt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid phức tạp 2 năm qua.  

Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp bước đầu được Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan tâm thực hiện thông qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời, việc thông qua Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam mới vào tháng 11/2019 đã khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 08 năm thực hiện, góp phần quan trọng trong việc xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư ở Việt Nam.

Bên cạnh công tác xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư, Liên đoàn Luật sư cũng đã tích cực tham gia các công tác xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát thủ tục hành chính, tham gia công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tại trụ sở tiếp dân, thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhiều lượt người dân... Bằng những hoạt động thiết thực này, vị trí, vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư ngày càng được khẳng định và đã được Chính phủ, Bộ Tư pháp ghi nhận. Tập thể Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một số Đoàn Luật sư, Luật sư tiêu biểu đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen.

PV: Những kết quả mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đạt được nói trên đã đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 hay chưa, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu quan trọng là phát triển đội ngũ Luật sư cả về số lượng và chất lượng; phát triển các tổ chức hành nghề Luật sư hoạt động chuyên môn hóa theo lĩnh vực pháp luật, chú trọng phát triển các tổ chức hành nghề Luật sư có quy mô lớn, chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, qua đó để từng bước phát triển, mở rộng thị trường dịch vụ pháp lý, tạo nền tảng để phát triển nghề Luật sư Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong thời gian vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đặt trọng tâm vào phát triển đội ngũ Luật sư là đúng đắn. Cùng với đóng góp của Liên đoàn Luật sư, đến thời điểm hiện nay có thể thấy nhiều mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 cơ bản đáp ứng được, cụ thể:

- Về phát triển số lượng Luật sư, cho đến nay số lượng được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư là hơn 20.000 người, nhưng số lượng hành nghề thực tế là hơn 16.000, như vậy so với mục tiêu Chiến lược đưa ra là từ 18.000-20.000 người cơ bản cũng đã đáp ứng được. Số lượng Luật sư hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài đã có bước phát triển, tăng hơn 50 lần, từ 20 đến khoảng 1.000 Luật sư, chuyên gia pháp luật.

- Chất lượng đội ngũ Luật sư từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đa phần các Luật sư có phẩm chất đạo đức, tận tâm trong hoạt động nghề nghiệp, có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, tuân theo Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Một số Luật sư được đào tạo ở nước ngoài, phổ biến là ở các nước như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và khoảng gần 50 Luật sư Việt Nam được công nhận là Luật sư của nước khác.

- Về phát triển tổ chức hành nghề Luật sư, số lượng tổ chức hành nghề Luật sư đến nay lên khoảng 4.500 tổ chức, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM. Ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, số lượng tổ chức hành nghề Luật sư cũng đã có sự gia tăng. Việc thành lập nhiều tổ chức hành nghề Luật sư đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của Luật sư. Số lượng tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế đã đạt khoảng 50 tổ chức. Số tổ chức hành nghề Luật sư được các tạp chí uy tín trong khu vực xếp hạng đang ngày một gia tăng với nhiều gương mặt mới.

Bên cạnh việc xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của Luật sư, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng Luật sư, tạo nguồn phát triển Luật sư hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư, về cơ bản đều đã đáp ứng mục tiêu mà Chiến lược đề ra, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

PV: Như Thứ trưởng đã nói ở trên, thể chế trong lĩnh vực Luật sư đã có nhiều tiến bộ trong việc tạo môi trường cho Luật sư hoạt động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số quy định pháp luật, trong đó có Luật Luật sư vẫn còn chưa theo kịp với yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư, yêu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Thứ trưởng có thể cho biết biểu hiện cụ thể của những hạn chế này là gì và hướng hoàn thiện trong thời gian tới ra sao?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Năm 2012, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư với nhiều quy định mới, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của Luật sư; tạo cơ sở pháp lý thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Luật sư, góp phần nâng cao hình ảnh của đội ngũ Luật sư trong xã hội, nâng cao vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư. Triển khai thi hành Luật Luật sư, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 05 nghị định; ban hành theo thẩm quyền và liên tịch ban hành 07 thông tư. Các bộ, ngành, cơ quan tiến hành tố tụng chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật, pháp lệnh, văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động hành nghề Luật sư, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử.

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển tổ chức và hoạt động Luật sư nói chung và Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế nói riêng. Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương ban hành 07 văn bản, đề án liên quan đến phát triển Luật sư, Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Công tác xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút Luật sư tham gia công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và các công tác xã hội khác được đẩy mạnh. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và công tác xã hội khác được các Luật sư quan tâm thực hiện, tạo được tiếng vang trong dư luận, niềm tin đối với người dân.

Như vậy, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp lý cho Luật sư đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung tương đối đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hoạt động Luật sư. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam, đặc biệt về vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư. Việc thực hiện các quy định của Luật Luật sư và pháp luật tố tụng liên quan đến quyền, nghĩa vụ của Luật sư có lúc, có nơi chưa được nghiêm túc. Công tác giám sát việc thực hiện các quy định về tham gia tố tụng của Luật sư còn hạn chế ở một số địa phương. Còn thiếu chính sách thu hút Luật sư tham gia tố tụng. Chính sách huy động Luật sư tham gia, hỗ trợ các vụ việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế chưa được chú trọng.

Có thời gian, việc đăng ký kinh doanh hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, một trong những nội dung thuộc phạm vi hành nghề Luật sư có cách hiểu chưa thống nhất dẫn đến tình trạng cho phép những người không đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp Luật sư nhưng lại được cung cấp dịch vụ như Luật sư. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dịch vụ pháp lý của Luật sư trong nước.

Từ thực tiễn nêu trên, qua rà soát quy định Luật Luật sư cho thấy: (i) Một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Luật sư chưa chặt chẽ và còn dễ dãi như quy định về việc miễn đào tạo, miễn tập sự; các quy định về tập sự hành nghề còn hạn chế người tập sự cọ xát với vụ, việc cụ thể; (ii) Quy định bảo đảm quyền hành nghề cho Luật sư còn chưa cụ thể, thủ tục để Luật sư tham gia tố tụng còn rườm rà, chưa thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế; (iii) Quy định về điều kiện thành lập tổ chức hành nghề Luật sư còn đơn giản nên dẫn đến các tổ chức hành nghề Luật sư phát triển nhanh về số lượng nhưng đa phần manh mún, nhỏ lẻ; (iv) Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư chưa phát huy được tối đa vai trò tự quản của mình; (v) Quy định về quản lý nhà nước đối với nghề Luật sư còn chưa đầy đủ, thiếu quy định về công cụ quản lý nên chưa phát huy được hiệu quả quản lý nhà nước đối với Luật sư và hành nghề Luật sư.

Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước có chủ trương và quyết tâm đào tạo, bồi dưỡng để hình thành và phát triển đội ngũ Luật sư, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển đất nước giai đoạn hiện nay, là nhân tố quan trọng giúp thị trường dịch vụ pháp lý phát triển mạnh mẽ, góp phần gia tăng nhu cầu, từng bước đưa đội ngũ Luật sư Việt Nam tham gia tích cực vào thị trường dịch vụ pháp lý trong nước, khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ công lý, giữ gìn an ninh, trật tự và ổn định xã hội. Do đó, việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư và các văn bản pháp luật liên quan cần bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Luật sư, nâng cao tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nghề nghiệp, xác định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Luật sư; nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, thực hiện việc tự quản theo quy định của pháp luật dưới sự quản lý của nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư; gắn với nâng cao chất lượng tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa và bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, không để lợi dụng làm lộ bí mật nhà nước, làm sai lệch hồ sơ vụ án;... Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút Luật sư tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, nhất là hoạt động tư vấn pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế, các chính sách thu hút đầu tư của địa phương; trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số; đối tượng chính sách và các công tác xã hội khác.  

PV: Trên cơ sở những kết quả mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đạt được, theo Thứ trưởng, trong thời kỳ tới, hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể gì và nên chú trọng những giải pháp nào?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện trong đội ngũ Luật sư, bảo đảm đối với mỗi Luật sư “chính trị, tư tưởng, đạo đức phải luôn là gốc” của mọi hành động. Để làm được điều đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần nghiên cứu các giải pháp bảo đảm hoạt động tự quản đáp ứng yêu cầu quản lý Luật sư và hành nghề Luật sư, trong đó chú trọng thực hiện nhiệm vụ giám sát hành nghề Luật sư, tập sự hành nghề Luật sư.

Hai là, tiếp tục coi trọng công tác bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn và tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp Luật sư, đặc biệt là văn hóa phục vụ khách hàng, văn hóa ứng xử tại phiên tòa, văn hóa phát ngôn để xây dựng hình ảnh, uy tín của Luật sư. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát triển đảng viên là các Luật sư trẻ. Cần xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho Luật sư là một trong những nhiệm vụ thường xuyên để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư, xây dựng uy tín và nâng cao vị thế của nghề Luật sư;

Ba là, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để Luật sư, các Đoàn Luật sư nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng xã hội của Luật sư, đặc thù của nghề Luật sư; vai trò và nội hàm của quản lý Nhà nước đối với hoạt động Luật sư; chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư. Liên đoàn và các Đoàn Luật sư phải là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với Luật sư trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp, các điểm nóng phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội để góp phần giữ vững an ninh, trật tự tại địa phương; tích cực tham gia vào quá trình đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Bốn là, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần được đặc biệt coi trọng để kịp thời phát hiện các biểu hiện tiêu cực trong hành nghề, từ đó có giải pháp giáo dục, uốn nắn kịp thời, nhất là các Luật sư có biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng, biểu hiện trái với chuẩn mực của nghề; cần kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp đối với các Luật sư có lỗi cố ý hoặc tái phạm.

Năm là, công tác khen thưởng Luật sư cần được tiến hành đồng bộ để kịp thời động viên những Luật sư gương mẫu chấp hành pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng, cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng.

Sáu là, tiếp tục kế thừa những mặt tích cực trong nhiệm kỳ II đối với công tác hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thực hiện nghiêm đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hợp tác quốc tế; chọn lọc các đối tác phù hợp, qua đó, tạo điều kiện cho đội ngũ Luật sư học hỏi, giao lưu nghề nghiệp với bạn bè quốc tế.

Bảy là, phát triển nghề Luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư gắn với chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế theo tinh thần Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020.

PV: Xin cám ơn Thứ trưởng đã tạo điều kiện cho Tạp chí Luật sư Việt Nam có cuộc trao đổi này!

THY NGỌC

Phát triển đội ngũ Luật sư trong tình hình mới: Trọng tâm vẫn là nâng cao chất lượng

Lê Minh Hoàng